Phục hồi hệ sinh thái - Hành động của mỗi tổ chức, cá nhân
(Baonghean.vn) - Ngày Môi trường thế giới 5/6/2021 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái”. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Thái Văn Nông - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về những nội dung liên quan.
P.V: Chủ đề ngày Môi trường thế giới năm nay là “Phục hồi hệ sinh thái”. Ông có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của chủ đề mà Liên hợp quốc lựa chọn?
Ông Thái Văn Nông: Ngày Môi trường thế giới năm 2021 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đề ra chủ đề “Phục hồi Hệ sinh thái”; đây là sự kiện đánh dấu sự khởi động của Thập kỷ Liên hợp quốc về Phục hồi hệ sinh thái. Nó cũng gắn kết với chủ đề ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2021 “Chúng ta là một phần của giải pháp”, khẳng định con người cũng là một yếu tố của giải pháp vì thiên nhiên, thậm chí là chìa khóa quyết định thành công của công cuộc này.
Hệ sinh thái rừng với nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. |
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, phục hồi hệ sinh thái ở đây là phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái hoặc bị phá hủy cũng như bảo tồn các hệ sinh thái vẫn còn nguyên vẹn, bao gồm đất đai, rừng, biển, hệ thống mặt nước sông, suối, hồ… Các nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, sự suy thoái của hệ sinh thái đất và biển làm giảm phúc lợi của 3,2 tỷ người và làm mất khoảng 10% tổng sản phẩm toàn cầu hàng năm do mất các loài và dịch vụ hệ sinh thái. Cũng từ nghiên cứu của các nhà khoa học, khoảng 20% bề mặt thảm thực vật trên hành tinh đang có xu hướng giảm năng suất liên quan đến xói mòn, cạn kiệt và ô nhiễm. Đến năm 2050, suy thoái và biến đổi khí hậu có thể làm giảm 10% năng suất cây trồng trên toàn cầu và tới 50% ở một số khu vực.
Một tính toán cũng cho thấy, việc khôi phục 350 triệu ha đất bị suy thoái từ nay đến năm 2030 có thể tạo ra 9 nghìn tỷ USD giá trị dịch vụ hệ sinh thái và hấp thu thêm 13 - 26 tỷ tấn khí thải nhà kính từ khí quyển. Bởi vậy, phục hồi sinh thái với mục đích nhằm bảo vệ, cải thiện sinh kế cho con người, đồng thời bảo vệ sự sống và sự đa dạng sinh học ở mỗi quốc gia, lãnh thổ và góp phần hạn chế các tác động thúc đẩy biến đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai. Việc phục hồi sinh thái được thực hiện bằng nhiều cách, như trồng cây, áp dụng các hình thức canh tác ít tác động tiêu cực đến môi trường hoặc loại bỏ các áp lực để thiên nhiên có thể tự phục hồi.
Rừng nguyên sinh tại Vườn Quốc gia Pù Mát. |
P.V: Ông có đánh giá gì về hệ sinh thái ở Nghệ An hiện nay?
Ông Thái Văn Nông: Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước và được đánh giá là tỉnh có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều sinh cảnh và các hệ sinh thái đặc sắc phân bố từ các vùng núi cao cho đến vùng biển khơi như các hệ sinh thái rừng; hệ sinh thái biển; hệ sinh thái sông, cửa sông và ven biển; hệ sinh thái vùng nước quanh các đảo ven bờ...
Với hệ sinh thái rừng, không thể không nhắc đến Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 1,3 triệu ha; là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Nơi đây có tính đa dạng sinh học rất cao với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Đây cũng là nơi có dịch vụ hệ sinh thái đa dạng, phong phú; cung cấp các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như măng, mật ong, dược liệu…, phục vụ sinh kế cho người dân khu vực miền núi, đồng thời cung cấp nguồn dược liệu cho ngành chế biến dược liệu.
Các lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng. |
Hệ sinh thái rừng với nhiều cảnh đẹp và sự đa dạng sinh học cao cũng là cơ sở, điều kiện quan trọng để triển khai thực hiện chương trình, dự án đầu tư phát triển phục vụ dân sinh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, gợi mở nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch ở Nghệ An. Đa dạng sinh học ở Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An với nhiều nguồn gen tự nhiên rất quan trọng phục vụ công tác lai tạo giống, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế từ các giống cây trồng tự nhiên.
Bên cạnh hệ sinh thái rừng thì hệ sinh thái biển, hệ sinh thái sông ngòi… cũng mang những yếu tố và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phục vụ đời sống dân sinh.
Không thể phủ nhận hệ sinh thái đa dạng, đặc sắc và những tác động tích cực của nó đến sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh có dân số đông (đứng thứ tư trong cả nước) cùng với áp lực phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh và khu vực thường xuyên hứng chịu nhiều thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đã, đang tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học, đặc biệt hệ sinh thái rừng dễ bị tổn thương nhất. Thực tiễn, thời gian qua, các hoạt động khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ; săn bắt động vật rừng; khai thác khoáng sản; chuyển đổi đất rừng thành đất trồng cây công nghiệp và xây dựng công trình; các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu cũng đã tác động tiêu cực và làm suy thoái hệ sinh thái rừng.
Nước sông ô nhiễm và việc đánh bắt mang tính tận diệt làm suy giảm hệ đa dạng sinh học trên sông. Ảnh: Mai Hoa |
Các tác động tiêu cực từ các hoạt động xây dựng đê đập, làm đường giao thông; phá rừng làm ao đầm nuôi tôm; các tác động của biến đổi khí hậu, gia tăng chất thải, ô nhiễm môi trường... đã làm suy giảm hệ sinh thái rừng ngập mặn, làm suy giảm đa dạng sinh học hệ sinh thái sông và cửa sông.
P.V: Trước thực trạng sinh thái của Nghệ An hiện nay, đồng thời để hưởng ứng ngày Môi trường thế giới với chủ đề được Liên hợp quốc đưa ra, theo ông, những việc mà Nghệ An cần làm là gì?
Ông Thái Văn Nông: Từ thực trạng hệ sinh thái ở Nghệ An, đồng thời để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2021 và Thập kỷ Liên hợp quốc về Phục hồi hệ sinh thái, thời gian tới, tỉnh Nghệ An cần tập trung thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát thực hiện các cơ chế chính sách có liên quan đến hệ sinh thái. Gắn với đó là tăng cường nguồn lực tài chính nhằm thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học.
Các lực lượng chức năng kiểm tra phân vùng quản lý, bảo vệ rừng khu vực Khe Choăng. |
Điều đặc biệt quan trọng là cần có “chiến lược” tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về giá trị của các hệ sinh thái, đa dạng sinh học đối với đời sống con người để cùng hành động, tham gia tích cực các hoạt động giữ gìn, phục hồi các hệ sinh thái. Kiểm soát và giảm thiểu các mối đe dọa đến đa dạng sinh học, như kiểm soát, ngăn chặn khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã; tăng cường vận động, thu hút và sử dụng đúng mục tiêu các nguồn vốn để bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân sống phụ thuộc vào rừng…
Trước mắt là tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Quyết định số 1179/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đồng thời xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022); thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh và đất nước.
P.V: Xin cảm ơn ông!