Phó Thủ tướng chỉ đạo ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng dự án Thủy điện Bản Vẽ
(Baonghean.vn)- Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trong việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc kéo dài ở dự án Thủy điện Bản Vẽ.
Toàn văn Thông báo kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ
Ngày 28/3/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về việc giải quyết các vấn đề sau lũ năm 2018; các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thủy điện Bản Vẽ, tỉnh Nghệ An. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An; lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan.
Cuộc họp ngày 28/3/2019 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì. Ảnh: PV |
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:
Dự án Thủy điện Bản Vẽ tại xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Dự án được khởi công xây dựng năm 2004, đưa vào vận hành từ năm 2010 cung cấp điện cho quốc gia bình quân khoảng 1084,2 triệu kWh/năm.
Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 13/4/2019 của Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Nhật Lân |
Dự án đã có sự đóng góp và ủng hộ to lớn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, nhất là 3.022 hộ dân với hơn 14.324 nhân khẩu của 34 bản thuộc 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn đã chủ động thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, ủng hộ chủ đầu tư trong việc di dân bàn giao mặt bằng sạch để xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ đúng tiến độ (2004 - 2010).
Tuy nhiên đến nay, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của nhân dân vùng di dân, tái định cư trong một số năm gần đây. Đặc biệt, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 (tháng 8/2018) đã gây ra thiệt hại nặng nề về nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu của nhân dân và nhiều công trình công cộng khác.
Sau những đợt lũ năm 2018, có không ít hộ dân ở huyện Tương Dương phải sống trong cảnh lều lá tạm bợ. Ảnh: Nhật Lân |
Để sớm ổn định cuộc sống của người dân, đồng bào dân tộc vùng biên giới Việt - Lào do phải bàn giao mặt bằng thi công dự án Thủy điện Bản Vẽ trước mùa lũ 2019, yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các huyện Tương Dương, Thanh Chương rà soát các tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thiệt hại sau bão số 4 (tháng 8/2018) của người dân vùng dự án Thủy điện Bản Vẽ và vùng bị ảnh hưởng của dự án.
Trên cơ sở đó xem xét, xử lý hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn đầu tư của dự án Thủy điện Bản Vẽ theo đúng quy định hiện hành, nhằm giúp người dân vùng dự án khắc phục tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đường và hệ thống điện lưới của xã Lượng Minh (Tương Dương) bị hư hỏng nặng sau các trận lũ năm 2018. Ảnh: Nhật Lân |
Cần khoảng 180 tỷ đồng để giải quyết tồn tại dự án thủy điện Bản Vẽ
Như Báo Nghệ An đã thông tin, tổng kinh phí để giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Thủy điện Bản Vẽ và khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2018 mà 2 huyện Tương Dương, Thanh Chương đã báo cáo UBND tỉnh và chủ đầu tư là khoảng 180 tỷ đồng.
Ở huyện Tương Dương, danh mục đề nghị hỗ trợ gồm: Thực hiện sửa chữa nhà ở tái định cư, các công trình công cộng do chủ đầu tư xây dựng đã xuống cấp với kinh phí khoảng hơn 2,5 tỷ đồng; Hỗ trợ san nền nhà ở cho 3 bản khó khăn vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ với kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng; Đầu tư bổ sung khu tái định cư tại cụm Xốp Vi để di chuyển 59 hộ còn lại tại các bản Xốp Cháo, Khe Pặng và Pủng Meo, với kinh phí khoảng 11 tỷ đồng.
Hỗ trợ xây dựng mới khu tái định cư Khe Ò, xã Yên Na với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng; Hỗ trợ xây dựng Trường THCS xã Yên Na với kinh phí khoảng 8,5 tỷ đồng; Hỗ trợ thiệt hại do đợt xả lũ ngày 30 - 31/8/2018 khoảng 22 tỷ đồng (trong đó, hỗ trợ 10 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở cho 31 hộ dân xã Lượng Minh có nơi ở mới; 10 tỷ đồng sửa chữa 4 vị trí bị ngập, hư hỏng trên tuyến đường 543B; 2 tỷ đồng sửa chữa 2 cầu treo bị hư hỏng).
Nhiều hộ dân tái định cư ở huyện Thanh Chương trở về quê cũ huyện Tương Dương. Họ dựng nhà bên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ để sinh sống. Ảnh: Nhật Lân |
Ngoài ra, bồi thường, hỗ trợ về đất đai trên cốt ngập với khoảng hơn 107 tỷ đồng, vì toàn bộ diện tích đất trên cốt ngập của dự án Thủy điện Bản Vẽ theo quy định tạm thời của dự án thì không thực hiện phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, nhân dân trong khu vực lòng hồ đều phải di dời về các khu tái định cư tại huyện Thanh Chương và Tương Dương, không thể sản xuất trên phần diện tích này mà phải trả lại Nhà nước quản lý sử dụng vào mục đích khác là 4298,11 ha (gồm đất lâm nghiệp Nhà nước đã giao đất, cấp giấy chứng nhận QSD đất cho dân theo Nghị định 163, đất ở nông thôn, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất trồng lúa, đất nuôi trồng thủy sản).
Với huyện Thanh Chương, đề nghị đầu tư các công trình thiết yếu trên địa bàn 2 xã tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, gồm 3 tuyến đường sản xuất, chợ nông thôn, sân vận động cấp xã, đài tưởng niệm liệt sỹ và Nhà văn hóa bản Nóng của 2 xã tái định cư Ngọc Lâm và Thanh Sơn. Dự toán sơ bộ tổng kinh phí thực hiện các hạng mục công trình này khoảng 19 tỷ đồng. Bên cạnh đó là việc thực hiện dứt điểm công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận QSD đất cho nhân dân.
Buổi làm việc giữa UBND tỉnh với chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ, được tổ chức trong ngày 22/2/2019, Ảnh: Nhật Lân |
Liên quan đến các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thủy điện Bản Vẽ, ngày 18/10/2018, UBND tỉnh Nghệ An có công văn khẳng định việc giải quyết còn chậm, dẫn đến việc cử tri phản ánh, báo chí đưa tin, gây bức xúc trong nhân dân.
Dự án thủy điện Bản Vẽ tại xã Yên Na, huyện Tương Dương được khởi công xây dựng năm 2004, đưa vào vận hành từ năm 2010 cung cấp điện cho quốc gia bình quân khoảng 1084,2 triệu kWh/năm. |
Ngày 22/2/2019, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục tổ chức buổi làm việc với chủ đầu tư Thủy điện Bản Vẽ, tuy nhiên, tại buổi làm việc này vẫn chưa thống nhất đưa ra được hướng giải quyết một số tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB, hỗ trợ và tái định cư cùng các vấn đề nảy sinh sau lũ năm 2018.