Phòng chống sốt rét: Khi người dân cùng vào cuộc
(Baonghean) - Những năm gần đây, Nghệ An được Bộ Y tế đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống bệnh sốt rét. đạt được kết quả đó là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và toàn thể cộng đồng.
Các năm trước đây, công tác phòng chống sốt rét (PCSR) ở huyện Kỳ Sơn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc quản lý người dân lưu hành ở vùng có dịch sốt rét, người dân chưa có nhận thức đúng về bệnh dẫn đến sự xuất hiện ký sinh trùng kháng thuốc, muỗi kháng hoá chất. Chính vì thế, đã có lúc tình hình sốt rét tại Kỳ Sơn lên đến mức báo động đỏ, như vào thời điểm cuối tháng 3 năm 2010 trên địa bàn đã xảy ra 1 ca tử vong do sốt rét ác tính ở bản Phia Khăm 2, xã Bắc Lý; 1 ổ nguy cơ dịch tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm với 17 kí sinh trùng P.falciparum, trong đó có 10/17 (59%) trường hợp là trẻ em dưới 14 tuổi. Lúc này toàn huyện đã có 4 xã, 6 bản xuất hiện kí sinh trùng sốt rét nội địa…Để PCSR hiệu quả, yêu cầu thực tiễn đặt ra là các cấp ngành liên quan và toàn thể người dân ở huyện Kỳ Sơn phải tích cực đối phó với dịch bệnh.
Trước tình hình đó, cấp ủy chính quyền, các ban ngành và đoàn thể ở huyện đã đề ra những biện pháp hữu hiệu: hệ thống giám sát dịch tễ sốt rét từ đội ngũ cộng tác viên PCSR đến y tế thôn bản được củng cố và mở rộng; hệ thống này đã phối hợp với lực lượng cán bộ quân y đồn biên phòng ở các xã biên giới trong việc tổ chức các hoạt động cấp thuốc cho người dân khi đi rừng, vào rẫy; hướng dẫn người dân sử dụng màn tẩm hoá chất diệt muỗi và điều trị cho bệnh nhân mắc sốt rét. Đối với các vùng trọng điểm của bệnh sốt rét, huyện đã chỉ đạo các trạm y tế trong việc phát hiện và xử lý kịp thời nhằm ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra dịch trên diện rộng.
Tẩm màn phòng chống sốt rét ở bản Khe Ló, xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: T.T
Bác sỹ Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết: Sự vào cuộc của cả cộng đồng đã đem lại kết quả tốt trong công tác PCSR; người dân đã có kiến thức để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng, không lơ là, chủ quan với dịch bệnh; cán bộ y tế cơ sở đã được tập huấn và nâng cao kiến thức; công tác quản lý và điều trị cho người có ký sinh trùng sốt rét, bệnh nhân sốt rét được Trung tâm Y tế dự phòng và các đơn vị liên quan thực hiện khá tốt. Các biện pháp kỹ thuật được triển khai đồng bộ, bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện, các trang thiết bị cần thiết. Hai năm trở lại đây, tình hình dịch tễ sốt rét của huyện đã tương đối ổn định, ổ nguy cơ dịch sốt rét tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm được kịp thời khống chế nằm trong tầm kiểm soát.
Cũng với cách làm tương tự như ở Kỳ Sơn, huyện Quỳ Châu đã không còn là huyện trọng điểm của dịch sốt rét. Năm 2012, trên địa bàn không có dịch xảy ra và không có ca tử vong do sốt rét. Bác sỹ Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Quỳ Châu cho hay: Huyện đã chủ động xây dựng các biện pháp phòng, chống dịch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ người mắc bệnh, trong đó tập trung vào việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ y tế làm công tác dự phòng và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh đến các địa bàn dân cư. Cụ thể, tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, đặc biệt là các xã vùng sâu. Điều này đã giúp cho người dân nâng cao ý thức phòng bệnh bằng việc thay đổi hành vi như: đi ngủ phải sử dụng màn, vào rừng, lên rẫy phải mang theo màn và thuốc điều trị dự phòng bệnh sốt rét. Công tác PCSR ở Quỳ Châu bây giờ không chỉ là chuyện riêng của đội ngũ cán bộ y tế mà có sự tham gia nhiệt tình của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và tất cả mọi người.
So sánh với năm 1990, khi dịch sốt rét đã cướp đi 824 tính mạng của người dân Nghệ An thì những kết quả đạt được trong công tác PCSR ở tỉnh ta trong 2 năm trở lại đây (không có dịch, chỉ 1 người tử vong do sốt rét ngoại lai) là rất đáng mừng. Điều này chứng tỏ cả 10 huyện miền núi (gồm 167 xã, 1452 thôn bản, 134.839 hộ gia đình và 629.866 nhân khẩu) đều đã thực sự quan tâm vào cuộc để PCSR; công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh; các cán bộ y tế thực hiện việc phun tẩm phòng chống vector theo đúng kỹ thuật, có chất lượng. Đến nay, tỷ lệ số hộ dân tại các huyện miền núi đã phun tẩm đạt trên 96%, đảm bảo độ bao phủ cao. Và đặc biệt có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan lãnh đạo, quản lý, tuyên truyền, giáo dục; các ngành tài chính, kinh tế, văn hoá, xã hội…
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng chống Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Nghệ An thì trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 tình hình dịch bệnh tương đối ổn định, không có dịch và tử vong do sốt rét giảm 100%; số dân được bảo vệ bằng hóa chất đạt 101,35%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy diễn biến của bệnh sốt rét ở tỉnh ta vẫn còn khá phức tạp, nguyên nhân là các yếu tố di biến động dân cư ở vùng không còn sốt rét lưu hành chưa triệt để, sâu sát; việc giao lưu qua lại biên giới, đi rừng và ngủ rẫy của người dân chưa được kiểm soát hết..
Bác sỹ Nguyễn Văn Long, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Nghệ An cho rằng: Để tiếp tục giữ vững ổn định phòng chống sốt rét thì còn có nhiều việc phải làm, đòi hỏi ngành Y tế nỗ lực cao độ cũng như sự vào cuộc tích cực của cộng đồng. Đặc biệt, công tác xã hội hóa phòng chống sốt rét cần được chú trọng, để huy động mọi lực lượng cùng tham gia trong các hoạt động chung của ngành Y tế nhằm kiểm soát tốt các ổ sốt rét nội địa; quản lý sốt rét ngoại lai không để mầm bệnh xâm nhập nội địa hoá và gây dịch.
Thúy Hiền (Trung tâm TT – GDSK tỉnh)