Phòng chống bệnh do côn trùng

06/11/2014 19:01

(Baonghean.vn) - Bước vào thời điểm chuyển mùa Thu sang Đông, thời tiết ẩm đã tạo điều kiện cho nhiều loại côn trùng phát triển mạnh. Trong giai đoạn này, đã có nhiều người dân mắc bệnh viêm da do tiếp xúc với côn trùng. Bệnh viên da do nhiễm độc côn trùng có thể không ảnh hưởng tức thì đến tính mạng nhưng sẽ tạo nên những hậu quả nguy hại khôn lường nếu người bệnh chủ quan, thiếu kiến thức phòng chống.

TIN LIÊN QUAN

Cháu Lê Duy Linh bị viêm da do kiến ba khoang.
Cháu Lê Duy Linh bị viêm da do kiến ba khoang.

Tại Trung tâm phòng chống Da liễu tỉnh Nghệ An, thời điểm này tuy không phải mùa cao điểm bệnh da liễu nhưng có khá đông bệnh nhân đến khám và chữa bệnh. Theo thống kê của các y bác sỹ của Trung tâm thì từ khoảng ngày 26/10 trở lại đây, số bệnh nhân viêm da do công trùng tăng đột biến: mỗi ngày có khoảng 10-15 bệnh nhân viêm da do côn trùng tìm đến trung tâm và không nhiều trong số đó là do kiến ba khoang gây ra…

Buổi sáng ngày 6/11, trong số 10 bệnh nhân viêm da đến khám ở phòng khám số 1 của Trung tâm phòng chống da liễu Nghệ An, có 1 trường hợp viêm da nặng do côn trùng, đó là cháu Lê Duy Linh, 10 tuổi, ở phường Đội Cung, thành phố Vinh. Cháu là “nạn nhân” của kiến ba khoang. Chị Lê Thị Thúy Hà, mẹ cháu Linh cho hay: “Cháu Linh bị đến sáng nay là ngày thứ ba. Ngày thứ hai thấy lưng cháu nổi ngứa, mẩn đỏ, đau rát, gia đình mua thuốc về nhưng bôi lại không đỡ. Vết thương lan rộng, phồng rốp và lở loét, mưng mủ nên gia đình mới đưa cháu đến đây…Các bác sỹ đã khám và cho biết cháu bị kiến ba khoang bò phải. Tình trạng viêm da là khá nặng”.

Kiến ba khoang
Kiến ba khoang

Khám và điều trị cho cháu Lê Duy Linh, bác sỹ Huỳnh Phúc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống da liễu tỉnh Nghệ An cho hay: “Trường hợp của cháu, Trung tâm phải làm xét nghiệm để xác định mức độ nhiễm độc do kiến ba khoang để có cách chống độc tương ứng, tương thích, giúp cháu không bị bội nhiễm, nhanh lành bệnh và không để lại sẹo”.

Thời gian này, Trung tâm phòng chống da liễu tỉnh khám điều trị cho khá nhiều bệnh nhân viêm da do nhiễm độc từ côn trùng
Thời gian này, Trung tâm phòng chống da liễu tỉnh khám điều trị cho khá nhiều bệnh nhân viêm da do nhiễm độc từ côn trùng

Bác sỹ Huỳnh Phúc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống da liễu tỉnh Nghệ An khẳng định: Bệnh viêm da do tiếp xúc côn trùng nếu điều trị sớm và đúng cách sẽ khỏi trong ba đến năm ngày. Tuy nhiên nếu không điều trị đúng cách thì khá nguy hại. Thực tế cho thấy, khi da bị kích ứng do côn trùng, người dân thường ra ngay hiệu thuốc mua thuốc điều trị zona. Cách “điều trị” này hoàn toàn sai lầm. Tuy không nguy hại đến tính mạng, nhưng việc điều trị không đúng sẽ gây nhiễm trùng. Kết quả là không chỉ gây tốn kém mà bệnh càng nặng hơn, gây phù nề hoặc để lại sẹo. Ngoài ra, thuốc còn có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến các chức năng khác.

Lời khuyên của các bác sỹ đối với người bệnh: Khi da có triệu chứng tổn thương (chưa xác định rõ nguyên nhân) người bệnh không nên tự ý mua thuốc mà cần đến các phòng khám chuyên khoa để chẩn đoán và được điều trị đúng bệnh, tránh những diễn tiến bệnh nặng đáng tiếc...Côn trùng có rất nhiều loại, với tính chất và mức độ độc tính khác nhau nên cách xử trí vết thương cũng khác nhau. Mọi người không nên chủ quan với những vết thương do côn trùng, để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết thương do côn trùng, phải xử lý càng sớm càng tốt. Nếu để quá 6 giờ sau khi bị cắn, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt với người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch. Bên cạnh đó, khi đã bị bệnh, để tránh lây lan bệnh ra vùng da khác, người bệnh không nên sờ tay vào chỗ phù nề rồi lại chạm vào vùng da khác. Vì khi đó, chất độc từ côn trùng ở phần da viêm nhiễm sẽ bám vào phần da mới tiếp xúc và gây bệnh. Ở tỉnh Nghệ An, ngoài Trung tâm phòng chống da liễu tỉnh thì tại các trung tâm y tế các huyện thị đều có khả năng điều trị các vết thương do côn trùng.

Bác sỹ Huỳnh Phúc Sơn khám bệnh cho bệnh nhân viêm da do côn trùng
Bác sỹ Huỳnh Phúc Sơn khám bệnh cho bệnh nhân viêm da do côn trùng

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, các nhà khoa học khuyến cáo: thời gian này đang là giai đoạn chuyển mùa nên các loài côn trùng phát triển mạnh. Vì vậy để phòng tránh bị các loài côn trùng cắn chúng ta cần giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh nhà cửa, thường xuyên phun thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng ở những vị trí nhiều cây, kênh mương, ao hồ ở gần nhà ở. Hạn chế côn trùng vào nhà bằng cách đóng kín cửa kính, cửa chớp, tắt điện hoặc treo bóng điện ở ngoài sân, vườn để dụ côn trùng không vào nhà. Khi giặt, phơi quần áo không lộn trái, trước khi rửa mặt kiểm tra khăn mặt xem có sâu bọ bám trên khăn. Khi nhìn thấy côn trùng bò trên người phải tìm cách xua, phủi côn trùng đi, không được giết côn trùng trực tiếp trên da. Khi vào rừng hay làm vườn cần mặc quần áo dài tay, đi giầy, ủng để tránh côn trùng cắn ở những vùng da không được bảo vệ.

Kiến ba khoang có tên khoa học Paederus spp, là loại ăn sâu bọ, côn trùng nhỏ ký sinh trên cây trồng nên có ích cho nông nghiệp. Kiến ba khoang dài khoảng 10mm, có cánh ngắn, sống chủ yếu ở môi trường ẩm ướt như nơi cỏ rác mục, vùng đầm lầy; đặc điểm nhận dạng là cái đuôi nhọn, màu đen của đầu, cặp cánh cứng và hai đốt bụng cuối tạo thành những khoang sậm màu nổi bật trên nền màu cam của cơ thể.

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Duy Hưng, Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam thì: Dịch tiết của kiến ba khoang gây dị ứng, lan đến đâu hình thành tổn thương đến đó, với độc lực mạnh gấp 12 lần nọc rắn mang bành nên chỉ cần một liều rất nhỏ, khoảng 0,001mg, cũng đủ gây ra viêm da hoại tử. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang , người bệnh thấy ngứa, rát bỏng tại chỗ. Sau 6 - 12 giờ sẽ xuất hiện các vết đỏ, kích thước từ 1 - 5cm, rộng 3 - 4mm. Từ một - ba ngày sau, xuất hiện mụn nước trên nền da đỏ, lấm tấm bọng nước và bọng mủ. Đến lúc này, người bệnh mới cảm thấy đau, kèm theo sốt, mệt mỏi, khó chịu. Nếu diễn biến nặng sẽ nổi hạch, đau ở vùng cổ, nách, bẹn, đi lại khó khăn. Nếu tổn thương ở vùng gần mắt có thể làm sưng húp cả hai mắt. Viêm da do kiến ba khoang cắn và bò phải rất dễ lan rộng; tính chất thương tổn rất giống với nhiều hiện tượng da bị kích ứng do nhiều loại côn trùng khác như sâu bướm; thậm chí có phần giống với bệnh zona (là tình trạng nhiễm virus Herpes Zoster cấp tính).

Kiến ba khoang chỉ là một trong những loại côn trùng gây bệnh trong thời điểm giao mùa này. Sở dĩ kiến ba khoang trở nên “nổi tiếng”, “đáng sợ” hơn là do sự lan truyền thông tin nhanh chóng trên các kênh không chính thức. Nguy hại không kém kiến ba khoang còn là ong, bọ cạp, kiến lửa, sâu róm, bọ chét, rận, ve chó, nhện, rết, muỗi, ruồi trâu, bọ xít. Chất tiết, độc dịch của các loại côn trùng này đều có thể gây hiện tượng viêm da cấp tính. Và bệnh xuất hiện rải rác vào các tháng trong năm, nhưng đến thời điểm giao mùa thu – đông thì số ca bệnh tăng đáng kể. Lý do là vì thời điểm này trùng với vụ gặt nên côn trùng ngoài đồng ruộng hết chỗ trú, theo ánh sáng bay vào nhà; nhiều người dân không cẩn thận để độc tố của côn trùng chạm vào da và gây kích ứng.

Thanh Sơn

Mới nhất
x
Phòng chống bệnh do côn trùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO