Ngày 2/11, tiếp tục Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở Trung ương, các địa phương).
DỰ ÁN CẤP BÁCH CHẬM GIẢI NGÂN DO NGUYÊN NHÂN BẤT KHẢ KHÁNG
Về báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và dự kiến Kế hoạch năm 2024, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã có phát biểu nêu ý kiến liên quan đến nội dung Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân 98,533 tỷ đồng kế hoạch vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 chưa giải ngân hết của Dự án kè sông Nậm Mộ, đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) sang năm 2024.
Trên diễn đàn Quốc hội, vị đại biểu Đoàn Nghệ An cho biết: Kỳ Sơn là huyện biên giới, miền núi cao của tỉnh Nghệ An, là một trong những huyện khó khăn nhất của cả nước với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủ phủ của huyện Kỳ Sơn là thị trấn Mường Xén, nằm dọc theo Quốc lộ 7A và hai bên bờ sông Nậm Mộ. Do đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn, lòng sông, suối ngắn và hẹp dẫn đến lũ trên lưu vực tập trung nhanh và mạnh, đặc biệt là khi xảy ra mưa lớn trên toàn lưu vực và kết hợp xả lũ của các thuỷ điện trên thượng nguồn.
“Hàng năm, lũ trên lưu vực sông Nậm Mộ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, làm sạt lở, hư hỏng nhiều đoạn đường trên Quốc lộ 7A- tuyến giao thông huyết mạch nối các huyện phía Tây của tỉnh Nghệ An và nối với nước bạn Lào qua cửa khẩu Nậm Cắn. Chính vì vậy, Dự án đầu tư xây dựng kè sông Nậm Mộ đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén là hết sức cần thiết”, đại biểu Thái Thị An Chung nhấn mạnh.
Ngày 22/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý cho phép UBND tỉnh Nghệ An được sử dụng 100 tỷ đồng, trong tổng số 150 tỷ đồng đã được hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 theo Quyết định số 2266/QĐ-TTg ngày để bố trí cho Dự án kè sông Nậm Mộ, đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An). Như vậy, thời gian thực tế để Dự án được phân bổ vốn, hoàn thiện thủ tục đầu tư và triển khai thực hiện chỉ còn khoảng 9 tháng.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định phân bổ kinh phí để thực hiện Dự án, trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. UBND huyện Kỳ Sơn đã triển khai các bước để thực hiện đầu tư, đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Tuy nhiên, đêm ngày 1 và sáng 2/10/2022 một trận lũ quét kinh hoàng đã xảy ra trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Chỉ trong phút chốc, một phần của xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén đã biến thành bình địa với ngổn ngang bùn, đất, đá. Hình ảnh tang thương của bản làng đã được thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Hậu quả của trận lũ quét đã dẫn đến thay đổi lưu vực lòng sông Nậm Mộ nên phương án thiết kế khả thi do UBND huyện Kỳ Sơn trình thẩm định trước đó không còn phù hợp với hiện trạng hai bên bờ sông nơi triển khai dự án”, vị đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu và cho biết thêm: “Nếu triển khai như phương án cũ thì khó đạt mục đích và gây lãng phí nguồn vốn”.
Vì vậy, các đơn vị liên quan phải khảo sát lại hiện trạng, đánh giá lại tính chất phức tạp của dòng chảy, mức độ nguy hiểm của lũ ống, lũ quét trong bối cảnh biến đổi khí hậu để đưa ra phương án thiết kế mới.
Theo đại biểu, đây chính là nguyên nhân khách quan, là sự kiện bất khả kháng không thể lường trước được cho nên đến hết năm 2022, Dự án mới giải ngân được 1,465 tỷ đồng (gần 1,5% số vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 bố trí cho dự án).
“Đến nay, mọi thủ tục chuẩn bị đầu tư đã hoàn thành, nếu được kéo dài nguồn vốn thì chắc chắn dự án sẽ hoàn thành trong năm 2024”, đại biểu Thái Thị An Chung khẳng định, đồng thời thay mặt cử tri cảm ơn và đề nghị Quốc hội chấp thuận đề xuất của Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và tiếp tục giải ngân số vốn còn lại cho Dự án này sang năm 2024.
“Trong trường hợp không thể kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân số vốn còn lại, chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, xem xét bố trí nguồn dự phòng năm 2023 để dự án được tiếp tục thực hiện và hoàn thành, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân địa phương”, vị đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu.
Vì đây là Dự án hết sức cần thiết và cấp bách để hạn chế hậu quả của thiên tai lũ lụt, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân, bảo vệ các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trên địa bàn; đồng thời, việc thực hiện Dự án này cũng sẽ góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn huyện miền núi nghèo như Kỳ Sơn.
ĐỀ NGHỊ THÍ ĐIỂM TÁCH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ TÁI ĐỊNH CƯ, GPMB THÀNH DỰ ÁN ĐỘC LẬP
Trước đó, nêu ý kiến về đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Thái Thị An Chung thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội.
Theo đại biểu có 3 kết quả nổi bật, đó là sự đồng thuận, thống nhất cao từ Trung ương đến địa phương về chủ trương đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài của giai đoạn trước.
Giai đoạn này, cả nước đã giảm gần 5.000 dự án khởi công mới, riêng Nghệ An giảm gần 70% số lượng dự án so với giai đoạn 2016-2020; nguồn lực được tập trung bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cấp bách, đầu tư hệ thống các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình lớn, quan trọng theo hướng đồng bộ, có tính kết nối, lan toả, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Tiếp đó là sự quyết liệt trong điều hành thực hiện kế hoạch. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. “Các đoàn giám sát của Quốc hội, đoàn công tác của Chính phủ được thành lập để tháo gỡ những "nút thắt", "điểm nghẽn", góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công”, đại biểu Thái Thị An Chung nhận định.
Cùng với đó là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xây dựng kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công với việc ngày càng hoàn thiện 2 hệ thống phần mềm, là Hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu Quốc gia về đầu tư công và Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, bảo đảm việc xây dựng kế hoạch công khai, minh bạch, hiệu quả.
Chính vì vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực. Nhiều dự án trọng điểm được hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 vẫn còn tồn tại, hạn chế và theo vị đại biểu Đoàn Nghệ An thì vướng mắc nhất và chậm được tháo gỡ nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng.
Do đó, cùng với việc sửa đổi hệ thống pháp luật về đất đai, đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn TP. Hồ Chí Minh và các ĐBQH đã phát biểu là kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thành việc nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét quyết định việc thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để thực hiện ở một số địa phương.