Bàn giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Tiến Đông 20/09/2023 18:50

(Baonghean.vn) -Để chuẩn bị đón đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4, chiều 20/9, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (viết tắt là IUU). Cuộc họp do đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Nhiều vi phạm

Theo báo cáo của Chi cục Thuỷ sản Nghệ An, qua rà soát đến ngày 14/9/2023, toàn tỉnh có 2.477 tàu cá chiều dài từ 6m trở lên, trong đó, có 1.121 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Có 2.477 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFishbase. Có 1.164/1.660 tàu còn hạn đăng kiểm (đạt 70,12%); 863/1.121 tàu cá đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá (đạt 76,98%); 2.226/2.477 tàu đã được cấp Giấy phép khai thác thủy sản (đạt 89,87%); 1.073/1.121 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 95,72%.

Liên quan đến những vi phạm trong quá trình khai thác hải sản, qua theo dõi năm 2022 đã có 12.809 lượt tàu vi phạm, trong đó, số tàu cá mất kết nối quá 10 ngày trên biển là 370 lượt tàu. Riêng 9 tháng đầu năm 2023 có 13.374 lượt tàu vi phạm, trong đó, số tàu cá mất kết nối quá 10 ngày trên biển là 325 lượt tàu. Đối với trường hợp tàu cá vượt qua đường ranh giới cho phép trên biển, trong năm 2022 có 242 lượt tàu vi phạm; 9 tháng đầu năm 2023 có 115 lượt tàu cá vi phạm.

tàu.jpg
Tàu thuyền neo đậu tại cảng Lạch Quèn. Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh đó, trong năm 2022 có 105 lượt tàu cá vượt ranh giới vào vùng biển nước ngoài, qua điều tra xác định 19 chủ tàu/thuyền trưởng vi phạm về thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cũng đã xử phạt hành chính 18 chủ tàu cá với số tiền 450 triệu đồng, tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ 4 tháng 15 ngày đối với 2 thuyền trưởng…

Trong 9 tháng đầu năm 2023, có 27 tàu cá vượt ranh giới vào vùng biển nước ngoài. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 chủ tàu cá, với tổng số tiền 190 triệu đồng.

Tăng cường giám sát thực hiện nghiêm theo quy định

Những vi phạm trong công tác đánh bắt hải sản làm ảnh hưởng đến những nỗ lực gỡ "Thẻ vàng" của Việt Nam. Trên địa bàn Nghệ An, trong những năm qua, công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính được triển khai tích cực và chủ yếu do 2 lực lượng gồm Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và Chi cục Thủy sản thực hiện. Giai đoạn 2020-2023, 2 lực lượng này đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 869 vụ, với tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng.

BNA_bdbp.jpg
Thượng tá Hồ Minh Hoan - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Tiến Đông

Tại cuộc họp này, đại diện một số địa phương, ban, ngành đã có ý kiến nêu rõ những bất cập của việc quản lý, giám sát khai thác hải sản hiện nay. Đặc biệt, chưa có chính sách chuyển đổi nghề khai thác theo hướng giảm số lượng và cường lực tàu cá, giảm thiểu nghề khai thác ảnh hưởng nhiều đến nguồn lợi, hệ sinh thái biển. Thiếu các quy định về yêu cầu ngư dân phải thực hiện xóa đăng ký tàu cá khi tàu đã bán, cháy, chìm, giải bản; quy định chế tài xử lý đối với các cơ sở đăng kiểm không cập nhật dữ liệu lên hệ thống VNFishbase. Một số tàu cá đã hết hạn đăng kiểm nhưng không làm thủ tục đăng kiểm; nhiều tàu cá chưa thực hiện việc cấp, cấp lại Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định, nên tỷ lệ đăng kiểm tàu cá, cấp Giấy phép khai thác thủy sản còn thấp.

BNA_Chương.JPG
Ông Phan Tiến Chương - Trưởng ban Quản lý cảng cá Nghệ An phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Tiến Đông

Đặc biệt, tại huyện Diễn Châu, do lạch Vạn lâu nay đã bị bồi lắng nên các tàu công suất lớn trên địa bàn phải đi vào tại các cửa lạch khác, khó khăn cho việc quản lý. Một số tàu bị cháy, một số bán ra khỏi địa phương và đang chờ làm thủ tục đăng ký nên chưa lắp giám sát hành trình. Một số địa phương cũng phản ánh việc thiết bị giám sát hành trình thường xuyên xảy ra hư hỏng, nhưng các đơn vị cung cấp thiết bị chậm hỗ trợ trong việc sửa chữa, khắc phục các sự cố dẫn đến tàu cá mất kết nối VMS ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân.

Tại một số địa phương như xã Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai); các xã Quỳnh Nghĩa, Sơn Hải… (Quỳnh Lưu), có số lượng lớn tàu cá khai thác vùng khơi nhưng không có cảng cá chỉ định nên ngư dân thường cập bến cá tự phát để bốc dỡ hàng hóa, sản phẩm thủy sản, do đó, việc kiểm soát, giám sát sản lượng từ khai thác gặp khó khăn. Cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá còn thiếu, các cửa lạch bị bồi lắng, tàu thuyền ra, vào gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo an toàn.

BNA_Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tiến Đông.JPG
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan chuẩn bị sẵn sàng để đón đoàn kiểm tra của Ủy ban Châu Âu. Ảnh: Tiến Đông

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiến hành một số nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành trước ngày 30/9/2023. Trong đó, tập trung rà soát, lập danh sách những tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản, chưa lắp thiết bị giám sát hành trình; cung cấp danh sách cho UBND huyện, thị xã, các Đồn, Trạm Kiểm soát Biên phòng tuyến biển để theo dõi, tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý khi có vi phạm. Hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, từ nay đến trước ngày 30/9/2023, các đơn vị, địa phương cần phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho ngư dân, chủ tàu cá, thuyền trưởng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, các quy định về chống khai thác IUU, không vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài. Đôn đốc chủ tàu khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định... Đồng thời, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu.

Mới nhất
x
Bàn giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO