Thành phố Đỏ có gì lạ?
Vinh còn nhiều khoảng đất trống dành cho những kế hoạch mai sau. Công viên trung tâm đang được xây dựng. Sẽ có một tượng đài lớn về Bác với chiều cao gần 18 thước trên quảng trường Hồ Chí Minh. Tượng đài sẽ có vẻ đẹp uy nghi mà hiền từ gần gũi khi Người về với quê hương. Công trường đang gấp rút đẩy nhanh mọi công việc. Tượng hướng về phía Đông Bắc, lưng tựa vào núi Chung, núi đang được đắp cao dần từng ngày mô phỏng ngọn núi của quê hương Bác. Chất liệu đá hoa cương của vùng mỏ đá quý Bình Định sẽ lấp lánh vẻ đẹp, Viện Mỹ thuật TP.HCM đảm nhiệm thiết kế sẽ hoàn thành công việc vào đầu tháng 5 để vào ngày sinh nhật Bác chúng ta sẽ có một pho tượng to đẹp nhất nước về Nguời. Về Nghệ An để được thăm quê Bác, ngắm cảnh non nước của một vùng đất thiêng, chiêm ngưỡng pho tượng đẹp về Người cũng dễ làm lâng lâng lòng du khách.
Đất Nghệ có nhiều thứ hấp dẫn: Cam Xã Đoài nổi tiếng, nước chè xanh đượm chát và thơm hương, cà Nghệ dòn, miệng cắn, tai nghe, bưởi Nghệ ngọt dịu, thày đồ xứ Nghệ cho chữ trên nhiều vùng đất nước. Đất Nghệ nghèo nhưng việc học nổi tiếng như dân gian đúc kết: “sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa / ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà”. Nhà văn Đặng Thai Mai đã có nhiều trang viết về Nghệ An và con người Nghệ An “Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến cá gỗ”. Có lẽ nổi nhất của con người vùng đất này là cái chí hướng theo đuổi đến cùng cái đích để lập nghiệp, lập thân. Người xứ Nghệ thường mạnh mẽ và đôi khi cực đoan. Giáo sư Bùi Văn Nguyên người gốc Nghệ có lần nói trong một cuộc họp: “Khi hai cán bộ Nghệ An tranh luận với nhau thì người tỉnh khác không nên tham gia vào”. Nhà thơ Minh Huệ lại nhận xét “Người Vinh kiên nghị, cương trực nhưng cũng rất lịch thiệp”. Chất Nghệ đấy cũng bộc lộ khá rõ ở lớp trẻ. Học trò xứ Nghệ nổi tiếng một thời. Chuyện kể một lần trên toa tàu hạng tư thời Pháp thuộc, có một anh học trò Xứ Nghệ ra Hà Nội thi. Anh mặc bộ đồ nâu cũ, ngồi trên đôi guốc mộc ở đầu toa để hóng mát. Người soát vé trên tàu hỏi: “sao lại ngồi đây? vướng lối đi”. Anh trả lời: “tôi ngồi cho mát”. “Có vé không?”. Anh trình tấm vé về Hà Nội và bị hỏi tiếp: “Ra Hà Nội làm gì?” - “Tôi đi thi Tú tài”, nói rồi anh đưa cả tấm thẻ học sinh cho người soát vé xem. Thầy ký tàu ngơ ngác trước anh học trò nghèo với khuôn mặt còn non choẹt mà đã dám đi thi Tú tài. Ông nói khẽ: “mời cậu vào hàng ghế trong ngồi”. Xứ Nghệ là đất có truyền thống cách mạng. Vinh được mệnh danh là “Thành phố Đỏ”. Làm cách mạng, cán bộ Nghệ An cũng khá thành đạt về quan quyền, quan chức. Chỉ riêng một làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu cũng đã quy tụ bao nhiêu nhân tài, giàu về số lượng, đạt về chất lượng. Truyền thống của một vùng đất ảnh hưởng và tạo nên truyền thống của gia đình. Nhiều gia đình ở xứ Nghệ thuộc gia đình cổ, có hệ gia phả lâu đời cha truyền con nối theo một chí hướng, một nghề nghiệp, một đạo lý, một ngôn từ. Nhiều người Nghệ ngoài ngôn ngữ chung của cộng đồng còn nhớ kỹ tiếng nói của địa phương. Gặp người cùng quê họ có dịp nói với nhau thoải mái, sung sướng, tiếng quê gốc của mình khiến những người xung quanh ngơ ngác, không hiểu gì. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, theo dọc đường Trường Sơn thỉnh thoảng lại nghe ríu rít tiếng các cô gái Nghệ An chốt ở những trọng điểm bảo vệ đường.
Trở lại với việc học hành. Ngày nay học trò xứ Nghệ vẫn có nhiều người giỏi nhưng không đều như trước đây. Có người nhận xét Nghệ An bây giờ lại nổi lên về môn bóng đá và có năm giành hết các giải bóng đá thiếu niên, thanh niên, chuyên nghiệp. Thành phố này nhiều lúc sôi lên trong những trận đấu quyết liệt. Sân bóng Vinh được gọi là “chảo lửa” các đội bóng tỉnh bạn về đây phải có thần kinh thép mới trụ được và mong dành thắng lợi. Có một chuyện kể rằng ở một khoa văn ở một trường đại học thầy giáo trong giờ sinh hoạt có hỏi vui các em sinh viên: Hãy kể tên 4 nhà văn có họ và đệm Nguyễn Huy. Phần lớn sinh viên chỉ kể được 3 người là Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Huy Thiệp và còn thiếu Nguyễn Huy Lượng. Các em hãy kể tiếp 4 họ Văn Sỹ khá nổi tiếng nhưng không viết văn. Nhiều em lúng túng, nhưng một em ở Nghệ An reo lên: 4 văn sĩ này ở Thành phố Vinh. Đó là bác Văn Sĩ Chi và bác Văn Sĩ Hùng, Văn Sĩ Thuỷ, Văn Sĩ Sơn ạ. Đúng thế. Rất khó dự đoán một miền đất theo tháng năm sẽ có gì nổi lên, phất lên và truyền thống nào sẽ sa sút đi. Việc học ở Nghệ An đang hưng thịnh trở lại. Trường đại học Vinh là một cơ sở đại học bề thế ngày càng khang trang, nề nếp. Tôi đã có dịp giảng dạy, nói chuyện ở khoa văn nhiều trường ở miền Trung như Đại học tổng hợp Huế, Đại học sư phạm Quy Nhơn. Các trường đều rất đẹp, nổi lên như trung tâm văn hoá thành phố. Ở trường Đại học Vinh dường như đã thành một quy định về trang phục cho sinh viên vào sáng thứ hai và ngày lễ. Từng đoàn nữ sinh áo dài trắng thướt tha trong khu trường làm cho khung cảnh nên thơ hơn, nhất là trong những ngày gió Lào quạt lửa. Qua nhiều thời kỳ chất lượng giảng dạy và học tập của trường vẫn được giữ vững. Riêng khoa Văn có một thời rất nhiều thầy giáo giỏi quy tụ ở đây như các giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Khắc Phi, Lương Duy Thứ, Phùng Văn Tửu... Kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đa số các thầy chuyển về Hà Nội và là giáo sư đầu ngành ở nhiều trường đại học. Tre già măng mọc, một thế hệ mới lại kế tục công việc của người đi trước. Khoa Ngữ văn hiện có trên 10 tiến sĩ ở tuổi đời còn trẻ còn nhiều sức lực để sẵn sàng bứt phá trong nghiên cứu khoa học và đào tạo. Các thầy là người chỉ đường và là điểm sáng tin cậy cho hàng ngàn sinh viên của khoa đang miệt mài học tập ngày đêm.
Vinh cũng là đầu mối giao lưu của nhiều tuyến giao thông. Ở điểm trung lộ này khách dừng lại nghỉ trên hành trình Bắc Nam. Từ Huế ra xe dừng ở lại Vinh để ngày mai lại đi tiếp. Từ Hà Nội vào xe đến Vinh cũng gần hết một chặng đường. Xe từ rừng núi miền ngược về cũng dừng nghỉ tại Vinh trước khi vào Nam hay ra Bắc. Một cán bộ ngành giao thông nói với tôi “Vinh sẽ là điểm du lịch nhưng hiện nay là điểm dừng, điểm nghỉ của các tuyến đường”. Có gần 50 - 60 khách sạn lớn nhỏ trong toàn thành phố. Sang trọng hơn cả là Kim Liên và Phương Đông, những khách sạn gắn ba sao. Ngoài ra có nhiều khách sạn bậc trung như Hữu Nghị, khách sạn Việt - Lào, Bình Minh, Thành Vinh, Thanh Bình... các khách sạn có chiều cao khiêm tốn từ 3 đến 4 tầng. Riêng Phương Đông đến 14 tầng. Phương Đông nằm ở đầu một đại lộ bên cạnh Công viên trung tâm. Từ đây có thể nhìn bao quát thành phố. Tầng 14 là cao điểm rất thuận lợi để ngắm cảnh 4 phương. Phương Đông đã bố trí tầng 14 là địa điểm bán cà phê và các loại trà ngon. Điểm hội tụ thú vị này thu hút quá đông khách. Từ chập tối từng đoàn người nhất là các em nhỏ rủ nhau lên tầng cao nhất của Phương Đông để ngắm cảnh thành phố. Không cần uống cà phê, chỉ đi thang máy chạy suốt 14 tầng đã thoả thích rồi. Hết tốp này đến tốp khác, tấp nập, ồn ã. Khách sạn lại phải chuyển phòng cà phê xuống tầng 2 và quả nhiên là chỉ còn lại loại khách chính hiệu. Khách sạn Phương Đông cũng như Kim Liên có nhiều buồng đẹp. Phương Đông đã được đón các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước rồi đón khách quốc tế về thăm thành phố. Tôi cũng đã có dịp đôi lần nghỉ ở khách sạn Phương Đông. Buồng sạch, yên tĩnh, thoáng rộng nên có thể làm việc rất khuya trong không khí của một thư phòng.
Việc đi lại trong thành phố cũng thuận lợi. Thành phố có ba hãng Taxi, thêm xe ôm, xích lô, ít có sự tranh chấp va chạm ngoài đường phố. Cũng khó dự đoán được bao giờ thành phố có thể xảy ra chuyện tắc đường. Thành phố rộng trải ra nhiều hướng.
Về ẩm thực người xứ Nghệ có khẩu vị riêng. Nhà thơ Huy Cận nhận xét rằng người xứ Nghệ ăn đặm. “Đã trăm nghìn thế hệ. Vẫn ưa nhút tương cà”. Con gái Hà Nội mà lấy chồng Nghệ An thường xảy ra hiện tượng mỗi bữa ăn có hai bát nước chấm - nước mắm cho chồng và bát dấm nhỏ cho vợ. Tình thế ấy có thể kéo dài trong nhiều năm vì khi đã nhiễm khẩu vị ăn mặn sẽ thành thói quen suốt đời. Có lẽ cái gốc tạo nên thói quen của khẩu vị này một phần là do cảnh sống nghèo khổ lâu đời. Ngày nay chuyện ăn uống ở thành phố Vinh đã thay đổi nhưng vẫn kết hợp được lối ăn cổ truyền với hiện đại. Ruốc và cà pháo Nghệ vẫn có mặt trong những bữa ăn sang trọng. Quán ăn Ngọc Châu nổi tiếng với món cá. Các loại cá dưa, cá mú xếp trên bàn cạnh lối vào để khách chọn tại chỗ. Trong thực đơn về cá thì cá hấp dưa là ngon hơn cả. Cá to, thơm thịt lại thấm vị dưa quê, hợp với khẩu vị truyền thống. Thực chất cũng là món cá kho dưa được nâng cao. Mỗi xứ sở phương Đông hình như đều có một thứ dưa truyền thống rất được ưa chuộng. Hàn Quốc có món kim chi, Trung Quốc có các loại cala thầu, Nhật Bản có món dưa mà văn sĩ DazaíOsmu đã tả trong ký ức: “Ngon, ngon quá nhỉ. Khi đã quen với cái ngon của dưa cải thì không thích ăn các món khác nữa. Rau má, răng như sát vào nhau đáp lại”. Còn ở Việt Nam vại cà, vại dưa là món dự trữ chiến lược của nhiều gia đình. Các quán cháo lươn tấp nập người. Con lươn Nghệ An cũng không khác gì con lươn xứ người, nhưng có một bí quyết đơn giản: cháo rất nóng, gạo thơm, gia vị cay thích hợp và đặc biệt là cháo ít lươn nhiều.
Món ăn ở khách sạn cũng theo phương châm này. Phó giám đốc phụ trách ăn uống của khách sạn Phương Đông cho tôi biết khách sạn của ông chú ý tạo đặc sản dân tộc. Hai món ăn được khách thích đều có phong vị truyền thống kết hợp với hiện đại là cơm lá sen và bê thui. Cơm lá sen được làm từ gạo ngon nấu dẻo tơi. Về gia vị có hành phi, muối vừng, hạt sen hấp trứng, dò thái nhỏ cộng với một ít xúc xích, lạp sườn. Vấn đề quan trọng là liều lượng gia giảm thích hợp của các thành phần. Tất cả được gói trong lá sen và đem hấp nóng vừa đủ độ khi khách ăn. Món bê thui có phân cầu kỳ hơn. Phải chọn 1 tảng thịt bê non tươi nặng vài cân đem ngâm vài giờ trong bia. Sau đó vớt ra ráo nước ướp gia vị hương thơm, lá thơm, rồi nướng trên than nóng. Phải chú ý kỹ thuật nướng, vừa nóng vừa phết mỡ theo lửa cho ròn, nhưng không khô, thịt vẫn mềm tươi và thơm. Tôi hỏi: như thế cũng giống món bít tết của Tây rồi. Dạ không, nó là món đặc sản dân tộc, chắc là khoái khẩu và thú vị hơn.
Về Vinh dễ nhận thấy thành phố đang trên đà phát triển. Vinh sẽ trở thành một đô thị của những tuyến du lịch. Từ Vinh có thể về với Cửa Lò, điểm nghỉ mát ngày càng được chuộng. Bãi biển trải dài hàng chục cây số, cát trắng mịn, nước trong, thức ăn rẻ như những lời mời gọi ân cần. Từ Vinh về thăm làng Sen quê Bác miền đất thiêng thu hút tâm trí và lòng yêu mến bao người trên đất nước. Phương châm “Trăm nghe không bằng một thấy” sẽ tạo hiệu quả biết bao khi về quê Bác thăm căn nhà tranh tuổi nhỏ của Người, thăm làng quê bình dị đã sản sinh người hiền cho đất nước. Trong khoảng bán kính mười lăm đến hai chục cây số Vinh cận kề với nhiều vùng du lịch hấp dẫn. Viện trưởng Viện Văn học Hung Ga Ri, giáo sư LaszloSjoreyi khi đến Vinh đã nhận xét: “Vinh là thành phố đẹp, không gian thoáng, vỉa hè rộng, các tuyến giao thông năng động. Thành phố này giàu tiềm năng”. Và ông muốn được đến thăm quê hương tác giả truyện Kiều cuốn sách đã được Phó giáo sư Trương Đăng Dung dịch qua tiếng Hung. Đến quê hương Nguyễn Du ông nhận xét: “Cảnh vật trong Truyện Kiều mang nhiều nét của quê hương Nguyễn Du từ bãi biển, cồn cát đến cảnh vật chiều hôm của làng quê. Quê hương Việt Nam có vẻ đẹp cổ tích”.
Vinh là một thành phố trẻ. Đa phần trong số ba chục vạn dân là công dân trẻ. Họ là sinh viên, thợ thuyền, người buôn bán... Thành phố đã có nhiều nhà máy cỡ trung, như các nhà máy đóng tàu, nhà máy gỗ, ép dầu, xi măng... cần có thêm nhiều công trình, nhiều nhà máy đầu tư vào Vinh để ngày mai trở thành một thành phố công nghiệp. Buổi sáng tinh mơ đi từ thành phố Vinh về Cửa Lò còn kịp tắm biển trong ánh sáng ban mai. Thành phố giàu tiềm lực, nhiều ánh sáng và lộng gió này luôn hướng mọi người nghĩ về phía trước, nghĩ đến tương lai.
Giáo sư: Hà Minh Đức - Ảnh: P.V