Phục hồi rối loạn ngôn ngữ do tai biến mạch máu não tại Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An
(Baonghean) - Để phục hồi rối loạn ngôn ngữ do tai biến mạch máu não, cho trẻ chậm nói … thời gian qua, Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An đã thành lập đơn vị “Ngôn ngữ trị liệu” và cử 4 người đi học về “Âm ngữ trị liệu” và “Thính học trị liệu”, trong đó có 1 bác sỹ (Tăng Thị Nga) và 3 cử nhân kỹ thuật viên Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng.
Nguyên nhân
Thạc sỹ Thái Thị Xuân - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An cho biết: Mất ngôn ngữ biểu hiện trong tiếng nói là sự méo tiếng, đó là hiện tượng như rụng mất nguyên âm cuối khi phát âm. Có người sau tai biến trở nên nói bập bẹ như trẻ mới tập nói. Có những trường hợp mất đi nhịp điệu tiếng nói, bị chuyển giọng, âm điệu của ngôn ngữ bị biến đổi, có người nói những trọng âm như người nước ngoài. Tình trạng nói lắp, nói không đúng ngữ pháp cũng xuất hiện ở một số trường hợp. Chứng diễn đạt thiếu từ cũng thường xảy ra ở những bệnh nhân này, người bệnh không thể hoặc khó gọi ra tên chính xác của sự vật, mặc dù họ rất muốn diễn tả.
Trong một số trường hợp, thầy thuốc phải hiểu được ý bệnh nhân muốn nói, sau đó nói ra âm đầu của từ nào đó sẽ giúp họ nói tiếp được. Một số người mắc chứng nói loạn biệt ngữ, họ sử dụng những từ không đúng với sự vật được gọi. Giữa từ đúng và từ người bệnh phát ra không có mối liên hệ nào và từ phát ra thường là thiếu nghĩa.
Điều trị rối loạn ngôn ngữ cho bệnh nhân tai biến. |
Người ta nhận thấy rằng những cơn đau nửa đầu kéo dài cũng có thể dẫn đến hậu quả này. Những chấn thương sọ não hở hoặc kín trong chiến tranh hay trong sinh hoạt hằng ngày (tai nạn giao thông, công nghiệp) cũng là một nguyên nhân thường gặp của mất ngôn ngữ. Các trường hợp u não cũng có thể gây ra mất ngôn ngữ và có thể đấy là triệu chứng điển hình của u não thái dương trái. Nhiễm khuẩn gây ra áp xe hay lan tỏa (viêm não) có thể gây ra tình trạng bệnh này. Những rối loạn ngôn ngữ có thể hợp thành triệu chứng của một cơn động kinh có ổ khu trú.
Hậu quả khi ngôn ngữ mất chuẩn
Thời gian qua, Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đến điều trị, phục hồi ngôn ngữ do tai biến, trẻ em bị chậm nói… Bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hà (54 tuổi) đến từ xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) là một trong những trường hợp bị tai biến mạch máu não dẫn đến nói ngọng.
Anh Trương Văn Tùng (chồng bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hà) cho biết: “Vợ tôi bị tai biến 3 năm nay, sau khi điều trị phục hồi chức năng, hiện chân tay đã cử động được, tuy nhiên vẫn chưa tự đi lại mà phải có người hỗ trợ”. Khó khăn nhất của chị Hà đó là phát âm bị ngọng. Sau khi tìm hiểu kỹ, gia đình đã đưa chị Hà xuống điều trị “âm ngữ trị liệu” tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An kết hợp với phục hồi khả năng vận động.
Trao đổi với bác sỹ Tăng Thị Nga – bác sỹ đầu tiên của Bệnh viện được cử tham gia học lớp đào tạo liên kết về “Âm ngữ trị liệu” và thính học tại Trường Đại học Y dược Huế phối hợp với Đại học Quốc gia Chonbuk Hàn Quốc cho biết: “Chuyên ngành “Âm ngữ trị liệu” nhằm điều trị các mặt bệnh chính: Rối loạn về lời nói (lời nói không rõ, trẻ giảm thính lực, trẻ bại não, trẻ khe hở môi vòm miệng, rối loạn giọng ở bệnh pakinson, rối loạn vận ngôn, nói lắp…); rối loạn về ngôn ngữ: trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, giảm thính lực, trẻ rối loạn phổ tử kỷ; rối loạn về giao tiếp: mất ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não hoặc chấn thương sọ não, sa sút trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ; rối loạn nuốt. Mục đích sau điều trị là để cải thiện lời nói, ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày để người bệnh tự tin hơn trong giao tiếp. Thời gian điều trị thường kéo dài nên cần sự kiên trì của người bệnh và người nhà người bệnh”.
Phục hồi chức năng phát âm cho người bệnh là vấn đề khó khăn, lâu dài, cần có sự kết hợp giữa các bác sỹ các chuyên khoa thần kinh, tai mũi họng, phục hồi chức năng. Những tổn thương tiến triển như u não thì rất khó phục hồi. Nếu là mất ngôn ngữ, giảm chất lượng ngôn ngữ do xuất huyết não có tiến triển tốt hơn so với nguyên nhân nhồi máu não. Trong nhồi máu não, chứng bệnh này do tắc nghẽn động mạch nói chung lại có tiên lượng tốt hơn do huyết khối. Nếu mất ngôn ngữ xảy ra trước 10 tuổi thường có khả năng phục hồi tốt, càng già thì càng kém đáp ứng phục hồi.
Nhìn chung trí thông minh, hiệu quả học tập ở tất cả mọi trường hợp đều giảm sút sau khi bị chứng bệnh này.
Khi phát hiện người bệnh có sự méo tiếng, mất tiếng lúc đầu hãy để bệnh nhân cố gắng hết sức nói một cách tự nhiên, sau đó gợi cho họ nói đến những vấn đề gần gũi nhất với họ như gia đình, công việc, sau đó yêu cầu họ nói theo những yêu cầu của thầy thuốc để đánh giá mức độ mất rối loạn ngôn ngữ của người bệnh. Các thầy thuốc và kỹ thuật viên chỉnh âm đặt ra những phương tiện nghe nhìn thật gợi cảm và phát ra những từ và những câu. Đây là biện pháp phục hồi không chỉ đòi hỏi kỹ năng tốt mà còn đòi hỏi sự tiếp xúc tâm lý tốt của thầy thuốc.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hà (Quỳ Hợp) đang được bác sỹ Tăng Thị Nga điều trị rối loạn ngôn ngữ tại Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An. |
Trong số các yếu tố nguy cơ gây vữa xơ động mạch thì tăng huyết áp đóng vai trò quan trọng hơn cả. Huyết áp càng cao thì nguy cơ càng lớn. Những thuốc ức chế ngưng tập tiểu cầu ngăn chặn được sự cố vữa xơ động mạch huyết khối bao gồm cả cơn thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ. Aspirin và clopidogrel là các thuốc ức chế ngưng tập tiểu cầu được sử dụng rộng rãi hiện nay.
Có thể giảm nguy cơ bằng cách ngăn chặn sự hình thành các mảng xơ vữa của động mạch não bằng chế độ ăn ít mỡ, giàu vitamin, chất xơ, tránh thừa cân béo phì, không dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và cần phải hoạt động thể lực chăm chỉ.
Với tinh thần: “Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh”.
Là “Nơi người bệnh gửi gắm niềm tin”.
Mô hình “Bệnh viện - Khách sạn” xanh - sạch - đẹp” đầu tiên tại Nghệ An.
Địa chỉ: Số 220, đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò, Nghệ An.
ĐT Phòng khám: 02383.922.922
ĐT trực 24/24: 02383.922.922
ĐT nóng: 0966.251.414; 0912.002.210
ĐT Giám đốc: 0912.487.568.