Phụ huynh, giáo viên rẻo cao Nghệ An 'góp cơm' để tổ chức bán trú cho học trò điểm trường lẻ

Mỹ Hà - Đức Anh 07/12/2020 16:33

(Baonghean.vn) - Bậc mầm non của Nghệ An hiện có hơn 660 điểm trường lẻ, tập trung ở những vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn. Vậy nhưng, đã nhiều năm nay, các điểm trường vẫn duy trì việc tổ chức bán trú cho trẻ để đảm bảo học sinh đến trường chuyên cần và đầy đủ.

Bữa ăn bán trú tưởng là việc đương nhiên ở các trường mầm non nhằm duy trì việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Nhưng với những học sinh ở những vùng núi cao, đặc biệt là vùng xa trung tâm như ở bản Tùng Hương, xã Tam Quang (huyện Tương Dương) thì đây thực sự là điều khó khăn. Để có thể đến trường mỗi ngày và ở lại trường qua trưa, các em phải mang theo cơm từ ở nhà. Ảnh: Đức Anh

Bữa ăn trưa của học sinh điểm trường lẻ rất đạm bạc, mỗi học sinh một món ăn khác nhau. Tuy nhiên, dù còn rất khó khăn, các giáo viên cắm bản vẫn cố gắng tổ chức cho các em một bữa ăn tươm tất, gọn gàng. Ảnh: Đức Anh

Ngoài thức ăn chính ở nhà, giáo viên ở điểm trường Tùng Hương hỗ trợ việc nấu thêm canh cho học sinh. Kinh phí do phụ huynh đóng góp 3.000 đồng/ngày. Ảnh: Đức Anh

Trường Mầm non Tam Quang (Tương Dương) có hơn 400 học sinh và ngoài điểm trường chính còn có các điểm trường lẻ ở xa trung tâm. Do đó, việc tổ chức bán trú cho trẻ hết sức vất vả. Hiện, cùng một mô hình bán trú, nhưng nhà trường đang phải thực hiện đồng thời ba hình thức, đó là bán trú, tập trung bán trú dân nuôi và bán trú cô nuôi. Ở hình thức đầu tiên, chỉ triển khai được điểm trường chính. Hai hình thức còn lại, hoặc do phụ huynh tự mang cơm cho trò, hoặc phụ huynh góp tiền và giáo viên hỗ trợ để tổ chức bán trú cho trẻ. Ảnh: Đức Anh

Ảnh: Đức Anh
Do điều kiện còn nhiều khó khăn, nên trong những năm qua, ngành Giáo dục Nghệ An đã có chủ trương sáp nhập điểm trường lẻ. Nhưng với bậc mầm non, việc sáp nhập gặp rất nhiều khó khăn bởi đặc thù các cháu nhỏ tuổi và các điểm trường cách nhau quá xa. Toàn tỉnh hiện đang còn 669 điểm trường lẻ thuộc bậc mầm non, cùng với đó đang còn hơn 600 điểm trường lẻ phụ huynh và giáo viên đang phải cùng chung sức để cùng nhau tổ chức bán trú cho trẻ. Tại Trường Mầm non Châu Hạnh (Quỳ Châu) với đặc thù địa bàn rộng (các điểm trường lẻ giáp với huyện Quế Phong và tỉnh Thanh Hóa) nên rất khó để tổ chức bán trú tập trung. Vì thế, những điểm trường lẻ như điểm trường Tà Cọ (với gần 100 học sinh), mỗi tháng phụ huynh phải góp 50.000 đồng để thuê người dân trong bản ra tổ chức bán trú cho trẻ. Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh
Để giảm kinh phí tổ chức bán trú, nhà trường tận dụng những phần diện tích còn lại để trồng rau xanh. Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh
Hàng tuần, các phụ huynh sẽ cắt cử nhau đến để chăm sóc vườn rau xanh của trường.Tà Cọ vẫn là điểm trường thuận lợi, ba điểm trường còn lại là Na xén, Tà Sỏi và Thuận Lập hàng ngày học sinh vẫn phải đưa cơm từ nhà đến trường. Ảnh: Đức Anh
Hạ Sơn (xã Mường Nọc, huyện Quế Phong) là bản có đến gần 90% học sinh là người dân tộc Khơ mú. Cũng như nhiều điểm trường lẻ khó khăn khác, học sinh hàng ngày ở đây đến trường cùng với cặp lồng cơm trên tay. Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh
Trong gian bếp đơn sơ và giản dị, hàng ngày các cô giáo Trịnh Thị Hằng và Lô Thị Mai sẽ thay nhau nấu thêm canh cho trẻ. Một số điểm trường khác thì phụ huynh mang thức ăn và giáo viên sẽ nấu cơm. Dù cùng lúc phải thực hiện ba nhiệm vụ: dạy lớp ghép 4, 5 tuổi, nấu bán trú và chăm sóc trẻ, nhưng các giáo viên vẫn rất vui bởi nhờ có những bữa cơm bán trú mà học trò Khơ mú đã đến trường chuyên cần hơn. Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh
Bữa ăn trưa được tổ chức sạch sẽ ngoài hành lang. Thoạt nhìn, giống như những bữa cơm bán trú được tổ chức tập trung ở điểm trường chính. Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh
Để đảm bảo chất lượng bữa ăn, định kỳ hàng tháng nhà trường sẽ tổ chức những buổi tập huấn, hướng dẫn việc nấu bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ. Thế nên, dù phải mang cơm từ nhà nhưng những bữa ăn của học trò Khơ mú vẫn đảm bảo chất lượng, có cơm, có rau, có thịt cá xắt nhỏ và được chế biến rất ngon miệng. Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh
Hàng tháng, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong sẽ đến trực tiếp kiểm tra bữa ăn của trẻ bán trú. Ảnh: Đức Anh
Sau bữa ăn trưa học sinh sẽ được ngủ trưa ở trường, đảm bảo việc sinh hoạt theo đúng giờ giấc của bậc mầm non. Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh
Việc duy trì bán trú ở 546/546 trường mầm non trong toàn tỉnh cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giảm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ và quan trọng hơn góp phần làm tốt công tác huy động trẻ đến trường và làm tốt phổ cập mầm non 5 tuổi trên toàn tỉnh. Ảnh: Đức Anh

Mới nhất
x
Phụ huynh, giáo viên rẻo cao Nghệ An 'góp cơm' để tổ chức bán trú cho học trò điểm trường lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO