Phúc Thọ - một vùng quê Xô viết

12/09/2017 08:58

(Baonghean.vn) - Phúc Thọ là một trong những địa phương của huyện Nghi Lộc hưởng ứng mạnh mẽ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh những năm 1930 – 1931.

Bài học Xô viết năm xưa đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể địa phương vận dụng sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân để xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới.

Đã qua bao thế hệ nhưng lịch sử năm tháng hào hùng của phong trào Xô viết năm xưa vẫn như còn mới nguyên trong câu chuyện kể của lớp lớp người dân Phúc Thọ. Mỗi con đường, mỗi làng quê nơi đây dường như vẫn còn vọng vang tiếng trống, tiếng tù và, tiếng hô khẩu hiệu của hàng vạn đồng bào đấu tranh chống áp bức, bóc lột của đế quốc, tay sai.

Trụ sở Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã Phúc Thọ.
Trụ sở Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã Phúc Thọ. Ảnh:N.T

Vùng quê Phúc Thọ nhỏ bé nhưng đã ghi nhận nhiều mốc son lịch sử của phong trào Xô viết. Đỉnh cao là ngày 2/1/1931, quần chúng nhân dân các làng Cổ Đan, Cổ Bái, Phước Lợi, Lộc Thọ cùng với nhân dân trong huyện mang giáo, mác, gậy gộc kéo tới trừng trị tri huyện Tôn Thất Hoàn và 6 tên lính tại cây đa đền Chính Vị, xã Nghi Xuân.

Sau đó, phong trào cách mạng bị kẻ địch đàn áp trong biển máu.

Nối tiếp truyền thống Xô viết anh dũng năm xưa, người dân Phúc Thọ hôm nay đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng chiến đấu với nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Xóm 17, tức làng Lộc Thọ năm xưa bên dòng Lam giang vốn là làng chài nghèo của xã Phúc Thọ.

Khó nhất là giao thông đi lại. Mùa hè thì cát nóng bỏng chân, mùa mưa thì lầy lội khó đi bội phần. Năm 2012, cấp ủy, chính quyền, MTTQ xã Phúc Thọ phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, xóm 17 là đơn vị đi đầu thực hiện chủ trương này.

Đồng chí Nguyễn Văn Thịnh – Bí thư chi bộ cho biết: Dù đời sống nhân dân chưa cao nhưng khi được chi bộ, ban công tác Mặt trận tuyên truyền chủ trương xây dựng NTM, nhân dân trong xóm đồng tình cao, đóng góp 1,3 tỷ đồng, xây dựng 2km đường nhựa, đường bê tông và nhà văn hóa xóm. Chỉ trong vòng một năm triển khai, các công trình này hoàn thành và đưa vào sử dụng, bộ mặt nông thôn được khởi sắc, khang trang.

Phần mộ đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Bí thư Xứ ủy Trung kỳ tại xóm Bình Minh xã Phúc Thọ.
Phần mộ đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Bí thư Xứ ủy Trung kỳ tại xóm Bình Minh xã Phúc Thọ. Ảnh: N.T

Đồng chí Lê Xuân Lới – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ cho biết: “Để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, cấp ủy đảng coi trọng công tác tuyên truyền và phát huy dân chủ trong nhân dân”. Theo đó, các nghị quyết của đảng được Đảng ủy xã quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Trong quá trình xây dựng các nghị quyết phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, cấp ủy đã mời cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến. Nhờ đó đã tạo sự đồng thuận cao trong toàn đảng, toàn dân.

Thể hiện rõ là khi triển khai xây dựng NTM, nhân dân đã được biết, được bàn về kế hoạch, đồ án xây dựng NTM do xã xây dựng. Nhờ phát huy dân chủ, Đảng bộ Phúc Thọ đã nhận được sự đồng tình cao của nhân dân trong hiến đất, hiến tài sản, trả lại đất nông nghiệp để xây dựng các công trình phúc lợi tại khu dân cư.

Nhờ sự đồng thuận cao của nhân dân nên chỉ trong 1 năm triển khai, xóm 17 Phúc Thọ đã hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xóm.
Nhờ sự đồng thuận cao của nhân dân nên chỉ trong 1 năm triển khai, xóm 17 Phúc Thọ đã hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xóm. Ảnh: N.T

Cụ thể, từ năm 2012 đến năm 2016, nhân dân Phúc Thọ đã hiến 4.250m2 đất vườn, trả lại 2,5ha đất nông nghiệp, đóng góp xấp xỉ 11 tỷ đồng xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, nhà văn hóa xóm, công trình vệ sinh môi trường đạt chuẩn NTM.

Các mô hình kinh tế như chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thương mại, dịch vụ và đặc biệt là xuất khẩu lao động ngày càng phát triển. Đến nay, Phúc Thọ có 816 người đi lao động tại 11 nước, mỗi năm thu về 40 tỷ đồng. Mức thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 3,14 triệu đồng/người/tháng.

Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, nay tỷ lệ này ở Phúc Thọ chỉ còn 2,67%. Phong trào toàn dân đoàn kết dây dựng đời sống văn hóa cũng được toàn dân tích cực hưởng ứng. Đến nay, 15/18 xóm, 3 trường học và trạm y tế đạt danh hiệu làng, đơn vị văn hóa. Năm 2016, Phúc Thọ được UBND tỉnh công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn NTM.

Lực lượng Đoàn viên thanh niên và hội viên Hội phụ nữ xã Phúc Thọ dọn vệ sinh môi trường tuyến đường ven sông Lam.
Lực lượng Đoàn viên thanh niên và hội viên Hội phụ nữ xã Phúc Thọ dọn vệ sinh môi trường tuyến đường ven sông Lam. Ảnh: N.T

Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảng bộ Phúc Thọ còn thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh và TSVM xuất sắc.

Đồng chí Lê Xuân Lới – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ cho biết, nhiệm vụ của Đảng bộ trong thời gian tới là: “Tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí NTM. Cụ thể là phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, xuất khẩu lao động, quan tâm đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Lãnh đạo nhân dân xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư.

Phấn đấu trong năm 2018- 2019, Phúc Thọ có 2 trường học đạt chuẩn mức độ 2. Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đầy đủ, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.

Nhật Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Phúc Thọ - một vùng quê Xô viết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO