Mộc mạc làng gốm Trù Sơn
Làng Trù Sơn, còn gọi là làng Nồi, xưa thuộc Trù Ú, cách thị trấn Đô Lương 20km về phía đông nam, là một làng nghèo với nguồn thu chính từ nghề trồng lúa. Người Trù Sơn gọi nghề gốm của mình là nghề "vắt đất làm nồi", và có lẽ họ chẳng bao giờ nghĩ có ngày mình lại được ra Hà Nội để "trình diễn" cái công việc nhà nông "quê mùa" ấy trước người dân thủ đô, các cháu học sinh và cả du khách nước ngoài.
Anh Trần Doãn Hùng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đô Lương (Nghệ An) nói: "Họ rất vui vì đây là lần đầu tiên được ra Hà Nội, "biểu diễn" cách làm nồi cho đông đảo người dân thủ đô xem, lại còn được thăm lăng Bác, được "lên ti vi" nữa".
Có thể hình dung về niềm vui ấy khi nhìn những người nông dân nhỏ bé, đen đúa với giọng nói mang âm sắc nằng nặng nhưng khuôn mặt rạng rỡ nụ cười, tận tình hướng dẫn các thao tác làm gốm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trung tuần tháng ba vừa qua.
Những chiếc nồi gốm đủ loại to nhỏ được chị Hương, chị Liên, chị Thái -những "nghệ nhân" của làng - loang loáng bày ra trước mắt mọi người. Các thao tác tạo dáng sản phẩm gốm Trù Sơn khá đơn giản nhưng đòi hòi sự nhuần nhuyễn và khéo léo. Có lẽ vì vậy, ở Trù Sơn chỉ có phụ nữ đảm đương công việc này. Chị Thái cho biết, con gái lên mười ở làng đã bắt đầu học làm nghề gốm, khoảng 13, 14 tuổi đã là một người thợ thành thạo.
Khác với Phù Lãng hay Bát Tràng, người thợ gốm Trù Sơn không để cả khối đất lên bàn xoay, mà dùng đất đã nhào nhuyễn vắt theo hình con chạch mà họ gọi là rói để ghép nối từng phần.
Tất cả các công cụ làm gốm cũng chỉ gồm một cái bàn xoay, vài miếng giẻ nhỏ và những khoanh nứa mỏng (gọi là khót) để tạo dáng và làm nhẵn. Vật liệu dùng để nung gốm chỉ là lá cây, có khi là rơm rạ.
Vất vả nhất là khâu lấy đất và làm nhuyễn đất, thường do đàn ông đảm nhiệm, bởi họ phải đến tận làng Hội Yên (Nghi Văn, Nghi Lộc) cách Trù Sơn 10km mới có loại đất sét để làm gốm.
Cũng theo một câu chuyện mà người già ở làng thường kể thì nghề làm nồi có nguồn gốc từ Nghi Lộc (có lẽ là nơi người Trù Sơn thường sang lấy đất). Rằng, ngày xưa, có người con gái ở nơi ấy về Trù Sơn làm dâu. Theo luật, nghề chỉ truyền cho con dâu chứ không truyền cho con gái. Nhưng bà mẹ của cô gái khi đến Trù Sơn thăm con, thấy cuộc sống vất vả khó nhọc quá, đành bí mật truyền lại cái nghề này. Nhưng giờ đây ở Nghi Lộc, nghề làm gốm đã bị mai một. Theo khảo sát của các cán bộ Bảo tàng Dân tộc học, hiện nay ở miền Trung chỉ còn Trù Sơn là giữ được nghề làm nồi truyền thống này.
Anh Đoàn Văn Nam, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nghệ An cho biết, theo những tài liệu mà anh có được, thì nghề làm gốm có ở Trù Sơn từ đời Trần, khoảng thế kỷ 13. Còn anh Nguyễn Văn Hứa (55 tuổi, xóm 10, Trù Sơn - một trong những gia đình lâu năm làm gốm, vợ anh là Phạm Thị Liên cũng ra Hà Nội trình diễn kỹ thuật làm gốm lần này) thì nói: khi anh lớn lên, ông nội anh đã nói nghề gốm có từ lâu đời rồi.
Thực ra, không ai biết chính xác cái nghề "vắt đất làm nồi" có ở Trù Sơn từ thời nào, nhưng mọi người đều chắc chắn một điều rằng vì nghèo khó, vất vả mà có nó. Ở một nơi khí hậu khắc nghiệt, bốn bề chỉ có đất, người nông dân đã biết tìm cách tạo ra từ hòn đất những sản phẩm phục vụ cho đời sống sinh hoạt của mình, sau đó mới nghĩ đến chuyện mang đi bán. Mỗi sản phẩm làm ra cũng chỉ bán với giá từ 1 đến 5 nghìn đồng, nhưng từ bao đời nay, họ vẫn sống dựa vào nghề. Bà Lê Thị Thuỷ (Thượng Giáp, Trù Sơn) nói: "Quê tui không có nghề ni thì chết đói".
Đến nay, cuộc sống của dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn vất vả. Và cái nghề của tổ tiên để lại cứ thế mà tồn tại từ đời này qua đời khác, không cần một bí quyết gì thật đặc biệt, cũng chẳng cần vốn liếng gì to tát. Tuy vậy, đó lại là một sản phẩm hết sức đặc trưng của văn hóa nơi đây, của những con người xứ Nghệ nổi tiếng vì khắc khổ và hồn nhiên chất phác.
Vươn tới một "đẳng cấp" cao hơn?
Sản phẩm gốm Trù Sơn chủ yếu là nồi nhưng khá đa dạng. Có khoảng 30 loại nồi, từ nồi to nấu nước, nồi thường nấu cơm, nồi nhỏ kho thịt cá, đến nồi đình gánh nước, ủ giá đỗ, hông xôi, nấu rượu, rồi các loại chảo rang, siêu sắc thuốc… Xưa kia còn có cả nồi to đựng hài cốt lúc cải táng, các loại ống nhổ, áo chai để cất rượu vang, bù đựng nước mát. Ngày nay, các nghệ nhân cũng đã mày mò tạo ra một vài loại sản phẩm mới như giỏ treo phong lan, ống đựng tiền tiết kiệm khá độc đáo...
Gốm Trù Sơn như một cô gái quê chưa hề được trang điểm, không biết làm dáng nhưng lại có những nét duyên ngầm. Đặc điểm khá riêng biệt của dòng gốm này là đơn giản, thô mộc, không men tráng và hoàn toàn không có dấu hiệu của nghệ thuật trang trí. Tuy nhiên, gốm Trù Sơn có những ưu điểm rõ rệt về độ mỏng và nhẹ. Ông Lê Ngọc Hân (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, với độ mỏng lý tưởng đó cùng độ thấm nước gần như không có và thành phần xương đất tốt, gốm Trù Sơn có đầy đủ tố chất để vươn lên một đẳng cấp cao hơn, tạo nên những sản phẩm gốm nghệ thuật.
Tìm cho gốm Trù Sơn một hướng đi để phát triển đến một đẳng cấp cao hơn chỉ mới là ý tưởng của những nhà chuyên môn. Còn đối với các cán bộ văn hóa- thông tin huyện Đô Lương cũng như tỉnh Nghệ An thì chỉ mong sao gìn giữ được những nét duyên mộc mạc nguyên sơ của nó, mà sản phẩm vẫn bán được đều đều, để người dân yên tâm mà không bỏ nghề.
Anh Hứa cũng cho biết, thời gian gần đây, "thị trường" của gốm Trù Sơn không chỉ từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, mà còn đến tận Hải Phòng, Nha Trang, Bình Định. Và năm 1996, đã có một chuyến hàng xuất sang Đan Mạch.
Tuy nhiên, do sự phát triển ồ ạt của đồ nhôm, đồ nhựa, số lượng sản phẩm của Trù Sơn cũng ngày càng hạn chế. Trước đây có khoảng từ 80-90% người theo làm nghề gốm, thì hiện nay chỉ còn khoảng 20-30%. "Bọn trẻ lớn lên chỉ lo đi khỏi làng để làm ăn thôi, giờ chỉ còn người già chẳng biết làm gì nữa thì làm nồi vậy, trước là để kiếm thêm đôi đồng, sau để giữ cái nghề tổ tiên để lại". Thế nhưng anh Hứa cũng như chị Liên, chị Thái, chị Hương - những người thợ gốm lâu năm ở Trù Sơn, đều tin tưởng rằng, nghề gốm nơi đây sẽ được giữ gìn mãi mãi.
Báo Nhân dân