Công ty CP Công viên cây xanh TP Vinh cần phải xây dựng thương hiệu
(Baonghean.vn) - Theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền, để phát triển trong môi trường cạnh tranh, Công ty CP Công viên cây xanh TP. Vinh cần phải xây dựng thương hiệu, mở rộng và phát triển thị trường.
Sáng 17/1, Đoàn ĐBQH tỉnh có cuộc làm việc với Công ty CP Công viên cây xanh TP. Vinh về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Lê |
Công ty CP Công viên cây xanh TP. Vinh là doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp cổ phần hóa đầu tiên cả nước trong lĩnh vực cây xanh từ năm 2005 với tổng số vốn điều lệ 1.806.600.000đ đến nay là 3.897.300.000đ, trong đó vốn nhà nước chiếm 55,44%; cổ đông khác là người lao động trong công ty chiếm 44,56%.
Sau cổ phần hóa, công ty đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, xây dựng chương trình hành động nhằm phát huy các lợi thế, khắc phục khó khăn, công ty luôn hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước có hiệu quả tại doanh nghiệp; luôn hoàn thành nghĩa vụ ngân sách nhà nước.
Phản ánh với Đoàn giám sát của Quốc hội, ông Phan Xuân Bảo - Giám đốc Công ty CP Công viên cây xanh TP. Vinh cho biết bất cập của đơn vị sau cổ phần hóa, đó là theo Nghị định 97 của Chính phủ quy định mô hình công ty cổ phần gồm Chủ tịch HĐQT và Giám đốc để tách bạch, nâng cao hiệu quả và minh bạch trong quản lý. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ, đơn vị đang thực hiện mô hình Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc.
Ông Bảo cho rằng, từ thực tiễn hoạt động của công ty, Nhà nước nên có quy định về quy mô mức độ nào thực hiện mô hình Chủ tịch HĐQT và Giám đốc. Còn đối với loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như công ty không nên áp dụng mô hình Chủ tịch HĐQT và Giám đốc.
Ông Phan Xuân Bảo - Giám đốc Công ty đề nghị TP. Vinh dành thêm quỹ đất cho vườn ươm cây. Ảnh: Thanh Lê |
Theo vị Giám đốc này, khó khăn của đơn vị là quy mô hoạt động nhỏ, chủ yếu hoạt động theo hợp đồng đặt hàng của TP. Vinh, việc mở rộng dịch vụ còn hạn chế. Bên cạnh đó, diện tích vườn ươm đang ngày càng thu hẹp, từ 13ha nay giảm xuống còn hơn 2ha. Công ty đề nghị TP.Vinh dành thêm quỹ đất cho vườn ươm cây.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh Lê Sỹ Chiến cho biết: Nguồn doanh thu của công ty mỗi năm bình quân 19-20 tỷ đồng, nguồn kinh phí hàng năm thành phố cấp từ 15-17 tỷ để sử dụng cho công việc chăm sóc cắt tỉa, trồng dặm trồng mới, chăm sóc cây xanh,... Nguồn kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu, do định mức ngân sách thấp, trong khi nhu cầu chăm sóc cây xanh lại rất lớn.
Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh cho rằng, hoạt động của công ty đang chủ yếu nhờ vào đặt hàng của Nhà nước. Công ty chưa chủ động, sáng tạo trong việc mở rộng hoạt động dịch vụ, tham gia thị trường còn quá ít. Công ty chỉ đang tập hợp giải quyết việc làm cho người lao động chứ chưa có tay nghề cao, chưa đáp ứng được thị hiếu của khách hàng.
Công nhân Công ty CP Công viên cây xanh TP. Vinh chăm sóc cây xanh. Ảnh tư liệu |
“Nếu TP. Vinh dự kiến sáp nhập các đơn vị môi trường, cây xanh, quản lý hạ tầng đô thị, sẽ thoái vốn Nhà nước, thành phố sẽ thay đổi cơ chế từ đặt hàng sang đấu thầu. Nếu đơn vị không nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, tạo thương hiệu, uy tín cho mình thì khó có thể cạnh tranh với thị trường” - ông Chiến nói.
Kết luận cuộc làm việc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền ghi nhận đơn vị có truyền thống hoạt động lĩnh vực cây xanh, mô hình trên 15 năm thực hiện cổ phần hóa. Quá trình cổ phần hóa, đơn vị thực hiện chính sách của Nhà nước, tổ chức đảng đoàn thể chính trị hoạt động có hiệu quả., tiếp tục thực hiện tốt đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị TP. Vinh tiếp tục quan tâm hỗ trợ tốt hơn bằng nguồn ngân sách và tạo thế cho công ty phát triển theo đặt hàng và mở rộng hoạt động dịch vụ cho công ty, học tập kinh nghiệm địa phương khác.
Đặc biệt, công ty cần xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực công viên, cây xanh; đào tạo người lao động có “nghề”, tạo thương hiệu trở thành địa chỉ tin cậy của khách hàng, tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường.