Phương Tây gửi số đạn dược trị giá 855 triệu USD do Serbia sản xuất tới Ukraine
Tờ Financial Times đưa tin, những nước phương Tây hậu thuẫn cho Kiev sử dụng các mặt hàng vũ khí xuất khẩu của Belgrade để cung cấp cho quân đội Ukraine.
Tờ Financial Times (FT) hôm 22/6 đưa tin ngày càng nhiều đạn dược do Serbia sản xuất đã rơi vào tay quân đội Ukraine. Tờ báo cho biết, số hàng xuất khẩu vũ khí của nước này sang các nước phương Tây sau đó sẽ được những nước hậu thuẫn cho Kiev sử dụng để cung cấp cho Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.
FT, trích dẫn các số liệu ước tính mà tờ báo này có được, khẳng định số đạn dược xuất khẩu của Serbia trị giá 800 triệu euro (tương đương 855 triệu USD) đã đến Ukraine thông qua các bên thứ ba. Nguồn tin cho biết vũ khí của nước này rẻ hơn so với vũ khí của phương Tây và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này vẫn có khả năng sản xuất loại đạn tiêu chuẩn của Liên Xô, hiện vẫn được quân đội Ukraine sử dụng rộng rãi.
Tổng thống của nước này, Aleksandar Vucic, không chính thức xác nhận rằng việc xuất khẩu vũ khí từ quốc gia của ông sẽ đến Ukraine. Trong cuộc trao đổi với FT, ông xác nhận rằng số tiền được cơ quan truyền thông nêu gần tương ứng với khối lượng xuất khẩu đạn dược của Serbia trong “2 hoặc 3 năm”.
Ông cũng mô tả hoạt động buôn bán vũ khí ngày càng tăng của Serbia với phương Tây là cơ hội để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia. Tổng thống cũng khẳng định đất nước của ông không bán vũ khí cho Moskva hay Kiev.
“Đây là một phần trong quá trình phục hồi kinh tế và quan trọng đối với chúng tôi. Đúng là chúng tôi xuất khẩu đạn dược của mình”, Ông Vucic nói. “Chúng tôi không thể xuất khẩu sang Ukraine hoặc Nga… nhưng chúng tôi đã có nhiều hợp đồng với người Mỹ, người Tây Ban Nha, người Czech và những nước khác. Rốt cuộc họ làm gì với số đạn dược đó là việc của họ”.
Theo vị tổng thống, Belgrade không có quyền kiểm soát vũ khí hoặc đạn dược sau khi nó được bán đi. “Đó không phải là nhiệm vụ của tôi” - ông nói với FT. “Việc của tôi là đảm bảo sự thật rằng chúng tôi giao dịch đạn dược của mình một cách hợp pháp, và bán được hàng… Tôi cần phải chăm sóc người dân của mình, thế thôi”. Theo ông Vucic, Belgrade có “những người bạn” ở cả Moskva và Kiev.
Theo RT, Belgrade có truyền thống duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Moskva và cố gắng giữ thái độ trung lập kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra 2 năm trước. Serbia chính thức lên án chiến dịch quân sự của Moskva đối với Ukraine, mặc dù đây vẫn là quốc gia duy nhất ở Đông Âu - ngoài Belarus - chưa áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga trong bối cảnh xung đột.
Ông Vucic đã nhiều lần nói rằng chính phủ của ông đã chịu áp lực từ các cường quốc phương Tây trong việc áp đặt các quy định hạn chế đối với Moskva. Vào giữa tháng 4, ông tuyên bố sẽ kháng cự cái mà ông gọi là “sự tống tiền” bằng các lệnh trừng phạt của phương Tây trong thời gian càng lâu càng tốt, đồng thời nói thêm rằng quốc gia của ông “tự hào” về quan điểm cứng rắn của mình trong cuộc xung đột.
Vào tháng 5, Tổng thống Serbia đã cảnh báo rằng tình trạng bế tắc đang diễn ra có thể dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu tệ hơn cả Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông cũng cáo buộc ngành công nghiệp quân sự toàn cầu đã thúc đẩy và kéo dài tình trạng thù địch.
Theo FT, việc đưa Belgrade rời xa Moskva và hướng tới hỗ trợ Kiev là một trong những mục tiêu lớn được phương Tây đặt ra trong những năm qua. Một nhà ngoại giao phương Tây nói với cơ quan truyền thông: “Châu Âu và Mỹ đã nỗ lực trong nhiều năm để tạo khoảng cách giữa ông Vucic với Tổng thống Nga Putin”.
Trong cuộc trao đổi hôm 22/6 với FT, ông Vucic ca ngợi sự thành công của Moskva trong việc thích ứng nền kinh tế với thời kỳ xung đột: “Người Nga đã làm rất tốt việc đổi mới và phục hồi hoạt động sản xuất vũ khí của họ”.
Ông nói thêm rằng, phương Tây vẫn tìm cách thu được lợi nhuận tối đa từ tình trạng bế tắc đang diễn ra: “Ở Mỹ và Đức, bạn không thể nói bây giờ mình sẽ sản xuất một chiếc xe tăng khác mà không kiếm được tiền”.