Pháp luật

Phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép và vi phạm quy chế biên giới

Gia Huy 11/02/2025 10:14

Được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 468,281 km đường biên giới đất liền và 82 km bờ biển, những năm qua, BĐBP Nghệ An đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biên giới. Qua đó, đấu tranh ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và các hành vi vi phạm quy chế biên giới

bp_7_20250130163229-1-1-.jpg

Chặn đứng các đường dây xuất, nhập cảnh trái phép

Khu vực biên giới đất liền Nghệ An có 1 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính, 3 cửa khẩu phụ, 4 lối mở và nhiều điểm qua lại biên giới, địa hình đồi núi hiểm trở là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép hoạt động với những thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh để qua mặt cơ quan chức năng.

img_4877.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa Khẩu Quốc tế Nậm Cắn làm thủ tục xuất cảnh cho người dân. Ảnh: G.H

Điển hình vào hồi 8h ngày 29/11/2024, tại khu vực luồng làm thủ tục xuất cảnh thuộc Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn), kíp trực của Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn phát hiện 3 công dân Trung Quốc có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến hành vi xuất, nhập cảnh trái phép. Cả 3 người này đều sử dụng hộ chiếu phổ thông và thị thực rời (có đóng dấu nhập cảnh của Sân bay Quốc tế Nội Bài) đến Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn làm thủ tục xuất cảnh sang Lào.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, lực lượng biên phòng xác định 3 người gồm: Wu Liang Tuan (SN 1977), Huang MingGru (SN 1978): Lu Li Cheng (SN 1987) và 2 người có liên quan cùng đi chung trên xe ô tô là Chen Chung Sen (SN 1969), Quốc tịch Trung Quốc và T.V.D, SN 1988, trú tại huyện Ninh Bình (lái xe tắc xi) có hành vi vi phạm pháp luật.

Sau khi khởi tố vụ án hình sự đối với Chen Chung Sen về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh Việt Nam trái phép” quy định tại khoản 1, điều 348, Bộ luật Hình sự, lực lượng Biên phòng bàn giao cho Công an Nghệ An tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

img_4244.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn tuyên truyền chấp hành quy chế biên giới cho người dân bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: KL

Theo Thiếu tá Lê Anh Cường - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn: Trong năm 2024, đơn vị đã phát hiện 22 vụ/38 đối tượng có hành vi xuất, nhập cảnh trái phép (tăng 11 vụ/22 đối tượng so với cùng kỳ năm 2023); 35 vụ/48 đối tượng nhập cảnh không xuất trình hộ chiếu, giấy thông hành (tăng 11 vụ/31 đối tượng so với cùng kỳ năm 2023).

cbb293de156faa31f37e.jpg
Đồn Biên phòng Cửa Khẩu Quốc tế Nậm Cắn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Ảnh: G.H

Theo lực lượng chức năng, nhiều đối tượng đã lợi dụng đời sống khó khăn và thiếu hiểu biết pháp luật của người dân vùng biên thông thạo địa hình để thuê mướn làm người dẫn dắt. Vì hám lợi một số người dân ở khu vực biên giới đã tiếp tay cho hoạt động đưa người xuất, nhập cảnh hoặc tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.

Điển hình trong năm 2024, trong quá trình tuần tra, kiểm soát địa bàn tại khu vực đường Quốc lộ 16, thuộc bản Na Niếng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Đồn Biên phòng Tri Lễ, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP Nghệ An), Công an huyện Quế Phong, Công an xã Tri Lễ phát hiện 10 người mang theo nhiều đồ dùng sinh hoạt, đang có ý định đi các tỉnh phía Nam làm ăn, có biểu hiện nghi vấn.

cac-doi-tuong-bi-bat-giu-tai-don-bien-phong-tri-le.jpg
Các đối tượng ở lại Việt Nam trái phép và tổ chức cho người ở lại Việt Nam trái phép bị bắt giữ tại Đồn Biên phòng Tri Lễ (huyện Quế Phong). Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Qua kiểm tra, phát hiện 8 người có quốc tịch Lào (4 người lớn và 4 trẻ em), không có các loại giấy tờ tùy thân, giấy tờ xuất, nhập cảnh. Qua điều tra, xác định đối tượng Xồng Bá Tồng (SN 1999, trú tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) là người tổ chức cho các công dân Lào ở lại Việt Nam trái phép, với số tiền 1 người lớn là 1,5 triệu đồng (trẻ em không thu tiền).

Ngay sau đó, Đồn Biên phòng Tri Lễ, BĐBP Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép để thu lợi bất chính đối với Xồng Bá Tồng.

Hiện nay, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, do nhu cầu việc làm, tình hình người dân khu vực biên giới tìm cách xuất, nhập cảnh sang biên giới lao động trái phép tiềm ẩn phức tạp. Bên cạnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, các đơn vị BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền bằng cả tiếng dân tộc và tiếng phổ thông để nâng cao ý thức chấp hành nghiêm quy chế biên giới, triển khai ký cam kết không xuất, nhập cảnh trái phép và tiếp tay cho các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép cho người dân; giúp bà con nhận diện rõ thủ đoạn của các đối tượng môi giới, tổ chức người đi lao động trái phép cũng như những rủi ro và hậu quả pháp lý của hành vi xuất, nhập cảnh trái phép.

Phòng ngừa vi phạm quy chế biên giới

Mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng với đặc thù của tỉnh có 27 xã biên giới thuộc 6 huyện, tiếp giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay (Lào), chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí, ý thức chấp hành pháp luật còn nhiều hạn chế… hàng năm, các hoạt động vi phạm quy chế khu vực biên giới bị xử phạt hành chính hay di cư, hồi cư trái phép vẫn thường xảy ra; nhất là đối với đồng bào Mông.

Trong năm 2024, toàn tỉnh phát hiện 3 hộ/15 khẩu, trú tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn di cư sang tỉnh Bôlykhămxay và tỉnh Xiêng Khoảng; 1 hộ/3 khẩu hồi cư về sinh sống tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương.

3447fe287899c7c79e88.jpg
BĐBP Nghệ An, lực lượng công an và đoàn thể địa phương tuyên truyền phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, di cư tự do cho nhân dân tại xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: CSCC

Trên khu vực biên giới biển, lực lượng biên phòng cũng thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, xử phạt đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và trong lĩnh vực thủy sản.

Trong năm 2024, lực lượng chức năng phát hiện 5 lượt tàu cá của ngư dân Nghệ An vi phạm vùng biển nước ngoài; có 718 tàu cá bị mất kết nối thiết bị giám sát hành trình. Một số hoạt động vi phạm quy định khai thác IUU, sử dụng kích điện, ngư cụ cấm để đánh bắt thủy sản… cũng được phát hiện, xử lý nghiêm.

1-1-.jpg
Cán bộ Hải đội 2 chỉ đạo tác nghiệp bản đồ trước khi tàu tuần tra trên biển. Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Điển hình trong tháng 11 năm 2024, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương (BĐBP Nghệ An) phát hiện 3 tàu cá của các ông: H.M.H., N.V.T. và T.Q.H. (cùng trú tại phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai không duy trì việc truyền thông tin hệ thống giám sát hành trình (VMS) theo quy định đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m và không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền đối với phương tiện.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 chủ tàu cá nói trên 154,5 triệu đồng/trường hợp. Trong đó, lỗi không duy trì việc truyền thông tin về hệ thống giám sát tàu cá bị phạt 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, có 2 chủ tàu khác là ông P.V.M. và ông N.V.H (cùng trú tại phường Quỳnh Phương) cũng bị xử phạt do hành vi vi phạm tương tự với số tiền 158 triệu đồng/trường hợp. Ngoài bị nộp phạt, thuyền trưởng các tàu cá nói trên còn bị tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá 7,5 tháng.

bp_7_20250130163229-1-1-.jpg
BĐBP Nghệ An tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới biển. Ảnh: Lê Thạch

Cùng với tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hai bên biên giới chấp hành tốt các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia… cũng được các đơn vị trực thuộc BĐBP Nghệ An quan tâm thực hiện.

Trong năm 2024, toàn lực lượng đã phối hợp tổ chức tuyên truyền tập trung được 578 buổi/57.495 lượt người nghe; tuyên truyền qua loa truyền thanh được 799 đợt/1.332 lượt xóm, bản; tuyên truyền lưu động được 198 lượt/720 giờ; treo 72 pa nô, áp phích; phát 3.500 tờ rơi. Phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức truyền thông mở rộng về phòng, chống di cư trái phép sang Úc bằng đường biển tại địa bàn xã Môn Sơn, huyện Con Cuông với 8 cuộc truyền thông nhóm nhỏ, 2 cuộc truyền thông lớn, với hơn 600 học sinh và người dân trên địa bàn tham gia.

Nhiều mô hình phòng, chống di cư; xuất, nhập cảnh trái phép được triển khai mang lại hiệu quả cao, như mô hình hòm thư tố giác tội phạm; các tổ tự quản đường biên, cột mốc các thôn, bản; đội thuyền tự quản sông, suối; các tổ tàu thuyền đoàn kết, bến bãi an toàn được duy trì hoạt động có hiệu quả.

Hiện toàn tỉnh có 114 tổ, 822 người tham gia tự quản đường biên, mốc giới 1.060 tổ, 19.414 thành viên tự quản ANTT thôn, bản; 100 tổ tàu thuyền đoàn kết, 858 phương tiện/4.984 thành viên; 17 bến bãi an toàn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy tuyên truyền về biên giới cho đoàn viên, thanh niên địa phương tại mốc quốc giới. Ảnh Lê Thạch
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương) tuyên truyền về biên giới cho đoàn viên, thanh niên địa phương tại mốc quốc giới. Ảnh tư liệu: Lê Thạch

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều hộ gia đình, cá nhân thường xuyên làm ăn, sản xuất ở các khu vực sát biên giới đã trở thành “tai mắt”, kịp thời phát hiện, cung cấp cho các lực lượng chức năng nhiều thông tin liên quan đến hoạt động xâm phạm lãnh thổ, vi phạm quy chế biên giới; xuất, nhập cảnh trái phép.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép và di cư tự do, BĐBP Nghệ An xác định tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế có liên quan.

Phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép và vi phạm quy chế biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO