"Phụ nữ thời đại mới cần dám nghĩ, dám làm"
Ở tuổi 35, chị Trương Thị Hân (SN 1985) một nông dân ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành đã quyết định khởi nghiệp với một dự án gắn với nghề thủ công mỹ nghệ, dự án Cói Xâu. Sau 6 năm, dự án đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động và sản phẩm của chị đã “vượt biên” để có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Nội dung: Mỹ Hà - Kỹ thuật: Diệp Thanh
Ở tuổi 35, chị Trương Thị Hân (SN 1985) một nông dân ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành đã quyết định khởi nghiệp với một dự án gắn với nghề thủ công mỹ nghệ, dự án Cói Xâu. Sau 6 năm, dự án đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động và sản phẩm của chị đã “vượt biên” để có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, chị Trương Thị Hân đã chia sẻ với Báo Nghệ An về hành trình từ nông dân thành bà chủ hợp tác xã của mình.
_________________
P.V: Lâu nay khi nói đến khởi nghiệp, nhiều người thường nghĩ đến, đó là những người trẻ tuổi, có kiến thức, có khát vọng và có một phần nền tảng về kinh tế. Vậy, với một phụ nữ đã 35 tuổi, có 3 con và chưa từng đi ra xã hội như chị, việc khởi nghiệp hẳn là một quyết định rất bất ngờ?

Chị Trương Thị Hân: Gia đình tôi có truyền thống làm nghề mộc và tôi lớn lên gắn bó với nghề như một lẽ thường tình. Nơi tôi lớn lên có nhiều gia đình theo nghề mộc nhưng chỉ có một người nữ là tôi học nghề điều khắc gỗ. Gần 15 năm gắn bó với nghề, dù không quá khó khăn về kinh tế nhưng một ngày tôi nhận ra công việc này không còn phù hợp với mình, bởi quá vất vả, nặng nhọc. Là phụ nữ, có những khi tôi phải vật lộn với những gốc cây lớn, quá sức với mình. Về lâu dài tôi sợ mình không có sức để làm.
Khi quyết định chuyển nghề tôi trăn trở nhiều lắm. Bản thân gia đình không đồng ý, vì nếu làm mộc mỗi ngày tôi có thu nhập 300.000 đồng tiền công. Như một cơ duyên, có lần đi dọc kênh Vếch Bắc tôi nhìn thấy cói mọc dài nhiều, không có ai khai thác, làm ách tắc dòng chảy. Rồi tôi nghĩ ở quê mình có nguyên liệu, nhân lực địa phương cũng nhiều, chị em lâu nay ở nhà chỉ làm 3 sào ruộng rồi đi chơi, thời gian nhàn rỗi nhiều quá.

Khi chia sẻ ý tưởng đó với bố chồng, ông đồng ý đi cùng tôi ra nhà người quen ở Làng nghề Phú Xuyên (Chương Mỹ - Hà Nội), làng nghề ở các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình để tìm hiểu. Lần đầu tiên nhìn thấy các sản phẩm từ cây cói tôi đã đặt câu hỏi tại sao chỉ từ cói mà làm được nhiều sản phẩm đẹp vậy. Sau đó tôi xin ở lại học việc, thấy họ đan mũi nào là tôi làm theo như vậy. Tôi nhớ có một kỹ thuật đan rất khó đó là đan một cái núm hình tròn. Vậy mà chỉ sau 3 ngày tôi đã đan được và người dạy cho tôi nói rằng, chưa có ai học được nhanh như vậy. Có thể, vì trước đây tôi đã học và làm nghề điêu khắc, có sẵn kỹ thuật và kinh nghiệm. Do đó, khi được hướng dẫn đan cói, mình chỉ cần biết cách lên mũi, cách đan, cách lên khung, dưỡng ly cho đều, nắn nót, tỉ mỉ thì sẽ làm được.
P.V: Được biết, năm 2019, chị bắt đầu khởi nghiệp. Chị có thể kể lại những bước đi đầu tiên của mình?
Chị Trương Thị Hân: Nơi chúng ta đang ngồi đây (nhà của bố mẹ chồng) là xưởng sản xuất đầu tiên của tôi với 30 chị em cùng tham gia sản xuất. Các chị em đều là người trong xã, đồng ý tham gia chỉ vì tôi rủ rê “có nghề ni hay lắm, làm dễ và nguyên liệu sẵn, làm đi. Không kiếm được nhiều cũng có gói mì tôm ta ăn”.

Khởi nghiệp từ Cói Xâu là câu chuyện tôi bắt đầu với một mục tiêu đơn giản, đó là gìn giữ nghề truyền thống của quê hương và biến chúng thành sản phẩm hiện đại, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh. Những ngày mới triển khai, để chị em làm quen với kỹ thuật đan cói, tôi có mời thợ ở Hà Tây về để dạy cho chị em trong xóm. Lúc đầu khi mới học, nhiều chị em cũng nản lắm vì công việc tỉ mỉ, đan khó. Dạy hơn một tuần, thì chị em làm quen dần. Những sản phẩm đầu tiên làm không đảm bảo chất lượng, kỹ thuật còn kém. Tuy nhiên, tôi vẫn thu mua cho mọi người với giá 50% sản phẩm thực. Sản phẩm làm ra chỉ bán cho nội địa.
Những ngày mới làm, tôi cũng chỉ dám nhận những đơn hàng nhỏ. Tuy nhiên, việc sản xuất không dễ dàng và tôi chấp nhận bị lỗ. Những lúc khó khăn, tôi luôn tự nhủ mình, không nản, đã xác định phải làm cho bằng được. Nhiều sản phẩm chị em làm xong buổi ngày, tối đến tôi lại phải bỏ công đi sửa lại. Sợ chị em nản, tôi phải động viên đi làm, mong mỗi người cố gắng một ngày một ít, chấp nhận mỗi người thiệt thòi mỗi ít. Cá nhân mình cũng chấp nhận chịu thiệt để nuôi cái lâu dài. Mất gần 1 năm thì chúng tôi mới bắt đầu quen với quy trình và có đơn hàng, dù các đơn hàng ban đầu giá trị rất nhỏ, chỉ khoảng 40 triệu đồng.
.png)
P.V: Từ những đơn hàng chỉ vài chục triệu đồng đến nay chị đã có những đơn hàng lớn hơn với hàng trăm triệu đồng. Sản phẩm Cói Xâu của chị trở thành "độc nhất” ở Nghệ An và đã xuất khẩu sang các nước châu Âu, được nhiều người đón nhận. Tôi đang tự hỏi, từ những lao động chủ yếu là phụ nữ nông nhàn, làm sao chị có thể xây dựng được một đội quân với tay nghề “cứng” như vậy để có thể làm ra được rất nhiều sản phẩm rất đẹp mắt và sáng tạo.
Chị Trương Thị Hân: Chúng tôi đang hoạt động dưới hình thức mô hình hợp tác xã với tên gọi Hợp tác xã Cói Xâu mỹ nghệ Thọ Thành. Ngoài tôi là Chủ nhiệm hợp tác xã, chúng tôi có 30 thành viên hợp tác xã khác ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Thanh Chương và Tân Kỳ. Mỗi thành viên sẽ quản lý một tổ nhóm sản xuất với số lượng từ 7,8 người đến vài chục người một tổ nhóm.
Khi có đơn hàng, chúng tôi sẽ giao trách nhiệm cho từng tổ nhóm và để chuyên nghiệp hóa, các tổ nhóm sẽ sản xuất những mặt hàng đặc thù riêng như vật dụng trong gia đình, đồ trang trí nội thất. Việc lựa chọn mô hình hợp tác xã là điều phù hợp với bản thân, bởi tôi nghĩ rằng, với một người còn thiếu nhiều kinh nghiệm, kỹ năng như tôi nếu làm chủ sẽ rất khó khăn. Nhưng nếu phát triển dưới mô hình hợp tác xã, mọi người sẽ là cộng sự, cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ.

Về lao động ở hợp tác xã, như tôi đã chia sẻ, do tranh thủ lao động nông nhàn nên độ tuổi lao động ở chúng tôi rất đặc thù, có những người rất trẻ và đang đi làm nhà nước, có người làm giáo viên. Bên cạnh đó, có những người đã 70 – 75 tuổi. Khó khăn hiện nay của chúng tôi đó là mọi người đều xác định việc đan cói chỉ là nghề tranh thủ, rất ít người trong độ tuổi lao động muốn gắn bó lâu dài. Bản thân tôi cũng thấy được điều này và hiểu rằng, nhiều lao động chưa chọn nghề làm cói là nghề chính vì thu nhập còn khiêm tốn chỉ vài triệu đồng/tháng. Vì thế, điều tôi luôn trăn trở để làm sao có thể tăng giá thành sản phẩm để tăng thu nhập cho bà con.
Qua quá trình làm việc với chị em, với các bà, các mẹ tôi thấy rằng, dù xuất phát là nông dân làm nông nghiệp, nhưng những người thợ của chúng tôi vẫn có rất nhiều người có tài năng và giàu tính sáng tạo. Như tôi đã chia sẻ trước đó, quá trình phát triển nghề sản xuất cói gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thời điểm đại dịch Covid-19 và những bất ổn chính trị trên thế giới trong vài năm gần đây. Nền kinh tế với nhiều biến động cũng đã ảnh hưởng đến thu nhập và sức mua của người dân và ảnh hưởng tới các đơn hàng. Là đơn vị sản xuất, trước đây chúng tôi thường làm theo đơn đặt hàng của các đơn vị xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi phải chủ động đi chào hàng, tự đưa ra các mẫu mã để có thể thu hút được đơn vị tiêu thụ, thu hút được khách hàng. Một điều rất vui là hiện nay tất cả các mẫu mã do chúng tôi sản xuất đều là do các chị em trong các tổ hợp tác tự thiết kế, thực hiện. Để khuyến khích điều này, chúng tôi tổ chức các cuộc thi sáng tác mẫu, khen thưởng cho những chị em có thiết kế đẹp. Nếu có đơn hàng, chúng tôi cũng sẽ khoán cho các tổ và nếu nhóm nào làm nhanh cũng sẽ được tuyên dương, khích lệ.
P.V: Năm 2024 chị đã tham gia Hội thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức và đã đạt giải Ba. Tôi cũng rất ấn tượng với những con số mà chị đã chia sẻ tại cuộc thi này về những kết quả mà các chị đã làm được trong hơn 5 năm qua. Điều đáng nhớ nhất của chị về cuộc thi này và chị đã học được gì sau quá trình tham gia cuộc thi?
Chị Trương Thị Hân: Thời điểm tham gia cuộc thi cũng là thời điểm chúng tôi phải gấp rút một đơn hàng xuất sang châu Âu và vì thế có lẽ so với nhiều chị em khác, sự chuẩn bị của tôi chưa đầy đủ. Quá trình tham gia cuộc thi, tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các chị phụ nữ xã, phụ nữ huyện Yên Thành và các chị ở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi đứng trên sân khấu để chia sẻ về dự án của mình và với một người không quen với việc thuyết trình như tôi thực sự là điều không dễ dàng. Tôi nhớ lúc ban giám khảo hỏi tôi vì sao lại chọn khởi nghiệp từ cây cói, ban đầu tôi lúng túng lắm. Tất cả những kiến thức được viết trong hồ sơ dự thi gần như tôi đã quên hết. Tuy nhiên, sau đó, tôi nghĩ rằng “mình làm như thế nào thì nói vậy, cứ thật thà vậy thôi”. Và tôi đã dự thi với đúng tâm thế của người trong cuộc. Đó có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi về cuộc thi này.
Sau cuộc thi khởi nghiệp và được tham gia với các chị em ở Hội Liên hiệp Phụ nữ và các dự án khác, tôi cũng đã học hỏi được rất nhiều, nhất là ở cách tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Gần đây, khi thị trường nước ngoài ngày một khó khăn hơn tôi đã bắt đầu tiếp cận thị trường trong nước bằng việc bán hàng qua TikTok, qua các sàn giao dịch điện tử. Nhờ đó, không ít sản phẩm của tôi đang tồn kho đã tiêu thụ được và tôi cũng đã mở rộng được đối tượng khách hàng. Đây là những kết quả có được từ sau cuộc thi khởi nghiệp.

P.V: Từ một thợ mộc, một nông dân, đến nay chị đã là người đứng đầu - Chủ nhiệm hợp tác xã. Quá trình khởi nghiệp, đi vào kinh doanh và làm chủ đã thay đổi con người chị như thế nào? Nếu như có một chị em khác ở nông thôn cũng muốn khởi nghiệp, chị sẽ chia sẻ điều gì?
Chị Trương Thị Hân: Nhìn lại hành trình đã qua, tôi nghĩ điều giúp tôi vượt qua những khó khăn chính là sự đam mê và sự kiên trì. Nếu không có kinh nghiệm, chúng ta hãy làm, hãy cố gắng. Những trải nghiệm sẽ giúp chúng ta đúc rút được kinh nghiệm bản thân.
Tôi vốn là người nhút nhát và như bao chị em trong làng, học hành chưa đến nơi đến chốn. Thế nhưng, sau 5 năm khởi nghiệp, trải qua khó khăn, thất bại và những thử thách, tôi đã trưởng thành rất nhiều. Trước đây, tôi không biết thế nào là giao dịch, đàm phán, không biết phải làm thế nào để phát triển bản thân nhưng giờ tôi đã tự tin hơn rất nhiều. Tôi đã làm chủ được cuộc sống, làm ra được thu nhập, dám nghĩ, dám làm...

Tôi cũng cho rằng, không chỉ như tôi, nhiều chị em nông thôn khác nếu thực sự quyết tâm cũng sẽ làm được bởi thế mạnh của phụ nữ nông thôn đó là chăm chỉ, đam mê, không làm thì thôi, đã làm là đến nơi, đến chốn. Phụ nữ thời đại mới cần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm.
Tất nhiên, người phụ nữ cũng phải có sự hài hòa giữa gia đình và công việc. Cá nhân tôi may mắn được sự ủng hộ của bố mẹ hai bên, của chồng và các con. Chính yếu tố gia đình và sự tin tưởng đã giúp tôi có thêm động lực để cố gắng.
P.V: Cảm ơn chị đã tham gia cuộc trò chuyện!