Phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới

Gia Huy 24/11/2023 07:54

(Baonghean.vn) -Là lực lượng chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới, những năm qua, bộ đội biên phòng Nghệ An đã tích cực, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khu vực biên giới triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép và di, dịch cư tự do.

Đẩy lùi di cư trái pháp luật

Đồn Biên phòng Na Ngoi (Kỳ Sơn) quản lý đoạn biên giới dài 16,552 km, địa bàn có 19 thôn, bản, với 1.014 hộ/6.043 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú sinh sống. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, chủ yếu làm nương rẫy, trình độ dân trí thấp, ý thức chấp hành pháp luật còn nhiều hạn chế; các hoạt động vi phạm quy chế khu vực biên giới, di cư trái phép sang Lào vẫn thường xảy ra.

z4902860549792_3770797a2517133ea5b4ecc5d14ea535.jpg
Đồn biên phòng Na Ngoi tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Vì vậy, những năm qua, Đồn Biên phòng Na Ngoi đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho người dân. Nội dung chủ yếu tập trung vào Luật Biên phòng, Hiệp định quy chế biên giới quốc gia giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Lào, Nghị định số 34/2014/NĐ-CP về quy chế khu vực biên giới đất liền, Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc "Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" gắn với đề án tuyên truyền pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2022-2027.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hóa - Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Ngoi: Do địa bàn rộng, dân số đông, có bản cách trung tâm xã từ 12-16 km như Pù Quặc, Huồi Thum, Thẳm Hón, đường sá đi lại khó khăn nên công tác bám dân, bám địa bàn để thực hiện tuyên truyền miệng vẫn là chủ yếu. Đồn chú trọng lựa chọn cán bộ tuyên truyền là người có khả năng vận động quần chúng, am hiểu phong tục, tập quán, biết tiếng của đồng bào. Đồng thời, phát huy vai trò “Dân vận khéo” của cán bộ biên phòng tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới; 4 đảng viên biên phòng tham gia sinh hoạt Đảng tạm thời tại các chi bộ bản thuộc địa bàn xung yếu, phức tạp; 32 đảng viên biên phòng phụ trách 145 hộ gia đình khu vực biên giới. Trong năm 2023, Đồn Biên phòng Na Ngoi đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền trực tiếp 37 buổi/2.079 lượt người nghe, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, bản 449 lượt/152 giờ; tổ chức các giờ phổ biến, giáo dục pháp luật, quy chế biên giới cho 4 lớp/160 em học sinh lớp 9 trên địa bàn.

Công tác vận động quần chúng cũng được Đồn Biên phòng Na Ngoi vận dụng linh hoạt, trong năm 2023, đồn đã phối hợp với đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín vận động thành công 4 hộ/18 khẩu ở bản Huồi Xài từ bỏ ý định di cư sang Lào. Bên cạnh đó, để giúp người dân ổn định cuộc sống, Đồn Biên phòng Na Ngoi triển khai hiệu quả nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, như mô hình trồng lúa nước ở các bản Huồi Thum, Pù Khả 1, trồng rau sạch ở bản Huồi Thum, nuôi cá ao ở bản Kèo Bắc.

z4902796166794_a8b2e810dddc17a11267865541f7fa0b.jpg
Cán bộ biên phòng tăng cường làm Phó bí thư Đảng uỷ xã biên giới Na Ngoi trao đổi với Bí thư Chi bộ bản Pù Khả 1 và người dân về tình hình sản xuất, chăn nuôi. Ảnh: GH

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Chi bộ bản Pù Khả 1 Vừ Bá Tổng cho hay: Nhờ sự hỗ trợ, truyên truyền, vận động của bộ đội biên phòng, đời sống người dân dần ổn định, vài năm trở lại đây, bản không có người người di cư tự do nữa.

Không chỉ riêng ở bản Pù Khả 1 mà trên địa bàn toàn xã Na Ngoi, ý thức chấp hành quy chế biên giới, Luật Biên phòng của người dân dần được nâng lên, tình hình di cư trái pháp luật giảm. Trong năm 2023, trên địa bàn xã này chỉ có 1 hộ/6 khẩu ở bản Huồi Xài di cư sang Lào vào tháng 4, đó là hộ Già Bá Rê (SN 1988) và Xồng Y Rồng (SN 1985) cùng 4 người con.

Nghệ An có 468,281 km đường biên giới đất liền, 27 xã thuộc 6 huyện biên giới Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Quế Phong tiếp giáp với 3 tỉnh Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn của nước bạn Lào.

BĐBP Nghệ An tuyên truyền nhân dân chấp hành nghiêm quy chế biên giới, không di cư tự do. Anh GH.jpg
BĐBP Nghệ An tuyên truyền người dân chấp hành nghiêm quy chế biên giới, không di cư tự do. Ảnh: GH

Đời sống nhân dân khu vực biên giới đất liền còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao; trình độ dân trí thấp. Một bộ phận người dân, chủ yếu là người Mông lợi dụng mối quan hệ thân tộc dòng họ hai bên biên giới thường vượt biên di cư sang Lào để kết hôn, sinh sống hoặc làm thủ tục xin xuất cảnh sang Lào rồi ở lại cư trú bất hợp pháp.

Để ngăn chặn kịp thời tình trạng di cư trái phép trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh, các đơn vị trực thuộc BĐBP Nghệ An chú trọng đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với tình hình và điều kiện của từng đối tượng, từng địa bàn; đồng thời, triển khai xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả như mô hình “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biên giới cho học sinh lớp 9” ở các trường THCS khu vực biên giới, mô hình tiết học vùng biên, bản tin biên phòng… bằng tiếng phổ thông và tiếng đồng bào. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của đội ngũ già làng, người có uy tín cùng tham gia tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về những hệ lụy, hậu quả của việc di cư trái phép ra nước ngoài.

Trong năm 2022, BĐBP Nghệ An đã phát hiện, vận động được 11 hộ/54 khẩu người Mông (giảm 5 hộ/ 27 khẩu so với năm 2021) từ bỏ ý định di cư trái phép sang Lào; năm 2023, phát hiện, vận động 4 hộ, 18 khẩu người Mông ở huyện Kỳ Sơn từ bỏ ý định di cư sang Lào (giảm 2 hộ/8 khẩu so với năm 2022).

Đồn Biên phòng Tam Hợp phối hợp với Đại đội Biên phòng 251- Lào tuần tra song phương. Ảnh tư liêu hai thuong.jpg
Đồn Biên phòng Tam Hợp phối hợp với Đại đội Biên phòng 251- Lào tuần tra song phương. Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An cũng chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng của nước bạn Lào triển khai các biện pháp ngăn chặn di cư trái phép xảy ra trong khu vực biên giới tiếp giáp giữa Nghệ An với các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, tình trạng di cư trái pháp luật ở khu vực biên giới từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi. Năm 2023, trên địa bàn BĐBP Nghệ An quản lý chỉ có 2 hộ/12 khẩu di cư sang Lào; 1 hộ/9 khẩu người Mông tự ý hồi cư từ Lào về (giảm 2 hộ/8 khẩu) so với năm 2022.

Ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép

Bên cạnh phòng, chống di cư tự do, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hai bên biên giới chấp hành tốt Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào; Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa 2 nước Việt Nam - Lào; các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cũng được các đơn vị trực thuộc BĐBP Nghệ An quan tâm thực hiện.

Đồn Biên phòng Phúc Sơn phối hợp với Hội LHPN huyện Anh sơn tổ chức chương trình phổ biến kiến thức về an ninh biên giới. ẢnhLê Thạch.jpg
Đồn Biên phòng Phúc Sơn phối hợp với Hội LHPN huyện Anh Sơn tổ chức chương trình phổ biến kiến thức về an ninh biên giới. Ảnh tư liệu: Lê Thạch

Nhờ vậy, các hộ, các cá nhân thường xuyên làm ăn, sản xuất ở các khu vực sát biên giới đã trở thành “tai mắt”, kịp thời phát hiện, cung cấp cho các lực lượng chức năng nhiều thông tin liên quan đến hoạt động xâm phạm lãnh thổ, vi phạm quy chế biên giới, xuất, nhập cảnh trái phép, góp phần giữ vững chủ quyền, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Nhiều mô hình phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép được triển khai mang lại hiệu quả cao, như mô hình hòm thư tố giác tội phạm hay các tổ tự quản đường biên, cột mốc ở các thôn, bản. Ví như tại Đồn Biên phòng Mỹ Lý (Kỳ Sơn) - nơi có đường biên giới đất liền dài 46,28 km cả đường bộ và đường sông, 9 mốc quốc giới.

t6.jpeg
Cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Lý tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cho các thành viên Đội thuyền tự quản trên sông, suối biên giới. Ảnh: Lê Thạch

Song song với việc duy trì, củng cố 25 tổ an ninh, trật tự thôn, bản, 3 tổ và 5 hộ gia đình tự quản đường biên, cột mốc, đồn còn xây dựng mô hình “Đội thuyền tự quản trên sông, suối biên giới” với 3 tổ/12 cá nhân tham gia.

Kể từ khi thành lập đến nay, các thành viên “Đội thuyền tự quản trên sông, suối biên giới” đã cung cấp cho đồn nhiều nguồn tin, trong đó, có những nguồn tin về vi phạm quy chế biên giới, xuất, nhập cảnh trái phép để xử lý kịp thời”, Trung tá Hoàng Thế Tài – Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho hay.

cán bộ đồn biên phòng Nhôn Mai ( Tương Dương) trao đổi với nhân dân trên đường tuần tra. Anh GH.jpg
Cán bộ Đồn biên phòng Nhôn Mai (Tương Dương) trao đổi với người dân trên đường tuần tra. Ảnh: GH

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, công tác tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép, đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới cũng được các đồn biên phòng triển khai thực hiện chặt chẽ, đồng bộ.

Trong năm 2023, lực lượng biên phòng đã phát hiện, xử lý 40 vụ/53 đối tượng vi phạm xuất, nhập cảnh trái phép (giảm 97 vụ/236 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022); hoàn chỉnh hồ sơ xử phạt hành chính vi phạm quy chế biên giới 34 vụ/41 đối tượng (tăng 3 vụ/ 5 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022); phát hiện xử lý 78 trường hợp xuất cảnh, lao động bất hợp pháp sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Lào…(giảm 32 trường hợp so với năm 2022).

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống xuất, nhập cảnh trái phép và di cư tự do, BĐBP tỉnh xác định tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung trong đề án, kế hoạch của UBND tỉnh, trọng tâm là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật, đưa Luật Biên phòng Việt Nam đi sâu vào đời sống nhân dân khu vực biên giới.

Mới nhất

x
Phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO