Phòng ngự

Trong các môn thể thao đối kháng hoặc trong đánh trận, phòng ngự được coi là một chiến thuật, lấy nhu thắng cương, lấy yếu thắng mạnh; thường được dùng khi đối phương mạnh hơn. Phòng ngự chắc chắn, an toàn, tìm cơ hội tấn công bất ngờ, sắc sảo, hiệu quả để giành thắng lợi. Khi đó, phòng ngự đã trở thành một nghệ thuật của người cầm quân.

Trong công việc, lâu nay, nhiều ý kiến phàn nàn về “hiện tượng phòng ngự” trong đội ngũ cán bộ. Đó là biểu hiện của phong cách, thái độ trì trệ, giữ kẽ, “chờ trời đợi nước”, bình chân như vại. Thậm chí là sự lừng khừng, e ngại, nhụt chí của một số cán bộ có trách nhiệm. Họ rất ngại đụng chạm đến cái mới, cái đột phá; ngại đụng chạm đến các công việc, các mối quan hệ liên quan đến chức trách, nhiệm vụ, lợi ích của mình. Họ thường ngụy biện là phải thận trọng, “rất nhạy cảm”, phải giữ sự ổn định chính trị, xã hội,… nhưng thực tế đó là sự an phận thủ thường, làm gì cũng sợ sai, ngại va chạm, thiếu tích cực, tiến công. Sự phòng ngự là một lực cản trong hệ thống chính trị, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội, cần được điều chỉnh.

Tranh minh họa: Ngọc Diệp (Dân trí)
Tranh minh họa: Ngọc Diệp (Dân trí)

Cuộc sống vốn rất phong phú, đa dạng, phức tạp, luôn luôn động, ngày càng phát triển. Chúng ta đang rất cần những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đảng và Nhân dân ta luôn trân trọng, ủng hộ những cán bộ như vậy. Cái mới, cái táo bạo cần được “bảo hành” khi cái tâm cán bộ vì Dân, vì sự phát triển tốt đẹp. Phá đi “sự phòng ngự” chính là “vượt qua chính mình”, tự khẳng định mình và thể hiện vai trò, trách nhiệm, lương tâm, tình cảm của mình với Đảng, với Nhân dân. ​

Tại phiên họp vừa qua của Ban Bí thư, Đồng chí Tổng Bí thư từng nhấn mạnh: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm. Đây là kinh nghiệm lớn, thực tế vừa qua như vậy,…”. Điều đó không chỉ đúng trong cuộc chiến chống tham nhũng tiêu cực mà còn đúng cả trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, vận động nhân dân của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị – nhất là những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.