Tăng cường phòng ngừa cháy nổ mùa nắng nóng

G.H 05/03/2023 11:39

(Baonghean.vn) - “Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, chây ỳ trong thực hiện quy định về PCCC, phải tập trung chỉ đạo các giải pháp quyết liệt để khắc phục ngay, không để tiếp tục hoạt động dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ” - đó là chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 124.

Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Nổi bật là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo đúng quy định của pháp luật.

Trong đó, chú trọng tập trung kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở trọng điểm, nguy hiểm về cháy, nổ. Năm 2022, toàn đã phát hiện, xử lý 352 cơ sở, xử phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 4,4 tỷ đồng. Qua đó đã góp phần làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế xảy ra các vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh karaoke tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

Tuy nhiên, theo ngành chức năng vẫn tồn tại một số công trình, cơ sở chuyển đổi công năng xây dựng không đúng theo quy hoạch, mục đích sử dụng đất và hồ sơ thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; làm ảnh hưởng đến giao thông, khoảng cách an toàn PCCC, dẫn đến không đủ điều kiện để thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.

Công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy có lúc chưa toàn diện, chưa sâu rộng; phong trào toàn dân PCCC ở một số địa phương chưa mạnh, nhận thức, sự hiểu biết pháp luật, ý thức về PCCC của một bộ phận người dân còn hạn chế. Số vụ cháy còn xảy ra nhiều, đặc biệt đối với các nhà để ở, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hệ thống dây dẫn trên cột điện…

Đám cháy lớn gần như thiêu rụi hoàn toàn tài sản của gia đình cho thuê rạp cưới ở xã Đại Đồng, Thanh Chương. Ảnh: CTV

Trong năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 123 vụ cháy lớn nhỏ làm 04 người chết, gây thiệt hại về tài sản hơn 6,2 tỷ đồng. Đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra một số vụ cháy.

Điển hình vào khoảng gần 22h tối ngày 4/3, tại một gia đình chuyên cho thuê rạp cưới ở thôn Thanh Sơn, xã Đại Đồng, Thanh Chương đã xảy ra cháy lớn. Được biết vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị đối với gia đình anh Nguyễn Doãn Sơn, chỉ tính riêng tiền mặt để trong két sắt khoảng 800 triệu đồng đã bị cháy sạch.

Hiện trường vụ cháy ở xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương vào tối ngày 4/3/2023. Ảnh: Huy Thư

Trước đó vào 3 giờ chiều ngày 22/2, Trung tâm Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (114) - Công an tỉnh Nghệ An nhận được tin báo xảy ra tại khu vực chợ Bộng xã Bảo Thành, Yên Thành. Khu vực xảy ra cháy là một ki-ốt bán quần áo bên trong đình chợ.

Lực lượng chức năng huy động 4 xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ cảnh sát nhanh chóng có mặt tại hiện trường, chữa cháy kịp thời nên đám cháy không lan sang các ki-ốt xung quanh.

Hiện trường vụ cháy ki ốt ở chợ Bộng, Yên Thành. Ảnh tư liệu CTV.

Siết chặt công tác quản lý, phòng ngừa

Dự báo trong năm 2023, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, kéo theo các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán... ngày càng cực đoan và khó lường. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, nhiều nhà cao tầng, khu vui chơi giải trí, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa... được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, cộng thêm nhu cầu sử dụng điện tăng cao sẽ kéo theo nguy cơ xảy ra cháy, nổ tiềm ẩn lớn.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, tiếp tục làm tốt công tác đảm bảo an toàn. Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC và CNCH) trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành thông báo số 124/TB/UBND ngày 01/03/2023 về kết luận của đồng chí Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động của Ban chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh năm 2022, triển khai nhiệm vụ 2023.

Toàn cảnh hội nghị đánh giá tổng kết công tác PCCC và CNCH tỉnh Nghệ An năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải

Trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, với mục tiêu, quan điểm: Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế, xã hội.

Nghiên cứu, đổi mới hình thức, nội dung và phương pháp tuyên truyền giáo dục kiến thức về PCCC và CNCH phù hợp với từng đối tượng, trong đó chú trọng tuyên truyền về trách nhiệm của các lực lượng và người dân tham gia công tác PCCC và CNCH. Quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn PCCC theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản tại các cụm dân cư, cụm doanh nghiệp, các khu công nghiệp...

Người dân được diễn tập PCCC tại buổi lễ ra mắt mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC. Ảnh tư liệu: An Quỳnh

UBND tỉnh cũng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, trong đó chú trọng công tác kiểm tra, rà soát, hướng dẫn an toàn PCCC; siết chặt công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Đặc biệt, đối với tất cả các trường hợp vi phạm nghiêm trọng về PCCC (như vi phạm chế độ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC...), cơ sở chây ỳ trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm công tác PCCC dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, phải tập trung tham mưu, chỉ đạo các giải pháp quyết liệt để khắc phục ngay, không để cơ sở tiếp tục hoạt động dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

Tiếp tục rà soát, củng cố, xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả các Đội dân phòng, Đội PCCC cơ sở và Đội PCCC chuyên ngành theo quy định của Luật PCCC đáp ứng tốt yêu cầu giải quyết kịp thời, hiệu quả ngay từ đầu, từ cơ sở khi xảy ra các vụ cháy, nổ... Duy trì hiệu quả và nhân rộng các mô hình, các gương điển hình trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, tạo phong trào thi đua, góp phần thực hiện tốt hơn, lan tỏa hơn phong trào toàn dân PCCC từ tỉnh đến cơ sở.

Lực lượng chức năng diễn tập phòng cháy, chữa cháy. Ảnh tư liệu: Quang An

Đối với các lực lượng chức năng (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh): UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm túc công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 24/24h, kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình và tham gia xử lý có hiệu quả các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ chủ động phối hợp chính quyền các cấp, các ngành chức năng triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC rừng, tổ chức cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng; thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng tại các xã, phường, thị trấn để cán bộ và người dân biết, chấp hành nghiêm túc... đặc biệt chú ý trong thời gian cao điểm về nắng nóng năm 2023, không để xảy ra các vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn.

Sở Xây dựng:Tăng cường công tác quản lý nhà nước về việc thẩm định các hồ sơ quy hoạch xây dựng, hồ sơ thiết kế bảo đảm chặt chẽ đúng quy định, trong đó lưu ý các điều kiện liên quan đến công tác an toàn PCCC được quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch xây dựng liên quan.

Sở Công Thương: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan chỉ đạo kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về PCCC tại các cụm công nghiệp; các cơ sở quản lý, sử dụng, bảo quản, kinh doanh và vận chuyển hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, các chợ, các trung tâm thương mại, hệ thống các siêu thị, cửa hàng kinh doanh; nắm danh sách các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC để thu hồi các loại giấy phép, chứng nhận thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của Sở Công Thương theo quy định.

Ban Quản Khu kinh tế Đông Nam: Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC tại các dự án, công trình tại các khu công nghiệp. Đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh phí trong việc đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cấp nước chữa cháy trong khu công nghiệp nhất là đối với khu công nghiệp sử dụng ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về công tác PCCC theo quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức PCCC đến người lao động, trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Đặng Cường

Sở Văn hóa và Thể thao: Tăng cường hướng dẫn các địa phương siết chặt công tác cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn tỉnh, không cấp giấy phép hoạt động kinh doanh karaoke đối với các cơ sở chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn PCCC. Xem xét rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở đang hoạt động nhưng không đủ điều kiện an toàn về PCCC, an ninh trật tự. Đồng thời chỉ đạo Ban quản lý các khu di tích, văn hóa lịch sử, thường xuyên làm tốt công tác PCCC.

Thực hành sử dụng lăng, vòi nước để chữa cháy tại Công ty Điện lực Nghệ An. Ảnh tư liệu: Đức Dũng

Về phía Công ty Điện lực Nghệ An, UBND tỉnh yêu cầu: Thường xuyên tiến hành kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện trên địa bàn tỉnh để phòng ngừa nguy cơ gây mất an toàn PCCC, ngăn ngừa tai nạn điện; giải quyết dứt điểm việc câu, mắc đường dây điện không bảo đảm theo quy định và có các giải pháp quyết liệt trong việc phòng ngừa, hạn chế các vụ cháy hệ thống dây dẫn, thiết bị điện trên cột điện.

Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cách sử dụng điện an toàn, hiệu quả; đồng thời cảnh báo, khắc phục các nguy cơ gây ra cháy, nổ, chập điện, đặc biệt trong đợt cao điểm về nắng nóng năm 2023, khi nhu cầu sử dụng điện trong nhân dân tăng cao.

Mới nhất

x
Tăng cường phòng ngừa cháy nổ mùa nắng nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO