Sốt đất vùng nông thôn Nghệ An chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Văn Trường 01/05/2021 09:03

(Baonghean.vn) - Thời điểm từ sau Tết Nguyên đán lại nay tại nhiều vùng nông thôn Nghệ An, giá đất vườn, đất đấu giá tăng cao chóng mặt so với giá trị thực tế, người mua, kẻ bán tấp nập khiến cho những người có nhu cầu mua đất ở thực sự hết sức khó khăn.

Đất nền nông thôn “phi mã”

Vùng quê lúa Yên Thành thời gian gần đây cũng nóng lên cơn sốt đất. Chứng kiến tại cuộc đấu giá đất ngày 13/4 tại xã Nam Thành mới cảm nhận được không khí sôi động. Đợt này xã Nam Thành đấu giá 19 lô đất với tổng diện tích là 3.765,3 m2, dù hạ tầng ở đây chưa được đầu tư đồng bộ, mới có mương thoát nước, đường vào các lô đất đang là con đường đất nhưng đã có trên 200 hồ sơ tham dự đấu giá.
Giá khởi điểm được đưa ra từ 500-650 triệu đồng, nhưng qua đấu giá được đẩy lên từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng/lô.

Khu vực đấu giá đất của xã Nam Thành (Yên Thành) với 19 lô đất; hạ tầng giao thông sơ sài nhưng có trên 200 đơn tham gia đấu giá. Ảnh: Văn Trường

Theo tìm hiểu được biết, ngoài hồ sơ tham dự đấu giá đất của người dân địa phương còn có một số người ở TP. Vinh, Diễn Châu… cũng về tham gia đấu giá. Trong 19 lô đất thì có 1 người ở xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) trúng đấu giá đến 9 lô đất, trong khi người dân địa bàn xã Nam Thành chỉ trúng được 4 lô đất. Theo quan sát phiên đấu giá, người dân địa phương chỉ “đặt” từ 600-800 triệu đồng/lô, trong khi dân từ nơi khác đều “đặt” cao hơn từ 500-700 triệu đồng.

Một người dân xóm Tây Hồ, xã Nam Thành chia sẻ: Những năm 2017, giá đất ở khu vực lối 2 này chỉ từ 200-250 triệu đồng/lô, không ngờ đợt này đất tăng lên gấp 3-4 lần. Với giá này, người dân quê không thể đủ tiền để mua đất cho con cái xây dựng cửa nhà.

Ngay sau cuộc đấu giá đấttại xã Nam Thành, các chủ của các lô đất trúng đấu giá ở Diễn Châu “rao bán” ngay tại chỗ các lô đất vừa trúng đấu giá với giá chênh lệnh từ 50-100 triệu đồng/lô. Một số người dân địa phương có nhu cầu thật sự mua đất làm nhà phải “cắn răng” để mua lại.

Đếm tiền giao dịch đất nền ngay tại xã Nam Thành (Yên Thành). Ảnh: Văn Trường

Có một thực tế là tại huyện Yên Thành khi các xã tổ chức đấu giá đất, hầu hết người từ nơi khác về trúng do họ “đặt” giá quá cao, trong khi nhu cầu thật sự người dân muốn mua đất làm nhà thì lại ít trúng. Như tại xã Khánh Thành, mới đây tổ chức đấu giá đất 22 lô, giá khởi điểm từ 450-550 triệu đồng, qua đấu giá tăng lên 1,2 tỷ đồng/lô. Người dân địa phương chỉ trúng được 2 lô, còn 20 lô do người dân từ nơi khác trúng.

Từ các phiên đấu giá đất tăng cao, như một hiệu ứng mạnh mẽ dẫn đến đất thổ cư trong làng, trong ngõ cũng tăng cao. Như thời gian gần đây xuất hiện thông tin chấp thuận chủ trương của tỉnh đầu tư xây dựng Nhà máy may Liên Thành khiến đất nền đấu giá cách đây 2-3 năm tại các khu vực thôn xóm nằm ven QL7B của xã Liên Thành bỗng dưng phi mã. Vùng này trước đây chỉ có giá từ 1,5 - 1,7 tỷ đồng/lô thì nay được bán 2,3 tỷ đồng/lô.

Tại xã Công Thành, từ khi Nhà máy máy An Hưng được xây dựng trên địa bàn thì đất bám QL 7 ở khu vực này tăng lên gần 3 tỷ đồng/lô, trong khi trước đó trên 1 tỷ đồng/lô cũng rất khó bán.

Bà Đặng Thị Dung - Trưởng phòng Tài chính huyện Yên Thành cho biết: Năm 2021, chỉ tiêu tỉnh giao cho huyện Yên Thành 150 tỷ đồng tiền đất. Tuy nhiên, chỉ tính 4 tháng đầu năm 2021, Yên Thành đã bán được trên 170 tỷ đồng tiền đất. Nguyên nhân Yên Thành vượt chỉ tiêu của tỉnh về thu ngân sách từ đất là do sau Tết Nguyên đán đến nay "sốt" đất từ các xã đồng bằng đến các xã vùng sâu. Như xã miền núi Mã Thành giá đất khởi điểm từ 700 triệu đồng, qua đấu giá tăng lên trên 2 tỷ đồng. Hiện nay sốt đất vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm trên địa bàn huyện Yên Thành.

Giao dịch đất nền ở huyện Yên Thành sôi nổi mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: Văn Trường.

Tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu thị trường bất động sản vẫn “nóng” không kém. Trong cuộc đấu giá đất mới đây ở xã Quỳnh Thạch, 40 lô đất nhưng có đến 1.100 hồ sơ tham gia đấu giá, người từ khắp nơi đổ về, phiên đấu giá kéo dài từ 7h30 sáng cho đến 10 giờ đêm mới kết thúc. Các lô qua đấu giá tăng lên gấp 2-3 lần. Chưa kể đất mua đi, bán lại cũng tăng chóng mặt.

Tại xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu), năm 2020 xã tổ chức đấu giá 90 lô đất giá khởi điểm 1 tỷ đồng, qua đấu giá 1,5 tỷ đồng/lô, nhưng thời điểm này giá đất nhảy lên 3,2 tỷ đồng/lô.

Chấn chỉnh tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất cao

Ông Hoàng Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Đấu trực tiếp giảm được nạn cò, tăng thu nguồn ngân sách cho Nhà nước, tuy nhiên vẫn đang còn những bất cập, như có hiện tượng một nhóm người từ nơi khác về địa bàn Quỳnh Lưu đấu giá đất cao để “đầu cơ”, trong khi người dân có nhu cầu làm nhà lại không thể trúng đấu giá, hoặc phải mua lại của các nhóm người khác với giá quá cao. Để giải quyết tình trạng này rất khó, bởi đấu giá trực tiếp công khai minh bạch, ai “bỏ” nhiều tiền hơn là trúng.

Đối với huyện Đô Lương, thị trường đất nền cũng đang sôi động. Theo báo cáo của UBND huyện Đô Lương, năm 2021 tỉnh giao thu từ đấu giá là 140 tỷ đồng/năm thì 4 tháng đầu năm, huyện này đã đạt trên 150 tỷ đồng.

Đếm tiền bằng máy ngay sau khi đã thương lượng giao dịch đất nền xong ở Quỳnh Lưu. Ảnh: Văn Trường.

Ông Nguyễn Thế Phiệt - Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: Sốt đất hiện nay chủ yếu là sốt đất nền tại các khu vực ven đô, đối với đất dự án địa bàn thành phố và các huyện giá không tăng cao. Nguyên nhân “sốt” đất nền ở thôn quê là do việc chuyển dịch nguồn vốn đầu tư của người dân vào bất động sản nhà ở, ngân hàng giảm lãi suất. Chưa kể quy hoạch TP. Vinh mở rộng, nên các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc tăng giá. Đặc biệt, sau khi thông được tuyến đường 72m xuống Cửa Lò nên đất tại các khu vực lân cận tăng ngày càng cao.

Hiện nay giá đất khu vực giáp ranh thành phố Vinh có biểu hiện chững lại, nhưng khu vực nông thôn ở các huyện vẫn đang neo ở mức cao.

Để giảm thiểu tình trạng sốt đất trong thời gian qua, ngay sau khi nhận được Công văn số 1454/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 20/3 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1825/UBND.NN ngày 2/4 về việc “Tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất”.

Người dân đổ về Ngân hàng Nông nghiệp huyện Yên Thành để rút tiền chủ yếu mua đất. Ảnh: Văn Trường

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản. Đồng thời, cần kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản để bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Đề nghị các địa phương công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận thông tin chính thống, không bị "nhiễu" thông tin để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính; có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Các lô đất nền ở xã Sơn Thành (Yên Thành) được cắm biển mua đi bán lại nhiều lần. Ảnh: Văn Trường

Các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... phải được thực hiện nghiêm, kiểm soát giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất; xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật - Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Mặt khác, các địa phương cần có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

'Sốt' đất phố đi bộ ở thành phố Vinh

'Sốt' đất phố đi bộ ở thành phố Vinh

(Baonghean.vn) - Từ khi thành phố đầu tư phố đi bộ, thu hút khách du lịch, tạo không gian mới, điểm nhấn mới cho thành phố thì giá cho thuê mặt bằng kinh doanh của các tuyến phố đi bộ Nguyễn Văn Cừ, Hồ Tùng Mậu tăng lên chóng mặt.

Mới nhất

x
Sốt đất vùng nông thôn Nghệ An chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO