Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra sản xuất lúa xuân
“Tập trung chăm sóc tốt diện tích lúa và các cây trồng vụ xuân, gắn sản xuất với chế biến nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp” là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ.
Ngày 6/2, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra sản xuất nông nghiệp tại các huyện Đô Lương và Anh Sơn. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
![lúa Anh Sơn. Ảnh- Phú Hương](https://bna.1cdn.vn/2025/02/06/bna_-lua-anh-son.-anh-phu-huong.jpg)
Vụ Xuân năm 2025, huyện Đô Lương gieo cấy gần 8.500 ha lúa, hiện nay lúa đã bén rễ, bà con đang tập trung tỉa dặm, bón thúc, chăm sóc lần 1. Sau khi kiểm tra sản xuất lúa xuân, đồng chí Nguyễn Văn Đệ đã đến thăm trang trại sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ - Organic, đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Sơn. Với diện tích 6.000 m3, quy trình sản xuất hiện đại, hiện trang trại này cung cấp rau sạch cho bếp ăn của các trường học trên địa bàn huyện.
![rau. Ảnh- Phú Hương](https://bna.1cdn.vn/2025/02/06/bna_-rau.-anh-phu-huong.jpg)
Đến ngày 2/2, huyện Anh Sơn đã gieo cấy được 3.261ha lúa, đạt 97% kế hoạch; gieo 537 ha ngô/KH 2.032 ha và 51 ha lạc/KH 103ha. Nhìn chung, tất cả các cây trồng chính vụ xuân đều tuân thủ lịch thời vụ, bám sát đề án; một số loại cây trồng chưa khép kín diện tích, tuy nhiên lịch thời vụ chưa kết thúc. Trên địa bàn, hiện cũng đang tiến hành thu hoạch mía cũng như trồng mới cây mía và sắn nguyên liệu.
![Thăm mía. Ảnh- Phú Hương](https://bna.1cdn.vn/2025/02/06/bna_-tham-mia.-anh-phu-huong.jpg)
Làm việc với đoàn công tác của tỉnh, huyện Anh Sơn cũng đề xuất, đề nghị hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do tiêu huỷ lợn bị dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2021-2024; đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ xi măng theo cơ chế nông thôn mới và các chương trình khác sớm hơn các năm để địa phương thuận lợi bố trí xây dựng các công trình kịp thời trong năm.
![thu hoạch mía. Ảnh- Phú Hương](https://bna.1cdn.vn/2025/02/06/bna_-thu-hoach-mia.-anh-phu-huong.jpg)
Kiểm tra mô hình trồng mía trên đất bãi, đồng chí Nguyễn Văn Đệ đánh giá cao việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mía tiến bộ vào sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, giá trị. Hiện toàn huyện có 1.200 ha mía nguyên liệu, trung bình năng suất đạt 75 ta/ha, trong đó hơn 700 ha tại vùng nguyên liệu của Công ty mía đường Sông Lam trồng giống mía LK9211 đạt năng suất 130 tạ/ha. Với công suất 500 tấn mía/ngày, hiện nhà máy đường Sông Lam đang tập trung thu mua nguyên liệu cho người dân.
![NM đường. Ảnh- Phú Hương](https://bna.1cdn.vn/2025/02/06/bna_-nm-duong.-anh-phu-huong.jpg)
Tại huyện Anh Sơn, đoàn công tác cũng đã kiểm tra mô hình trồng chè nguyên liệu tại xã Tam Đỉnh, thăm mô hình trồng bí xanh tại xã Cẩm Sơn. Vụ đông xuân năm nay huyện Anh Sơn trồng trên 400 ha bí, năng suất đạt 30 tạ/sào, được bán với mức giá khá cao từ 9.000 đến 10.000 đồng/kg.
![Kiểm tra mô hình sản xuất bí xanh trên đất bãi. Ảnh- Phú Hương](https://bna.1cdn.vn/2025/02/06/bna_-kiem-tra-mo-hinh-san-xuat-bi-xanh-tren-dat-bai.-anh-phu-huong.jpg)
Sau khi đi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương, đơn vị: Tập trung chăm sóc diện tích lúa và các loại cây trồng vụ xuân, trong đó các đơn vị thủy lợi cần phục vụ đủ nguồn nước để nông dân chăm sóc lúa. Theo dõi chặt diễn biến sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, chú ý tiếp tục diệt chuột, ốc bươu vàng.
![Mô hình trồng chè tại xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn). Ảnh- Phú Hương](https://bna.1cdn.vn/2025/02/06/bna_-mo-hinh-trong-che-tai-xa-dinh-son-anh-son-.-anh-phu-huong.jpg)
“Ngành nông nghiệp và các địa phương cần có giải pháp hiệu quả, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao; gắn sản xuất với chế biến, sản xuất theo chuỗi để có thể tiêu thụ ổn định, hạn chế tình trạng được mùa mất giá cũng như tăng giá trị trên đơn vị sản xuất. Tập trung đưa các giống tiến bộ vào trồng để nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây nguyên liệu” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.