Phùng Chí Kiên - Sáng mãi phẩm chất, cốt cách của một người con xứ Nghệ
(Baonghean.vn) - Phùng Chí Kiên đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, hy sinh thân mình để thực hiện sứ mệnh cao cả mà Tổ quốc và Nhân dân tin tưởng giao phó.
Đối với nhiều người cái tên Phùng Chí Kiên vẫn là một điều bí ẩn. Điều này cũng dễ hiểu bởi “đồng chí hy sinh quá sớm, thời gian hoạt động, công tác chủ yếu ở hải ngoại; chân dung và những câu chuyện dọc đường cách mạng của đồng chí chưa được ghi lại đầy đủ và xác thực” (Phùng Chí Kiên - Những bí ẩn dọcđường cách mạng, tác giả nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Hoàng Quảng Uyên). Tháng 8/2012, tôi gặp ông Hoàng Quảng Uyên khi ông dự trại viết lý luận phê bình của Hội Nhà văn ở Cửa Lò. Ông cho biết, đã sưu tầm, tìm hiểu, đọc những hồi ký, ghi chép cảm động về đồng chí Phùng Chí Kiên; rất cảm phục tài năng, phẩm cách, sự hy sinh cao cả của ông, đã xây dựng chân dung vị tướng tài này trong tiểu thuyết lịch sử “Mặt trời Pác Bó”.
Đồng chí Phùng Chí Kiên. Ảnh tư liệu |
Tháng 8/2008, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo “Đồng chí Phùng Chí Kiên, một người Cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối xuất sắc, chính trị, quân sự song toàn”. Trong bức thư gửi về Hội thảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Đồng chí Phùng Chí Kiên là một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối đã có công lao to lớn đối với Đảng ta, Quân đội ta, không chỉ về mặt tổ chức mà cả về đường lối cách mạng…”.
Những đánh giá đầy trân trọng của “người anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm sáng rõ nhân cách, những cống hiến hy sinh cao cả của đồng chí Phùng Chí Kiên cho Tổ quốc trong những ngày lửa cách mạng đang tỏa sáng, ý chí đấu tranh giành độc lập tự do trỗi dậy mạnh mẽ. Chính điều này đòi hỏi lịch sử hôm nay cần tìm hiểu, nhìn nhận, đánh giá đúng mức công lao của vị tướng đầu tiên giai đoạn tiền vũ trang khởi nghĩa này.
Một góc quê hương Diễn Châu hôm nay. Ảnh: Hồ Nhật Thanh |
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo giàu truyền thống yêu nước, cách mạng ở thôn Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu (Nghệ An), tên khai sinh của đồng chí Phùng Chí Kiên là Nguyễn Vĩ, sinh ngày 18/5/1901, bố là Nguyễn Khoản. Thấy con có tư chất thông minh, ham học hỏi, ông Nguyễn Khoản đã cho học chữ Quốc ngữ, chữ Nho. Năm 14 tuổi đỗ bằng Sơ học yếu lược, tinh thông chữ Hán. Vào tuổi 17 tham gia Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, bí mật sang Quảng Châu, Trung Quốc dự lớp Huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, giảng dạy.
Nhận thấy Nguyễn Vĩ là người có tinh thần nhiệt huyết với cách mạng, tư chất thông minh, có tư duy về quân sự, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chọn cùng một số thanh niên vào đào tạo tại Trường quân sự Hoàng Phố. Kể từ đó như cánh chim bằng cưỡi gió, Nguyễn Vĩ tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, làm Liên trưởng lực lượng vũ trang khu Xô Viết Hải Phong - Lục Phố ( Quảng Đông ), bẻ gãy nhiều cuộc tấn công của quân Tưởng Giới Thạch. Rồi được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản, cử sang Matxcơva học Trường Đại học Phương Đông.
Tốt nghiệp, Phùng Chí Kiên về Hương Cảng tham gia Ban công tác hải ngoại do đồng chí Lê Hồng Phong phụ trách. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất họp ở Ma Cao tháng 3/1935 được bầu Ủy viên thường vụ. Tháng 8/1936 được cử về Sài Gòn cùng đồng chí Hà Huy Tập chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Một năm sau quay lại Hương Cảng lãnh đạo Ban công tác hải ngoại của Đảng, xuất bản tờ báo Đồng Thanh tuyên truyền, định hướng đấu tranh cách mạng, ủng hộ Nhân dân Trung Hoa chống Nhật. Đây là thời gian ông gần gũi với Bác, cùng Bác về Vân Nam liên hệ với các cơ sở quần chúng cách mạng, khảo sát đường về Tổ quốc.
Thời gian này Phùng Chí Kiên còn được Bác giao nhiệm vụ cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp biên soạn bài giảng và trực tiếp giảng dạy cho 40 cán bộ đưa về Cao Bằng xây dựng thí điểm các đoàn thể Việt Minh tại 3 châu: Hà Quảng, Hòa An và Nguyên Bình. Tại đây, đồng chí đã vận dụng các kiến thức được học, trải nghiệm ở nước ngoài thành lập các đội tự vệ chiến đấu, tham gia tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho các nơi.
Du kích tham gia cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, tháng 9/1940. Ảnh tư liệu |
Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941) ở Khuổi Nậm, Pác Bó, đồng chí Phùng Chí Kiên tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, phụ trách quân sự, và được cử về căn cứ Bắc Sơn chỉ huy Cứu quốc quân, xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.
Việc cử đồng chí Phùng Chí Kiên về Bắc Sơn là để thực hiện bước chuyển quan trọng trong đường lối cách mạng của Đảng với việc đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xác định rõ hai nhiệm vụ cấp bách và quan trọng là thành lập “Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh” (gọi tắt là Việt Minh) và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiệm vụ này được đặt lên vai đồng chí bởi như lời Bác trước lúc tiễn đồng chí lên đường: “Xa Phùng Chí Kiên lúc này là điều Bác không muốn nhưng nhiệm vụ cách mạng cần sự góp sức, góp tài của một người cán bộ quân sự xuất sắc được Đảng đào tạo lâu dài ” (Tiểu thuyết lịch sử “Mặt trời Pác Bó” - Hoàng Quảng Uyên).
Và, trên mảnh đất biên cương đầy ân tình ân nghĩa này, ông đã hy sinh khi tuổi đời mới 40, tài năng vào độ chín, sức lực còn tràn trề, kiến thức và kinh nghiệm chỉ huy, lãnh đạo được trang bị đủ đầy… Ông được Bác Hồ đề nghị Hội đồng Chính phủ ký Sắc lệnh số 89/SL ngày 23/9/1947 truy phong quân hàm cấp tướng.
Một hạng mục thuộc Khu Tưởng niệm đồng chí Phùng Chí Kiên tại huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Tiến Hùng |
Phùng Chí Kiên đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, hy sinh thân mình để thực hiện sứ mệnh cao cả mà Tổ quốc và Nhân dân tin tưởng giao phó. Với vai trò một người chỉ huy xuất sắc của lực lượng Cứu quốc quân hùng mạnh, để bảo toàn lực lượng, bảo toàn tính mạng cho bà con quanh vùng căn cứ Bắc Sơn, ông đã quyết định phá vây, rút quân lên biên giới khi kẻ địch huy động hơn 4 ngàn binh lính bao vây quyết tiêu diệt căn cứ, quét sạch những hạt giống vũ trang, mối họa cho chúng sau này. Trên đường rút quân, cánh của ông bị địch phát hiện, bủa vây tứ phía, ông quyết định đi sau chặn hậu, lôi kéo hỏa lực về phía mình, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Chỉ mình ông và đồng chí Chính trị viên Lương Văn Chi bị thương, sa vào tay giặc, sau đó bị chúng sát hại, còn những chiến sỹ khác rút lui an toàn, trong đó có những tên tuổi trở thành những tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ lãnh đạo xuất sắc như: Chu Văn Tấn, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Thái… Sau này, Phùng Chí Kiên được Nhà nước công nhận liệt sĩ, trên quê hương Diễn Châu cũng đã hình thành Công trình Tưởng niệm mang tên Phùng Chí Kiên.
Phùng Chí Kiên không còn nhưng bản lĩnh, trí tuệ, tài thao lược của một vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn là tấm gương sáng, bài học lớn cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Ông đã góp phần làm rạng rỡ thêm quê hương Nghệ An - một trong những chiếc nôi cách mạng của cả nước./.