Phụ nữ luôn đẹp nếu tự biết vượt qua hoàn cảnh

Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020” do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phát động đã gọi tên 5 dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất. Trong đó, ý tưởng thành lập Nhóm liên kết phụ nữ khuyết tật may đo áo dài thời trang của chị Lưu Thị Hà nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ. Chị hiện cũng là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người khuyết tật, Chủ nhiệm câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật tỉnh Nghệ An và là một người phụ nữ giàu nghị lực, vượt lên hoàn cảnh để có nhiều cống hiến cho xã hội.

“Không muốn là người khác biệt”

P.V: Chúc mừng chị vừa lọt vào danh sách 5 tác giả xuất sắc nhất đạt giải tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020”. Chị có thể chia sẻ thêm về dự án của mình?

Chị Lưu Thị Hà: Đến thời điểm này tôi đã có 30 năm làm trong ngành thời trang và đã gắn bó khá lâu với nghề may áo dài. Tuy nhiên, trước đây tôi chỉ hoạt động độc lập với hiệu may riêng của mình còn dự án của chúng tôi là thành lập nhóm liên kết phụ nữ khuyết tật cùng may đo áo dài thời trang. Dự án của tôi có lẽ nhận được cảm tình của ban giám khảo bởi nó khởi nghiệp cho cả một tập thể – tập thể của người yếu thế.

Còn tại sao tôi chọn áo dài bởi lẽ đây chính là cơ duyên của tôi, giúp tôi nhận được hai giải thưởng đầu tiên về thiết kế thời trang từ năm 89 của thập kỷ trước. Hiện tại với vai trò của mình, tôi muốn dùng những nền tảng mình đã có để chia sẻ với những phụ nữ kém may mắn để cùng giúp họ khởi nghiệp. Tôi cũng nghĩ rằng, việc chọn thời trang, chọn công việc may áo dài là phù hợp với chị em bởi đây là công việc nhẹ nhàng và chủ yếu là làm thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ kiên trì. Hiện tại, xu hướng mặc áo dài đang quay trở lại và nó có mặt ở tất cả các sự kiện và dành cho mọi lứa tuổi. Do đó, tôi hy vọng nếu dự án được triển khai tại trung tâm khuyết tật của tỉnh sẽ tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động, giúp chị em có thể tự trang trải và từng bước thay đổi cuộc sống của mình.

P.V: Ở tuổi 50, trông chị rất hạnh phúc khi có một công việc mà mình yêu thích, có gia đình với những người con ngoan. Nhưng có lẽ, để có được ngày hôm nay, chị đã phải trải qua rất nhiều khó khăn?

Chị Lưu Thị Hà: Bố tôi là bác sĩ và tôi sinh ra lành lặn, mạnh khỏe như những đứa trẻ bình thường. Nhưng khi hai tuổi rưỡi, sau một cơn sốt bại liệt, tôi trở thành một đứa trẻ khuyết tật, liệt nửa người nằm một chỗ.

Cuộc đời tôi cũng thay đổi từ đó. Đến tuổi đi học, tôi bắt đầu ý thức được hoàn cảnh của mình. Nhiều lúc mặc cảm với bản thân. Khi lớn lên, lúc biết thích những người khác giới, tôi lại càng tự ti hơn. Chính bạn bè và gia đình đã là động lực giúp tôi vượt qua những ngày khó khăn. Rất nhiều người bạn đã bảo vệ tôi, cõng tôi đi học. Vì hoàn cảnh, tôi phải điều trị bệnh viện rất nhiều năm và việc tự chăm sóc cho mình đã giúp tôi trưởng thành. Nghĩ về những ngày đã trải qua, tôi lại càng hiểu và thông cảm hơn với chị em khuyết tật bởi hầu hết người khuyết tật đều rụt rè, không dám xuất hiện trước đám đông bởi sự khác biệt của mình.

P.V: Từ sự khác biệt, chị đã khởi nghiệp như thế nào để có thể vượt qua được chính mình? Tôi cũng được biết, từ những ngày đầu chị đã không làm một mình.

Chị Lưu Thị Hà: Trong gia đình chỉ có mình tôi theo nghề may. Tôi cũng đã từng mơ ước rất nhiều vì trong gia đình tôi tất cả đều là công chức nhà nước. Nhưng, hoàn cảnh của tôi, nghề may có lẽ phù hợp hơn cả. May mắn là tôi được vào thành phố Hồ Chí Minh học hành bài bản và lập nghiệp đúng vào thời điểm nghề may đang rất phát triển. Vì thế, từ những ngày đầu tiên, dù chỉ mở cửa hiệu trong nhà đã có khách đến và đến rất đông. Sau này, tôi lại được các anh chị ở thành phố động viên tham dự cuộc thi thiết kế thời trang và tôi may mắn đoạt giải. Hiện tại, tôi rất vui bởi cơ sở may của mình có thể duy trì công việc thường xuyên và gần một nửa nhân viên trong cơ sở của tôi là những người khuyết tật hoặc kém may mắn.

Song song với nghề may, từ nhiều năm trước tôi cũng đã mở lớp để dạy cho những người khuyết tật. Nhiều người cũng đã hỏi tôi tại sao lại tổ chức các lớp dạy miễn phí nhưng tôi suy từ bản thân của mình và biết những điều họ phải đối mặt hàng ngày. Và tôi muốn giúp họ có việc làm, xóa bỏ rào cản để bước ra hòa nhập với cộng đồng. Qua nhiều năm, có rất nhiều chị em đã về địa phương mở cửa hiệu và tự tạo lập cuộc sống. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất mà tôi nghĩ là mình đã “khởi nghiệp” và “lập nghiệp” thành công.

“Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải tự đứng bằng đôi chân của mình”

P.V: Hiện chị là Phó Chủ tịch hội thường trực Hội Người khuyết tật tỉnh và Chủ nhiệm câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật. Dường như, bây giờ chị dành rất nhiều thời gian cho công tác xã hội?

Chị Lưu Thị Hà: Cho đến bây giờ tôi vẫn tự hào bởi có lẽ là người khuyết tật đầu tiên của tỉnh mở các lớp dạy nghề miễn phí. Tôi cũng là một trong những người khuyết tật đầu tiên của tỉnh tham gia công tác xã hội cùng với hội bảo trợ người khuyết tật. Tôi cho rằng, việc tham gia công tác xã hội cũng là cơ duyên thứ hai của mình và đó là động lực để chính tôi vượt lên rào cản.

P.V: Đã có nhiều năm gắn bó với công tác của người khuyết tật, chính cuộc đời chị, hành động của chị đang truyền cảm hứng đến cho mọi người?

Chị Lưu Thị Hà: Tất cả những người đến với cơ sở của tôi, tôi đều muốn truyền cảm hứng cho họ nhưng không phải lần nào cũng thành công. Thường thì những người không được bao bọc, chăm sóc từ nhỏ họ sẽ tự thích nghi hoàn cảnh và sẽ làm được những điều mà những người được chăm sóc kỹ càng không làm được. Tự thân họ sẽ tự vận động.

Tất nhiên, sự yêu thương với con cái là cần thiết. Nhưng sự chăm sóc, giúp đỡ con quá nhiều sẽ khiến họ ỉ lại và không vượt lên được chính mình. Tôi đã từng đi Nhật và nếu chúng ta cứ huấn luyện con trẻ như ở Nhật để các em tự lập sớm thì các em sẽ mạnh mẽ hơn. Cá nhân tôi, khi bắt đầu công việc với các em, tôi vẫn thường nói nghề may rất khó và phải tỉ mỉ từng ly, từng tí. Thế nên, nếu chúng ta không chịu khó, không yêu nghề thì sẽ không làm được. Dù là người khuyết tật thì chúng ta cũng phải tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình.

P.V: Đã nhiều năm gắn bó với công tác của hội khuyến tật. Vậy điều gì khiến chị trăn trở nhất?

Chị Lưu Thị Hà: Thực tế, người khuyết tật không thua kém những người không khuyết tật nhưng sự cố gắng và sự thành công của họ khó khăn hơn nhiều lần. Như tại hội thi khởi nghiệp dành cho người khuyết tật mới đây do Trung ương Hội tổ chức, các dự án khởi nghiệp của Nghệ An chỉ đứng sau Hà Nội và có nhiều dự án rất thành công. Chẳng hạn, trong 7 dự án lọt vào chung kết thì có đến 5 dự án của Nghệ An. Có những dự án như dự án sản xuất đồ mỹ nghệ dành cho người khuyết tật ở thị xã Thái Hòa, dự án nuôi trồng, cấy ghép phong lan, dự án thiết lập cửa hàng để trưng bày và bán sản phẩm của người khuyết tật, dự án chế tác từ vải vụn… đều nhận được sự đánh giá cao từ ban giám khảo. Hiện có một dự án đã được tham gia vào thi thuyết trình cuối cùng và đã được trao giải.

Người khuyết tật có những người rất giỏi nhưng hạn chế là cộng đồng và xã hội chưa có cái nhìn đúng về họ và chưa dành sự quan tâm cho họ. Vì thế, họ chưa có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội. Ngay như bản thân tôi, tôi là người khuyết tật nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người khuyết tật bởi tôi có thể làm được tất cả những việc mà những người không khuyết tật làm được. Tôi cũng có gia đình hạnh phúc, có con cái được học hành đầy đủ, tôi có thể phát triển với nghề nghiệp của mình và thành công. Nhưng khi tôi ra đường, tôi tiếp xúc với một số người và nếu họ chưa biết tôi, có thể họ sẽ có cái nhìn nghi ngại.

P.V: Vậy với những khó khăn trên thì ngoài mục tiêu chính là tập hợp hội viên thì Hội Khuyết tật tỉnh sẽ có những nhiệm vụ gì để góp phần cải thiện đời sống của những người kém may mắn?

Chị Lưu Thị Hà: Hiện nay, chúng tôi hướng hoạt động của hội bằng những việc làm thiết thực, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật. Trước mắt chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn để người khuyết tật hiểu được quyền và lợi ích của mình và làm thế nào để có thể tiếp cận với quyền lợi của mình.

Tôi cũng rất mừng bởi Hội Khuyết tật của tỉnh chỉ mới hoạt động được gần 3 năm nhưng đã có rất nhiều tấm gương nỗ lực vươn lên, trong đó có nhiều người là phụ nữ. Tôi cũng tin rằng, dù trong hoàn cảnh nào thì vai trò của người phụ nữ sẽ ngày càng được khẳng định và chúng ta không nên phân biệt phụ nữ hay nam giới. Tương lai, tôi hy vọng các dự án và các giải pháp mà chúng tôi triển khai sẽ nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức và sẽ có thêm nhiều chính sách để ưu tiên cho đối tượng đặc biệt này.

P.V: Ngày Phụ nữ Việt Nam đang đến rất gần, chị muốn chia sẻ gửi gắm gì đến chị em phụ nữ trong ngày đặc biệt này?

Chị Lưu Thị Hà: Tôi rất muốn nói với những chị em yếu thế rằng dù mình kém may mắn nhưng phải cố gắng vươn lên hòa nhập với cộng đồng, không tự ti mặc cảm. Bởi lẽ đã là người phụ nữ thì phải luôn luôn đẹp và không phải vì một khiếm khuyết nhỏ mà làm mất đi vẻ đẹp của bản thân.

P.V: Xin cảm ơn chị đã tham gia cuộc trò chuyện!