Phó trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An: Cần bổ sung thời gian người bị kết án tử hình chờ thi hành án

Thanh Loan 22/05/2019 19:12

(Baonghean.vn) - Về thi hành án tử hình, đại biểu đề nghị bổ sung về thời gian người bị kết án tử hình chờ thi hành án. Bởi vì, thực tế hiện nay rất nhiều nạn nhân án tử hình bị tạm giam quá lâu do phải chờ quyết định của Chủ tịch nước chấp nhận hay không chấp nhận đơn xin ân xá.

Đại biểu Trần Văn Mão phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Thanh Loan
Đại biểu Trần Văn Mão phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Thanh Loan

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Thi hành án hình sự, đại biểu Trần Văn Mão, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đồng tình với quy định tại Điều 33 của dự thảo luật về nội dung ''trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức cho phạm nhân lao động cả trong và ngoài trại giam".

Theo đại biểu, Điều 33 đảm bảo quyền và nghĩa vụ lao động theo Hiến pháp 2013; phù hợp với các điều ước quốc tế về nhân quyền trong đó có quyền lao động; phù hợp với Bộ luật Lao động; Bộ luật Hình sự và các luật khác có liên quan. Thể hiện quan điểm đổi mới trong tổ chức cải tạo phạm nhân tại các trại giam; tạo điều kiện để phạm nhân tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các cơ sở giam giữ. Bên cạnh đó, đảm bảo có thêm thu nhập; giảm bớt gánh nặng chi phí ngân sách nhà nước dành cho cải tạo phạm nhân, giúp phạm nhân hòa nhập, hướng thiện, chấp hành án tốt sớm trở về với gia đình.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Mão bày tỏ băn khoăn về tính khả thi hoặc sẽ làm phát sinh nhiều bất ổn trong công tác quản lý phạm nhân thi hành án phạt tù. Việc phạm nhân chấp hành hình phạt tù là bảo đảm mục đích của trừng trị (giáo dục người phạm tội) được thực thi trên thực tế. Đối với phạm nhân, việc giáo dục phạm nhân được thông qua nhiều hình thức trong đó có tổ chức cho phạm nhân lao động. Như vậy, lao động của phạm nhân là một biện pháp giáo dục chứ không phải nhằm tạo ra vật chất để phục vụ đời sống của phạm nhân.

Thứ hai, đối với công tác bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự: Một khó khăn và cũng là một tồn tại lớn kéo dài trong công tác thi hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ hiện nay là tình trạng phạm nhân vi phạm kỷ luật trại giam, mang vật cấm vào trại giam, đánh nhau và trốn khỏi nơi giam giữ.

Báo cáo công tác thi hành án hàng năm của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy, hàng năm Nhà nước đều bố trí kinh phí để trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ việc quản lý giam giữ phạm nhân nhưng tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam qua các năm tuy có giảm nhưng vẫn diễn ra phức tạp. Như vậy, khi tổ chức cho phạm nhân lao động ở ngoài khu vực trại giam, vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa phạm nhân mang vật cấm (thậm chí cả ma túy, điện thoại di động,...) phức tạp. Nếu như Nhà nước bố trí kinh phí để trang bị máy móc phục vụ cho việc kiểm soát an ninh tại các cơ sở sản xuất liên kết với trại giam cho phạm nhân lao động thì rất khó khả thi vì làm tăng chi phí đầu tư so với hiệu quả thu được.

Về thi hành án tử hình, đại biểu đề nghị bổ sung về thời gian người bị kết án tử hình chờ thi hành án. Bởi vì, thực tế hiện nay rất nhiều nạn nhân án tử hình bị tạm giam quá lâu do phải chờ quyết định của Chủ tịch nước chấp nhận hay không chấp nhận đơn xin ân xá. Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, vướng mắc trong công tác thi hành án tử hình hiện nay là do tổ chức thực hiện là chưa chính xác, thỏa đáng. Vì thời gian xem xét, quyết định phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm, kháng cáo, kháng nghị đã được bỏ Luật Thi hành án hình sự quy định tại Điều 367 nhưng thực hiện quá lâu, kéo dài là do hiện nay chưa có điều luật nào quy định thời hạn xem xét đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An: Cần bổ sung thời gian người bị kết án tử hình chờ thi hành án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO