Phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi mùa nắng nóng

01/06/2015 15:41

( Baonghean) - Nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ cao như hiện nay, yêu cầu đối với công tác thú y là kịp thời có các giải pháp phòng tránh bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản; đồng thời kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ dịch bệnh lây lan ngay từ gốc, từ đó giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi…

Đến thời điểm này, mặc dù thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời có thời điểm lên tới 40 - 410C kéo dài gần 1 tháng, nhưng trên địa bàn tỉnh ta chưa xuất hiện biểu hiện phức tạp về dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; công tác phòng trừ bệnh cho chăn nuôi vẫn đang được quản lý và kiểm soát.

Diễn Châu là một trong những huyện đồng bằng có đàn gia cầm khá lớn và nuôi tập trung. Bà Thái Thị Phương Anh, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: “Cách đây hơn 1 tháng, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã chủ động phòng chống bệnh dịch cho đàn gia súc, gia cầm khi thời tiết thay đổi. Hiện tình hình đàn gia súc gia cầm đang phát triển bình thường”...

Tình hình của Diễn Châu cũng là tình hình chung của cả tỉnh. Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, đến thời điểm này các chỉ số điều kiện thời tiết cũng giống các năm trước nên chưa có dấu hiệu khác thường nào xảy ra trên đàn gia súc, còn đàn gia cầm nếu có thì cũng phải mùa đông hoặc mưa ẩm.

Theo ông Đặng Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, thì chưa có dịch bệnh trên đàn vật nuôi do nắng nóng đỉnh điểm là đáng mừng, nhưng không thể chủ quan. Một trong những nguyên nhân khiến chưa thể yên tâm là tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh ta còn thấp và chưa được như mong muốn. Ở miền núi, đàn trâu bò mới tiêm phòng được 30%, đồng bằng được 60% nhưng tỷ lệ đàn lợn được tiêm phòng còn ít hơn, chỉ khoảng 10 - 20%. Tỷ lệ tiêm phòng không đầy đủ nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh khi thời tiết nắng nóng là rất lớn. Vì vậy chỉ cần 1 con bị bệnh thì lây lan rất nhanh, nhất là bệnh tụ huyết trùng ở trâu bò, bệnh tai xanh ở lợn.

Bên cạnh đó, do điều kiện thời tiết, nhất là các huyện miền núi nắng nóng, do gia súc chịu nóng kém, nếu người dân không được khuyến cáo cách chăm sóc kịp thời thì gia súc rất dễ bị cảm, sốc nhiệt dẫn đến chết. Đối với các huyện đồng bằng, mặc dù xu hướng nuôi những năm gần đây đã được bố trí theo hướng tập trung, nhưng không phải không tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Ngoài nguồn bệnh đến từ chất lượng giống chưa được kiểm soát hoàn toàn, một số trang trại còn tự dùng văcxin hoặc các loại thuốc mà nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi kèm theo và không phải loại thuốc nào cũng được quản lý, kiểm soát về chất lượng.

Nuôi nhốt gia súc nơi bóng mát ở xã Tam Quang, Tương Dương.
Nuôi nhốt gia súc nơi bóng mát ở xã Tam Quang, Tương Dương.

Ngoài dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, một trong các bệnh mùa hè liên quan đến sức khỏe con người không thể không kể đến là bệnh chó dại. Tỉnh ta có đàn chó trên 500 ngàn con, theo quy định chỉ cần tiêm đạt tỷ lệ khoảng 70% là đạt yêu cầu, nhưng do số lượng chó nhập vào thị trường chưa được kiểm soát, tỷ lệ tiêm phòng dại tỉnh ta mới chỉ trên 35% (130 ngàn liều) nên mỗi khi hè đến vấn đề phòng chó dại lại thành điểm nóng.

Bên cạnh đó, một số huyện quan tâm và làm quyết liệt, tiêm trên 10 ngàn liều văc xin/năm, bên cạnh có xã đã tiêm phòng dại cho 100% con chó trên địa bàn thì vẫn còn một số địa phương không hề quan tâm. Đây là lý do hàng năm tỉnh ta có số người bị tiêm phòng vì nghi chó dại cắn khá cao, với 20 ngàn người tiêm và số người chết vì chó dại cắn của Nghệ An năm 2014 cao thứ 2 cả nước (chỉ sau Cao Bằng) với 10 người chết.

Trong nuôi trồng thủy sản, nhờ làm tốt khâu kiểm dịch tôm giống đầu vụ và các hộ cải tạo ao đầm, nuôi thả đúng quy trình nên trên 1.000 ha tôm của toàn tỉnh đã thả giống được trên 1 tháng, phát triển tương đối tốt. Toàn tỉnh có 10 mô hình liên kết cộng đồng ở TX. Hoàng Mai và huyện Diễn Châu để nuôi tôm thâm canh và có quy chế vận hành đầm khá chặt chẽ, bài bản, góp phần đảm bảo phòng trừ dịch bệnh cho tôm...

Ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết: Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, để giảm bớt nguy cơ dịch bệnh, một trong những giải pháp là phải giữ cho môi trường nước trong hồ tôm được ổn định và cân bằng; nắng nóng thì phải giữ tảo trong hồ để điều hòa nhiệt; trời mưa giông thì phải quạt thổi khí kịp thời. Đây là bài học đang được các chủ đầm tôm ở Quỳnh Dỵ, Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai), Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) và Diễn Trung (Diễn Châu)… chia sẻ khi nuôi thâm canh. Cũng theo ông Học, mật độ thả tôm nên vừa đủ (70-90 con/m2 theo khuyến cáo), không nên thả quá dày; thức ăn cho tôm ăn nên vừa đủ, dưới mức khuyến cáo của nhà sản xuất để tránh lượng thức ăn thừa ảnh hưởng đến môi trường.

Tại một số vùng đồng Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu sau khi gặt xong, đã có một số gia trại thả vịt chạy đồng để tận dụng thóc lúa rơi vãi và vi sinh vật khác. Ngay sau khi nắm được thông tin, phòng nông nghiệp và trạm thú y các huyện đã kiểm tra và chỉ đạo các hộ chấp hành nghiêm, các hộ chỉ thả trong khu vực ruộng lúa của gia đình, không thả sang khu vực, xứ đồng khác để hạn chế lây lan dịch bệnh và cơ bản các hộ đã chấp hành.

Để chủ động phòng tránh các dịch bệnh trong mùa hè và bảo vệ nghề chăn nuôi, ngày 25/5, Sở NN&PTNT đã có quyết định triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2015. Theo đó, ngoài huy động vật tư, lực lượng của các địa phương để khơi thông cống rãnh, vệ sinh lại chuồng trại chăn nuôi, trong vòng 1 tháng, UBND tỉnh cũng trích ngân sách mua 5.200 lít hóa chất để vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên 10 triệu m2 chuồng trại, điểm bán gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, Chi cục Thú ý tỉnh chỉ đạo trạm thú y trong tiêu độc khử trùng tại các địa phương phải tập trung xử lý các địa điểm nhạy cảm, thường phát sinh ổ dịch bệnh, kịp thời báo cáo các tình huống mới để có giải pháp xử lý.

Hy vọng với sự chủ động vào cuộc tích cực này, công tác phòng và xử lý dịch bệnh mùa hè cho vật nuôi có chuyển biến vững chắc hơn, góp phần bảo vệ và khuyến khích phát triển chăn nuôi.

Nguyễn Hải

Mới nhất
x
Phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi mùa nắng nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO