Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
“Yêu cầu các địa phương phải chủ động triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra” - Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Sáng 16/5, đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Nghệ An dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại các địa phương: Thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu và huyện Nghi Lộc.

Kiểm tra tại thị xã Hoàng Mai, đoàn công tác đã đến vùng rừng trọng điểm xã Quỳnh Lộc. Theo báo cáo của UBND thị xã, địa phương hiện có gần 2.000 ha rừng trồng, chủ yếu là thông nhựa và bạch đàn – những loại cây dễ cháy trong mùa nắng nóng. Nhằm chủ động phòng ngừa cháy rừng, thị xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCCR, thành lập 72 tổ, đội PCCCR tại các thôn, xóm. Ngoài ra, địa phương đã tu sửa được 37 km đường băng cản lửa nhằm ngăn chặn nguy cơ lan rộng khi xảy ra cháy.
.jpeg)
Tiếp tục chương trình làm việc, đoàn công tác đã kiểm tra thực địa tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An huyện Quỳnh Lưu và hiện trường xử lý thực bì tại xã Ngọc Sơn cùng một số điểm nóng khác. Đơn vị đang quản lý hơn 1.000 ha rừng thông, và từ đầu tháng 3 đã huy động lực lượng cùng các hộ nhận khoán rừng xử lý thực bì, đến nay đã hoàn thành trên 600 ha. Đồng thời, Ban Quản lý cũng hỗ trợ chi phí dầu máy, huy động nhân lực làm đường băng cản lửa, sửa chữa chòi canh và lắp đặt biển báo cảnh báo cháy rừng.

Tại huyện Nghi Lộc, đoàn đã có buổi kiểm tra tại vùng rừng trọng điểm xã Nghi Lâm. Theo báo cáo của UBND huyện, toàn huyện hiện có khoảng 500 ha rừng thông. Để chủ động ứng phó với nguy cơ cháy rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc đã thực hiện nhiều biện pháp như: Tu sửa hơn 20 tuyến đường băng cản lửa, xử lý thực bì trên hơn 200 ha và chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ chữa cháy. Huyện cũng đã trang bị 25 máy thổi gió, cưa xăng, ống nhòm, dao phát, câu liêm; bố trí 8 chòi canh lửa hoạt động 24/24h cùng hệ thống 14 camera phục vụ giám sát rừng.

Công tác PCCCR tại huyện Nghi Lộc được triển khai đồng bộ, bài bản theo đúng phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Tuy nhiên, địa bàn vẫn còn tồn tại nhiều diện tích thực bì dưới tán rừng chưa được xử lý triệt để, và một số đường băng cản lửa vẫn chưa được hoàn thiện, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.
Sau khi kiểm tra thực tế và nghe báo cáo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ ghi nhận sự chủ động của các địa phương trong công tác PCCCR, đặc biệt là việc xây dựng kế hoạch tác chiến cụ thể, chi tiết và việc chuẩn bị các phương án ứng phó theo nguyên tắc “4 tại chỗ”.
.jpeg)
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hơn nữa, đồng chí nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục thực hiện: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng.
Tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng, trực PCCCR tại các trạm, thành lập các chốt kiểm soát người ra, vào rừng; xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lửa gây cháy rừng, nhất là trong thời kỳ cao điểm. Rà soát, cập nhật và hoàn thiện phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm tính khả thi và hiệu quả khi triển khai.

Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống đường băng trắng cản lửa giữa các vùng giáp ranh; tiếp tục thu dọn thực bì tại các khu rừng trọng điểm. Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức chữa cháy khi xảy ra tình huống.
.jpeg)
Theo dõi, giám sát chặt chẽ diện tích rừng bị cháy, điều tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật nhằm răn đe và nâng cao tính giáo dục trong cộng đồng.
Các địa phương đã có sự chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng, tuy nhiên, vẫn cần sự quyết liệt và đồng bộ hơn nữa để đảm bảo an toàn, đặc biệt là thời điểm cao điểm nắng nóng hiện nay.