Piêng Lâng, chuyện hẵng còn dài…

Piêng Lâng là vùng đất sát biên giới Việt – Lào, với chiều dài đường biên khoảng xấp xỉ 10 km. Theo diễn giải của đồng bào Thái xã Nậm Giải, sở dĩ gọi Piêng Lâng, bởi đấy là một vùng đất tương đối bằng phẳng. Đường lên Piêng Lâng khó khăn, cách trở nên xa xưa chỉ có một số hộ gia đình vượt dốc vào dựng lán sản xuất lương thực, nuôi gia súc, gia cầm. Năm 2007, Nậm Giải phải hứng chịu một trận lũ lịch sử. Con sông Nậm Giải vốn hiền hòa, bỗng hóa cuồng nộ, hung dữ cướp đi sinh mạng của hơn chục hộ dân, tàn phá nhiều công trình nhà, cuốn đất, đá, cây cối, xóa trắng nhiều diện tích vườn tược, nương rẫy của người dân các bản Pòng, bản Pục, bản Méo. Sau lũ, nhà cửa hư hỏng, ruộng vườn bị cát, đá, cây gỗ, rác vùi lấp, một bộ phận người dân bản Pục, bản Méo phải rời nơi ở cũ vào Piêng Lâng kiếm kế sinh nhai. Thế rồi, bản mới Piêng Lâng được lập năm 2009.

Để vào Piêng Lâng, từ bản Pòng, trung tâm của xã Nậm Giải đi khoảng hơn 10 km đường. Thời điểm này, tiết trời như đã chuyển sang Đông. Khí lạnh hun hút. Mù sương buông chùng rừng núi, nương rẫy, bản làng. Trên cung đường bê tông ướt rượt có nhiều đoạn dốc cao trơn trượt, khiến người lái chiếc xe bán tải 2 cầu phải liên tục đảo số, đạp chân ga hết cỡ mới vượt qua. “Đường vào Piêng Lâng chỉ còn khoảng 1,5 km nữa là hoàn thành. Nghe nói huyện đã có dự án rồi nhưng vì dịch Covid-19 nên đành chậm lại…”, anh lái xe nói. Mất khoảng 45 phút nhấp nhổm, lắc lư ngắm cảnh mù sương biên giới, chúng tôi đến được Piêng Lâng.

Đây đúng là một vùng đất rộng, tương đối bằng phẳng, bao quanh là trập trùng núi và rừng nguyên sinh dày đặc. Nhà ở của người dân khá thưa. Chỉ tại nơi nhà văn hóa cộng đồng cùng điểm trường học đứng chân thì mật độ nhà ở dân cư dày hơn chút ít. Lướt nhìn, những tuyến đường nội bản khá sạch. Kề bên nhà ở của các hộ dân, thấy có những mảnh vườn rau cải nho nhỏ. Còn dưới những ngôi nhà sàn, xuất hiện khu vực nhà tắm, nhà vệ sinh và bể chứa nước được xây cất kiên cố. Thấy khách quan tâm quan sát, Bí thư Chi bộ Piêng Lâng, ông Lô Văn Thường hồ hởi: “Công trình nhà tắm, nhà vệ sinh và bể chứa nước hợp vệ sinh đều mới xây dựng đấy. 30 hộ làm rồi. Piêng Lâng có 57 hộ. Tới đây bà con làm như thế hết để nhận thưởng từ cấp trên…”. Tò mò hỏi chuyện thưởng. Ông Thường cười xòa: “Là cấp trên đang tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp sống cũ lạc hậu, thực hiện sinh hoạt hợp vệ sinh. Làm cái bể lắng lấy nước sinh hoạt, xây cái nhà tắm, công trình vệ sinh để sử dụng. Gia đình nào thực hiện thì động viên hỗ trợ 1 triệu đồng…”.

Ghé thăm vợ chồng Ngân Văn Thuận, Lê Thị Miến, là hộ gia đình mới hoàn thiện công trình nhà tắm, nhà vệ sinh và bể chứa nước. Ở đây, Bí thư Lô Văn Thường giới thiệu: “Trưởng bản làm có 60 triệu mà nhà này làm đến 70 triệu đồng đấy”. Rồi ông quay sang hỏi chị Lê Thị Miến: Gia đình ta lấy thưởng rồi phải không? Chị Miến cười rất vui, trả lời: “Lấy rồi. Ưng cái bụng thì làm theo thôi, nhưng vẫn nhận thưởng…”.

Ở nhà Trưởng bản Ngân Văn Minh, quây quần bên rổ khoai sọ luộc đãi “khách miền xuôi” Bí thư Lô Văn Thường kể rất nhiều chuyện. Từ thuở ban đầu lập bản với chất chồng gian khó. Từ những chung tay giúp đỡ của các cấp, ngành, đơn vị ở huyện, ở tỉnh, đặc biệt như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Khu BTTN Pù Hoạt, Ban Dân vận Huyện ủy… Và, kể về đời sống của người dân hiện nay, Bí thư Lô Văn Thường nói: “Nếu tính bình quân, ở Piêng Lâng mỗi hộ dân có khoảng 20a ruộng (khoảng 2.000 m2), khoảng 4 con trâu, bò. Bên cạnh đó, có đất để dựng cái nhà, làm cái vườn rau, cái chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhìn chung, làm giàu thì chưa nhưng đã cơ bản tự cung, tự cấp. Chỉ một số ít hộ còn khó khăn, chưa đủ cái ăn khoảng 1 – 2 tháng/năm…”.

Góp lời cùng Bí thư Lô Văn Thường, anh Ngân Văn Minh “khoe” Piêng Lâng được hỗ trợ khá nhiều dự án cây, con nhằm góp phần thay đổi cuộc sống của người dân. Rồi “khoe” cộng đồng thôn, bản có khoản tiền hàng năm khoảng 180 triệu đồng từ việc tham gia bảo vệ rừng. “Bản dành chi một ít cho những lần tuần tra rừng; một ít thì mua sắm cái loa, cái âm ly để phục vụ sinh hoạt tại nhà cộng đồng; một ít nữa thì chia cho các gia đình…”, Trưởng bản Ngân Văn Minh chia sẻ. Hỏi vui: Sao không chia thêm thêm cho các gia đình? Anh cười: “Phải tính toán cả đấy chứ. Như đi tuần tra thì phải có cái để ăn mà. Đi tuần tra mà không có cái ăn, bụng mọi người không vui đâu…”.

Biết Piêng Lâng một thời thực hiện dự án trồng chanh leo, nên tôi đã hỏi về loại cây trồng này. Một chút buồn thoáng qua, cả Bí thư và Trưởng bản Piêng Lâng cho biết, hiện nay gần như không còn hộ dân nào trồng loại cây này nữa. “Chỉ được vài năm đầu thôi. Sau đó, do sâu bệnh, lại rớt giá nên dân không trồng nữa…”, Bí thư Lô Văn Thường nói.

Cùng lên Piêng Lâng với chúng tôi có Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Giải, chị Lữ Thị Tiến. Là người địa phương, lại từng là tri thức trẻ được thu hút về công tác tại xã theo Nghị quyết 30a của Chính phủ nên Lữ Thị Tiến có nhiều gắn bó với Piêng Lâng. Chị giải thích: “Dự án chanh leo thực hiện ở đây năm 2012. Khi đó, em là Tổ trưởng tổ 30a vào giúp bà con. Chất đất Piêng Lâng tốt, rất phù hợp với cây chanh leo nên năm 2013 đã cho thu hoạch. Dịp đó, bà con sau khi hái thì đều tập trung tại xã để xe công ty về thu mua. Tính ra, thu nhập từ chanh leo của bà con cũng khá ổn. Từ Piêng Lâng, xã đã mở rộng diện tích chanh leo ra các bản trong địa bàn. Nhưng chỉ được vài năm thì chanh leo mắc bệnh. Cây cứ lụi đi, sản lượng sút kém. Xã đã mời công ty về chữa trị nhưng cũng không được. Khoảng năm 2017, giá thu mua chanh leo tụt thấp thảm hại, nên bà con Piêng Lâng bỏ loại cây trồng này…”.

Để thay thế cây chanh leo, từ năm 2017 lại nay, người dân Piêng Lâng đã được thử nghiệm thêm một số loại cây trồng. Hiện tại thì đang “kết duyên” với cây khoai sọ. Sở dĩ vậy, bởi qua một thời gian khảo sát, những đơn vị nhận giúp đỡ Piêng Lâng như Ban Dân vận Huyện ủy, Khu BTTN Pù Hoạt nhận thấy khoai sọ nơi đây thơm, ngon, có giá trị kinh tế, lại phù hợp khả năng canh tác của bà con.

Chị Lữ Thị Tiến kể: “Trước đây, Piêng Lâng có một số gia đình đã trồng để sử dụng. Nhận thấy khoai sọ có chất lượng cao, khảo sát thị trường lại thấy nhu cầu lớn nên đã đi đến thống nhất đầu tư cho bà con trồng thử nghiệm. Diện tích thử nghiệm năm nay khoảng gần 2 ha với 19 hộ tham gia. Kết quả rất đáng mừng. Thế nên, Ban Dân vận Huyện ủy, Khu BTTN Pù Hoạt, rồi thêm cả Ban Dân vận Tỉnh ủy nữa, đã quyết định hỗ trợ kinh phí để mở rộng diện tích lên khoảng 5 ha trong năm 2022. Với kinh phí hỗ trợ, xã sẽ thu mua toàn bộ giống khoai sọ mà bà con đã sản xuất, phân phối cho khoảng 40 – 50 hộ gia đình Piêng Lâng trồng trong vụ 2022…”.

Tại nương khoai sọ rộng hơn 100m2, hộ dân Ngân Thị Khóa nói rằng, sẽ thu được khoảng 180 – 200 kg củ. Hỏi mua một ít đem về, chị nhất quyết từ chối vì “cán bộ xã dặn sẽ mua tất cả để làm giống cho bà con”. Chỉ đến khi Phó Chủ tịch UBND xã Lữ Thị Tiến nói để lại trước cho xã dăm cân, chị Ngân Thị Khóa mới đồng ý. Để ý, thật ngạc nhiên khi thấy chỉ vài cái lắc tay, chị đã nhấc lên được những chùm củ khoai sọ béo tròn thật thích mắt. Hóa ra, tầng đất nơi đây rất dày, có nhiều mùn đen.

Theo những cán bộ Trạm Biên phòng Nậm Giải và Khu BTTN Pù Hoạt cùng đi, đất đai Piêng Lâng rất màu mỡ. Không chỉ vậy, còn khẳng định nơi đây là vùng tiểu khí hậu, độ ẩm cao, gần như mát mẻ quanh năm, có nét giống Mường Lống, Na Ngoi (Kỳ Sơn), và một số khu vực của Tri Lễ (Quế Phong). Để chứng minh, Phó Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt Nguyễn Văn Hiếu đưa tôi đến thăm những điểm người dân trồng cây sa mu dầu (còn có tên ngọc am). Bên những cây thân gỗ được xếp vào loại đặc biệt quý hiếm vốn chỉ xuất hiện trong vùng rừng nguyên sinh có khí hậu đặc biệt và có độ cao trên 1.500m, anh nói: “Nghệ An là một trong vài tỉnh hiếm hoi của cả nước có cây sa mu dầu mọc tự nhiên. Khu BTTN Pù Hoạt, cùng với Vườn Quốc gia Pù Mát và một vài điểm vùng cao ở Tương Dương, Kỳ Sơn may mắn có loại cây này. Thế nên, việc người dân trồng được sa mu dầu, chứng tỏ khí hậu và thổ nhưỡng của Piêng Lâng rất đặc biệt…”.

Ở Piêng Lâng, chúng tôi đi thêm khá nhiều nơi, có thêm những trải nghiệm, khám phá thú vị. Đó là, Tổ hợp tác chăn nuôi gà ri, mô hình nuôi thả cá…, và những nương cày nọi – một loại lúa nếp thơm vùng biên giới. Nhận thấy mọi người “kết” những nương cày nọi bắt đầu chín rộ tỏa hương thơm trong bảng lảng sương mù, Phó Chủ tịch UBND xã Lữ Thị Tiến giới thiệu, cày nọi trồng trên đất Piêng Lâng tuyệt ngon, ít loại nếp nào sánh nổi. Chị nói: Cày nọi Piêng Lâng có đặc điểm hạt ngắn, hơi tròn và nhỏ hơn lúa nếp thông thường chút ít. Hông xôi vừa ngon, vừa dẻo, vừa thơm lại không bị ngán. Có điều là sản lượng không cao, bà con Piêng Lâng trồng cày nọi mỗi năm một vụ để có thêm thu nhập…

Trong chuyến đi, chúng tôi có ghé vào xã Nậm Giải để gặp các cán bộ nơi này. Kể về những gì đã nghe, đã thấy với Bí thư Đảng ủy xã, anh Sầm Văn Thành, tôi nhắc đến tiềm năng đất đai, khí hậu của Piêng Lâng. Rồi nhận xét: “Diện tích đất đai ở Piêng Lâng lớn nhưng hơi tiếc là chưa được người dân sử dụng triệt để…”. Theo Bí thư Đảng ủy xã Sầm Văn Thành, với 57 hộ dân Piêng Lâng, khó khăn dần đã qua đi, cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Nhưng cấp ủy, chính quyền xã vẫn chưa thật sự hài lòng. Vì nhận thấy đó là một vùng tiềm năng bậc nhất trên địa bàn mà chưa khai thác được đúng giá trị. Vì vậy, trong tương lai sẽ nỗ lực cùng với các cơ quan, đơn vị quan tâm giúp đỡ Piêng Lâng tiếp tục tìm tòi, phát huy cho được các giá trị thiên nhiên ban tặng. “Với Piêng Lâng, chuyện hẵng còn dài…”, Bí thư Đảng ủy xã Sầm Văn Thành trăn trở.

Biết Khu BTTN Pù Hoạt gắn với công tác bảo vệ vùng rừng đặc dụng thì tham gia giúp Piêng Lâng từ năm 2017, nên tôi đã đề nghị đơn vị này có thêm đánh giá về Piêng Lâng. Giám đốc Nguyễn Văn Sinh cho biết, cùng với Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong giúp đồng bào thực hiện dự án trồng khoai sọ, thì đã đưa thêm cây quế vào trồng ở Piêng Lâng. Trong tương lai, Khu BTTN Pù Hoạt sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi những loại cây trồng có giá trị kinh tế, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng để trồng thử nghiệm. Anh Nguyễn Văn Sinh trao đổi: “Gắn bó với vùng đất này, chúng tôi nghĩ, nếu có sự quan tâm đầu tư, nếu đồng bào thực sự thay đổi được tư duy cũ, Piêng Lâng sẽ không chỉ xóa nghèo…”.

Năm 2007, tôi từng vào Nậm Giải sau trận lũ lịch sử 45 ngày. Thời điểm đó, dù thảm họa thiên tai đã qua một khoảng thời gian, nhưng vẫn đủ hình dung được những khốc hại mà đồng bào gánh chịu. Từ đó lại nay, đã thêm vài lần lên để biết về những chuyển biến của Nậm Giải và vùng biên ải Piêng Lâng. Rất tin Piêng Lâng sẽ tiếp tục đổi thay. Dù để đạt được khát vọng khai thác tiềm năng, là một vấn đề không hề đơn giản!