Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tiếp tục khơi thông các động lực tăng trưởng kinh tế
(Baonghean.vn) - Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có tư tưởng bứt phá, tiếp tục khơi thông các động lực tăng trưởng, giữ vững nền kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Sáng 18/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2019. Dự hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính Phủ; Nguyễn Chí Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự. Ảnh: Thanh Lê |
Vai trò thúc đẩy, phát triển kinh tế
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hoàn thiện thể chế và xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững.
Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01 ngày 1/1/2019 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 với 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành, cùng 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 186 nhiệm vụ cụ thể. Những giải pháp, chính sách này nhìn chung đều đã phát huy tác dụng và đạt được nhiều kết quả tích cực, đúng hướng.
Các đồng chí chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê |
Bên cạnh đó, Bộ cũng soạn thảo nhiều đề án, báo cáo quan trọng, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối của nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về quản lý quy hoạch và đầu tư công; đề xuất nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực mang tính đột phá để phát triển đất nước.
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, các địa phương kiến nghị đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, huy động vốn đầu tư xã hội còn thấp; môi trường đầu tư kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu; vướng mắc trong chuyển tiếp quy hoạch.
Bộ sớm hướng dẫn các địa phương thực hiện Luật Đầu tư công; chồng chéo, mâu thuẫn giữa các Luật như Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp; bố trí vốn cho các dự án ODA; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; vấn đề phát triển các vùng, liên kết vùng; giải ngân vốn đầu tư chậm;...
Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có trên 10.693 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký trên 127.271 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt khoảng 11,9 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước.
Khơi thông các động lực tăng trưởng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao ngành Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan tổng tham mưu trưởng về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục bám sát nhiệm vụ, mục tiêu kiên trì, phấn đấu để đạt được mục tiêu năm 2019 tốt hơn năm 2018.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có tư tưởng bứt phá, tiếp tục khơi thông các động lực tăng trưởng, giữ vững nền kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, tổng hợp, phân tích dự báo, chủ động xây dựng các kịch bản để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, ngành Kế hoạch và Đầu tư cần xác định nhiệm vụ cải cách thể chế, chính sách để kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là nhiệm vụ bao trùm chức năng của ngành; nhất là xây dựng mô hình phát triển kinh tế mới, phương thức kinh doanh mới trong điều kiện của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, phải là đơn vị đi tiên phong trong đổi mới thể chế và kinh tế. Để làm được điều đó, Bộ cần thành lập Tổ công tác rà soát, phát hiện danh mục những vướng mắc "điểm nghẽn" về thể chế, chính sách làm kiềm chế phát triển kinh tế" - Phó Thủ tướng nói.
Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Thanh Lê |
Cùng đó, Bộ cần khẩn trương hoàn thiện trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến đối với 2 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công và Luật Doanh nghiệp theo hình thức đối tác công tư.
Song song với đó, Bộ cần rà soát những vướng mắc trong lĩnh vực quy hoạch, giải ngân; tạo chuyển biến căn bản, đẩy nhanh tiến độ giao vốn và đầu tư công; quan tâm phát triển doanh nghiệp, quan tâm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; làm tốt hơn vai trò thu hút đầu tư nước ngoài;...