Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và nữ đại sứ đặc biệt
Nếu ông Nguyễn Cơ Thạch được coi là "kiến trúc sư" của giai đoạn ngoại giao “phá vây” thì ông Phạm Bình Minh (con trai ông Thạch) được xem là biểu tượng của nền ngoại giao Việt Nam thời hội nhập.
Cha “giải vây”- con “hội nhập”
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry |
Có thể nói giai đoạn ông Nguyễn Cơ Thạch làm Bộ trưởng là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta thời hiện đại. Với cương vị Bộ trưởng, ông Thạch cũng là nhà ngoại giao chịu nhiều áp lực nhất của Việt Nam. Giai đoạn ấy Việt Nam vừa phải đối mặt với chiến tranh biên giới phía Nam, vừa phải chống chọi với Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cấm vận của Mỹ và bị hầu hết các nước trên thế giới cô lập.
Đó cũng là thời kỳ sự bế tắc trong quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc lên đến đỉnh điểm. Là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác đối ngoại, đồng thời đảm nhiệm cương vị Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, mọi quyết sách ngoại giao, mọi gánh nặng trong lĩnh vực đối ngoại đều do ông đảm nhiệm.
Những chiến dịch chủ động, mạnh mẽ, đấu tranh dồn dập của Ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông đã góp phần rất quan trọng vào việc giải quyết dứt điểm vấn đề Campuchia (1991), bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991), cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á và gia nhập ASEAN (1995), Mỹ bỏ cấm vận (1994) và thiết lập quan hệ Ngoại giao với Việt Nam (1995).
Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Sullivan đã từng nói: “Tôi luôn nghĩ rằng kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Việt là tượng đài cho những cống hiến của ông Thạch”. Còn nhà ngoại giao Phan Doãn Nam thì viết: “Trong 11 năm làm Bộ trưởng, chính ông đã là người khởi động, đặt nền móng cho những kết quả ngoại giao vô cùng quan trọng. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến ông được coi là “Bộ trưởng giải vây” của ngoại giao Việt Nam”.
Không ở vào giai đoạn bị “bế quan tỏa cảng” như cha mình, nhưng ông Phạm Bình Minh trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao ở thời điểm Việt Nam vươn mạnh mẽ ra “biển lớn”. Có thể nói chưa bao giờ ngoại giao và hợp tác quốc tế của Việt Nam lại đạt được những thành tựu lớn lao như vậy.
Khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đã tạo ra nhiều cơ hội cho tăng cường hợp tác phục vụ phát triển. Việt Nam đã triển khai hiệu quả quan hệ với các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện để phát triển nội lực hình thành những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Thành công này có phần đóng góp rất quan trọng của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Bà Đại sứ trong cuộc đời ông Minh
Có một sự trùng hợp khá lý thú nữa là, trong sự thành công của ngành ngoại giao Việt Nam nói chung và sư nghiệp của ông Phạm Bình Minh nói riêng luôn có bóng dáng của một nhà ngoại giao nữ - bà Nguyễn Nguyệt Nga - vợ ông.
Bà học cùng trường với ông Phạm Bình Minh, cũng có hơn 30 năm làm trong ngành ngoại giao, là nữ Vụ trưởng đầu tiên về kinh tế (Vụ Hợp tác kinh tế đa phương) ở Bộ Ngoại giao, được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ, là quan chức cao cấp của Việt Nam tại Diễn đàn Hợp tác Á- Âu (ASEM), Phó trưởng đoàn đàm phán chính phủ về kinh tế - thương mại, từng là Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ.
Bà Nguyễn Nguyệt Nga - Phu nhân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh |
Công việc của bà và các đồng nghiệp Vụ Hợp tác kinh tế đa phương là tiên phong trong công cuộc hội nhập về chính sách, đem những ASEAN, ASEM, APEC, WTO, TPP và hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) về Việt Nam.
Theo bà Nga thì bà cũng chịu sự ảnh hưởng rất nhiều từ ông Nguyễn Cơ Thạch. Bà nói về người thủ trưởng, đồng thời cũng là bố chồng mình: “Ông là người có phong cách làm việc gần gũi và thiết thực, có nhiều ảnh hưởng đến thế hệ làm ngoại giao kế cận. Tôi đã học hỏi từ ông nhiều điều. Ông thường căn dặn chúng tôi: “Trung thực và chân thành là điều quyết định tạo nên uy tín của một nhà ngoại giao”.
Mặc dù công việc vô cùng bận rộn, nhưng mỗi khi có mặt ở nhà bà Nga tự tay chăm sóc gia đình. Bà bảo, bà thích nấu ăn, trong nhà bà không có người giúp việc. “Giữa gia đình và công việc, tôi xử lý việc gia đình trước. Gia đình chính là nơi tạo nguồn vui để tôi hoàn thành tốt công việc”- Bà Nga từng kể.
Theo Viettimes
TIN LIÊN QUAN |
---|