Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thực hiện Đề án 06 phải quyết tâm và rất chi tiết, tỉ mỉ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số nhấn mạnh điều này khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Hà Nam lập tổ công tác đến tận xã, phường để thu thập dữ liệu trên cơ sở tập hợp theo yêu cầu của các sở, ngành, gắn với cơ chế thiết lập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin - Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết những năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều đề án, kế hoạch về tin học hoá, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến… nhưng chưa có đề án nào được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo nhiều như Đề án 06, cùng sự vào cuộc rất mạnh mẽ của các bộ, ngành.
Tuy nhiên, khi bắt đầu thực hiện, Đề án 06 đã cho thấy những vướng mắc, ách tắc, khó khăn cần giải quyết. Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Trong suốt cuộc đời của một người cần khoảng 200 trường dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý. Nhưng cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương còn rời rạc, manh mún, ở nhiều bộ phận khác nhau.
Để khắc phục tình trạng này, Phó Thủ tướng cho rằng phải đẩy mạnh kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu ngành, địa phương; lập tổ công tác đến tận xã phường để thu thập dữ liệu trên cơ sở tập hợp theo yêu cầu của các sở, ngành, gắn với cơ chế thiết lập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin.
"Các đồng chí phải giao ban hằng tuần, sao cho trong vòng 6 tháng có cơ sở dữ liệu của toàn tỉnh", Phó Thủ tướng nói và lưu ý 3 nhóm dữ liệu cần tập trung rà soát, cập nhật là: Đất đai, xây dựng, nhà ở; lao động, an sinh xã hội; y tế.
Về việc triển khai cung cấp các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Hà Nam quyết tâm thực hiện đầy đủ; khẩn trương đồng bộ dữ liệu đã có và kết nối theo từng dịch vụ công.
"Các bộ, ngành phải cử người xuống những địa phương được chọn làm điểm, làm mẫu trong thực hiện Đề án 06, ghi nhận thực tiễn để bổ sung, điều chỉnh hướng dẫn chung cho cả nước, phải quyết tâm và rất chi tiết, tỉ mỉ", Phó Thủ tướng nói.
Đến nay, tỉnh Hà Nam đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06; đang triển khai thí điểm 2 dịch vụ công: Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe; Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ).
Đối với 2 dịch vụ là Liên thông đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí bắt đầu triển khai thí điểm từ ngày 21/11/2022.
Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam cung cấp tổng số 1.741 bộ thủ tục hành chính. Trong đó có 877 dịch vụ trực tuyến toàn trình; 789 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tính đến 18/11/2022, tổng số hồ sơ được tiếp nhận và cập nhật vào hệ thống: 231.081 bộ, giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,9%; có 154.063 bộ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 66,67%.
Tỉnh Hà Nam đã hoàn thiện các điều kiện và thực hiện xong việc kết nối Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đến nay, Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã triển khai, chỉ đạo 118/118 cơ sở khám chữa bệnh BHYT sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử hoặc qua ứng dụng VneID thay thế cho thẻ BHYT và thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế (540.386/771.934 thẻ BHYT).
Tính đến ngày 18/11, Hà Nam đã thực hiện làm sạch dữ liệu 2.103.181 mũi/2.188.395 mũi tiêm vaccine phòng COVID-19, đạt 96,10%.
Rà soát, cập nhật thông tin số lượng về các nhà thuốc; cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh… Các cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe đã thực hiện liên thông kết quả trên trục liên thông quốc gia từ tháng 2/2020.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - C06- Bộ Công an thực số hóa dữ liệu 35.000 hộ nghèo, cận nghèo; 20.299 người có công; 45.300 người thuộc diện bảo trợ xã hội; cấp tài khoản an sinh xã hội cho công dân trên toàn tỉnh; đẩy mạnh hỗ trợ công tác an sinh xã hội qua tài khoản an sinh…
Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhập thông tin lên cơ sở dữ liệu về đất đai, triển khai đối sánh dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đã đồng bộ đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng 283.983 thửa đất tại 101/109 xã phường, thị trấn.
Trao đổi những vướng mắc đặt ra khi triển khai Đề án 06 tại Hà Nam, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an lưu ý các địa phương phải rất sẵn sàng về con người, công nghệ, dữ liệu để kết nối từng bước. Người đứng đầu ở từng cấp phải nắm được kết quả triển khai hằng ngày, các vướng mắc phát sinh để giải đáp, giải quyết ngay. "Nếu chúng ta không nhận thức đầy đủ việc phục vụ người dân, doanh nghiệp, xã hội mà vẫn còn đâu đó tư tưởng xin-cho thì sẽ không thành công", Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy khẳng định ngay sau buổi làm việc này, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn về quy trình, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện cung cấp các dịch vụ công liên thông theo yêu cầu đề ra; tăng cường tuyên truyền về việc triển khai các dịch vụ công liên thông để người dân nắm được, tham gia thực hiện. Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên làm tốt công tác cập nhật, làm sạch dữ liệu hộ tịch, y tế, đất đai, an sinh xã hội phục vụ hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh thực hiện các mô hình về đăng ký lưu trú; cấp chữ ký số; cấp tài khoản an sinh xã hội phục vụ việc chi trả không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế, giáo dục trên địa bàn tỉnh...