Phố Trà chanh
(Baonghean) - Khả năng nhớ tên đường của mình cực kỳ kém nên dù là dân thành phố Vinh “chính hiệu” nhưng hễ ai hỏi đường mình thì 99% sẽ nhận được cái lắc đầu kèm theo ánh mắt “con nai vàng ngơ ngác”. Khổ nỗi, đường thì mình biết còn tên thì chịu, nên cứ hỏi tên đường là mình tù mù!
Ấy thế mà có một con phố đã phá vỡ được “lời nguyền” đãng trí của mình, ấy là phố “Trà chanh”. Đến đây, chắc hẳn không ít bạn đọc sẽ thắc mắc: Làm gì có con đường nào trong Thành phố đuợc đặt tên là “Trà chanh”? Con phố với cái tên lạ lẫm này có lẽ chỉ là một ẩn số với những người trung tuổi đến lớn tuổi thôi, chứ với giới trẻ thì không mấy ai xa lạ. Ấy chính là một đoạn vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu, bên ngoài hàng rào khuôn viên Quảng trường Hồ Chí Minh và Nhà văn hoá Lao động tỉnh.
Phố Trà chanh trên đường Hồ Tùng Mậu trở thành điểm đến ưa thích của các bạn trẻ vào buổi tối. |
Cũng không biết từ lúc nào, đoạn vỉa hè này đã trở thành nơi tụ họp của các quán giải khát lưu động vào buổi tối. Cả chủ quán và khách hàng tìm đến “con phố” này hầu hết là các bạn trẻ tầm dưới 25 tuổi. Bắt đầu từ 6 giờ tối, các “ông”, “bà” chủ trẻ tuổi bắt đầu dọn bàn, ghế và các đồ dùng, nguyên liệu, đáp ứng các thức uống giải khát và món ăn vặt “thời thượng” nhất trong giới trẻ hiện nay, như trà chanh, trà đào, nem rán, hoa quả dầm mắm ớt,… Mặc dù không xuất hiện trên bất cứ tấm bản đồ Thành phố nào, “con phố” này cũng có bảng tên hẳn hoi như các tuyến đường khác. “Phố Trà chanh”, có lẽ một bạn chủ quán tinh nghịch nào đã mang tấm bảng tên này đến treo tại đây vào mỗi tối khi các bạn mở quán phục vụ khách hàng. Như một cách khẳng định về sự tồn tại của một nét văn hoá, một nhịp sống về đêm rất riêng của giới trẻ Thành phố.
Mình thường xuyên tụ tập bạn bè tại một quán giải khát trên “con phố” đặc biệt này. Các quán hàng ở đây không có tên và địa chỉ cụ thể, chính xác, nên khách quen tìm đến quán ưa thích của mình qua trí nhớ đối với đoạn vỉa hè quán đứng chân và các bạn chủ quán. Quán “tủ” của mình nằm ở ngay cạnh lối vào bên hông của Nhà Văn hoá Lao động tỉnh. Tại sao mình thích địa điểm này? Có 3 lý do:
Thứ nhất, ngay cạnh cửa vào của Nhà Văn hoá là một không gian thảm cỏ xanh với hòn non bộ nhỏ nên quán trà chanh ở bên ngoài ngẫu nhiên được “hưởng ké” phối cảnh rất thiên nhiên ấy, tạo cho quán này một nét rất riêng, rất khác các quán trà chanh cùng chia sẻ đoạn vỉa hè ấy.
Thứ hai, bảng tên của “con phố” cũng nằm ở vị trí của quán này - một điều hết sức thuận lợi nếu như bạn là người thích chụp ảnh lưu lại các khoảnh khắc vui vẻ cùng bạn bè và không quên làm động tác “check-in” trên mạng xã hội. Có lẽ đó cũng là ý đồ của các bạn chủ quán ở đây, tạo ra một địa điểm tụ tập, vui chơi lành mạnh cho các bạn trẻ. Nếu như ở Hà Nội có “phố” trà chanh ở đối diện Nhà hát lớn Thành phố, ở Sài Gòn có “Phố” trà chanh ở Nhà Thờ Đức bà thì ở Vinh cũng có một “Phố” trà chanh trên trục đường lớn nhất nhì Thành phố, nằm ở khu vực trung tâm ngay cạnh Quảng trường Hồ Chí Minh. Nhiều bạn trẻ đi học ở Hà Nội, Sài Gòn về nghỉ hè đã ồ lên thích thú khi bắt gặp lại một thú vui, một địa điểm tưởng lạ mà lại rất quen, gắn bó với đời sống học sinh, sinh viên tại các thành phố lớn.
Cuối cùng, hễ liên quan đến giới trẻ là phải nhắc đến thói quen. Mình hay ngồi chơi với bạn bè tại quán này cũng bởi mình đã quen với các bạn chủ quán. Trong số đó có một bạn tên là Tuấn, sinh năm 1995, vẫn còn đang đi học. Mình biết đến Tuấn cũng bởi bạn là admin (người quản trị) của một trang web về ẩm thực Thành phố Vinh. Có lần hẹn nhóm bạn thân đến quán mà bị cả nhóm chơi “giờ cao su”, mình đang ngồi thơ thẩn một mình thì thấy bạn chủ quán kéo ghế ngồi cùng, trò chuyện một lúc cho mình đỡ buồn. Như cạ cứng gặp được nhau, hai đứa ngồi tranh luận sôi nổi về các quán ăn, món ăn ngon trên thành phố. Có lẽ chính niềm đam mê ẩm thực cũng là một trong những lý do để Tuấn và những người bạn của mình mở ra quán trà chanh này. “Nhưng điều quan trọng nhất là có nơi để gặp gỡ bạn bè, trò chuyện thư giãn đầu óc sau một ngày làm việc, học tập thôi. Như vậy còn lành mạnh hơn là đi chơi game, nhậu nhẹt hay dong dong chạy xe trên đường, vừa đông đúc lại vừa nguy hiểm…”.
Cũng hơi kỳ lạ khi nghe những điều này từ một người trẻ - thế hệ vẫn thường được gắn liền với định kiến về sự nông nổi, ưa thích những hoạt động ồn ào, những nơi đông đúc. Nhưng thực ra, đó chỉ là một cái nhìn rất phiến diện về các bạn trẻ ngày nay. Bởi, rõ ràng, với năng lượng lúc nào cũng tràn đầy, sự thích thú, quan tâm đối với những cái mới, lạ, những gì “thời thượng” nhất, “sành điệu” nhất, những sở thích và hành động của giới trẻ bao giờ cũng có phần bắt mắt, nổi bật hơn so với những thú vui, sở thích của người lớn tuổi. Có lần mẹ mình đã phàn nàn khi mình thường xuyên ra khỏi nhà vào mỗi tối theo lời rủ rê của đám bạn: “Mấy đứa thanh niên thời nay hễ gặp nhau là nhậu nhẹt, rồi rủ nhau đi bar, đi club. Toàn những chốn xô bồ, ồn ào, phức tạp. Hay ho, bổ béo gì mấy cái nơi chốn ấy mà suốt ngày đàn đúm, tụ tập. Bố mẹ nào mà không lo lắng cho được?”
Nghe xong, mình phì cười rồi thuyết phục mẹ đi cùng mình một lần cho biết giới trẻ “đàn đúm” như thế nào. Thế mà sau lần đi ngồi trà chanh ở đường Hồ Tùng Mậu, mẹ mình đâm “mê” nét văn hoá rất “đằm” ấy của giới trẻ. Cứ mấy ngày một lần, bố mẹ mình lại rủ nhau đi bộ thể dục vòng quanh quảng trường và điểm dừng chân bao giờ cũng là “Phố Trà chanh”.
Như vậy để thấy, sự hoà hợp giữa các thế hệ không phải là “điệp vụ bất khả thi”, ngay cả trong lĩnh vực giải trí. Bởi lứa tuổi nào cũng thế cả thôi, cũng cần có những lúc sôi nổi, nhộn nhịp nhưng cũng rất cần những dấu lặng, những góc yên bình bên lề cuộc sống hối hả. Và “Phố Trà chanh” chính là một trong những góc nhỏ yên ắng, khiêm nhường mà đáng yêu vô cùng ấy. Những khi ngồi nhâm nhi một cốc trà chanh, nhẩn nha đôi ba hạt hướng dương, hờ hững nghe đứa bạn thân huyên thuyên về một chuyện đời, chuyện người nào đó, nhìn ra dòng xe cộ tấp nập lại qua, tự nhiên thấy mình như một nốt nhạc lạc phách, lạc nhịp. Nhưng không phải là lạc lõng, mà là sự chững lại giữa dòng chảy cuộc sống hiện đại đang không ngừng giục giã. Chậm lại để thấy tâm hồn ta thanh thản hơn, để lắng nghe tiếng cuộc sống rõ ràng hơn, để nhìn những sắc màu cuộc sống rõ nét hơn.
Tất nhiên, văn hoá vỉa hè ở Việt Nam bao giờ cũng đi kèm những điểm trừ nho nhỏ khiến người ta không tránh khỏi một đôi cái nhíu mày. Có một dạo báo chí rộ lên tin tức về trà chanh vỉa hè được pha từ hoá chất không rõ nguồn gốc, hoặc hạt hướng dương tẩm hoá chất tạo màu, tạo mùi,… Đó là những góc khuất chưa thật sự đẹp của vỉa hè Việt Nam nói chung, nhưng sự cân xứng hoàn hảo chưa hẳn là quy luật ưu tiên trong hội hoạ, đặc biệt là khi vẽ bức tranh cuộc sống. Đó là một đôi nét nguệch ngoạc không thực sự ăn khớp với đô thị hiện đại hoá, nhưng rồi chúng ta vẫn nhìn những khiếm khuyết ấy bằng lòng bao dung và thậm chí là niềm thương nỗi nhớ mỗi lúc đi xa. Để rồi khi trở về thành phố quê hương, ngồi bên phố xá tấp nập và nhìn nụ cười thân thiện của những người trẻ năng động này, làm sao mà giận, mà ghét cho được!
Hải Triều
TIN LIÊN QUAN |
---|