Hoài Thanh với Quê hương xứ Nghệ
Tôi còn nhớ, hồi tôi mới học những năm đầu của bậc tiểu học ở Huế, nhà trường có quy định: học sinh phải đề tên, năm sinh, quê quán ở "ê-ti-ket" (nhãn vở). Ở mục quê quán, cha tôi chỉ cho tôi đề: "Làng Kim Cẩm, tổng Kim Nguyên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An". Địa danh ấy là quê nội của tôi, nơi cha tôi cất tiếng khóc chào đời. Sau này làng quê ấy còn có tên gọi là thôn Hoàng Các. Hiện nay là xóm 22, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc.
Trong bài bút ký "Về làng" (1) Hoài Thanh nhớ lại ấn tượng từ xưa về làng quê của mình: "Ngày xưa, tôi vẫn nghĩ tỉnh tôi là một tỉnh vào loại nghèo nhất trong cả nước, huyện tôi vào loại nghèo nhất tỉnh và làng tôi lại vào loại nghèo nhất huyện". Trước Cách mạng tháng Tám rồi tiếp đến là hai cuộc chiến tranh cùng với bao biến thiên lịch sử khác vùng đất ấy có lẽ vẫn bị xếp cuối bảng của sự đói nghèo.
Nhưng cái đói nghèo không khi nào có thể xoá đi, làm tan biến đi ý chí vượt qua các thử thách khốc liệt của đất trời và lịch sử, không thể làm cho con người nơi đây cúi đầu xuống cam chịu số phận thiệt thòi. Ngược lại, con người nơi đây đã ngẩng cao đầu đầy khí phách xứ Nghệ, cống hiến cho đất nước, cho lịch sử, cho văn hoá dân tộc không ít anh hùng, liệt sĩ, hiền tài... được nhiều thế hệ con người Việt Nam ghi nhớ.
"Đầu thế kỷ này (thế kỷ 20-T.S.) có những cơn gió Lào trắng đêm, trắng tóc, liên tiếp ném một cách vô hồi kỳ trận những đoàn ngựa chiến hung hăng như ngựa Mông Cổ trên những cánh đồng làng nung nấu trên 100 độ và đốt cháy các nhà ngói cũng như nhà tranh, và những đêm ấy thì người ông nội của chúng tôi và Hoài Thanh từ sau phong trào Văn thân đổ vỡ lại suốt đêm thắp hương viết nốt tập Nam sử diễn ca (Thử đốt lò hương cho đến sáng - Để xem mưa gió đến bao giờ?).(2).
Năm 1909, ngày 15 tháng 7 trong cơn nóng rát của gió Lào, Hoài Thanh đã dược sinh ra từ làng quê nghèo ấy. "Trong nhiều năm tháng của đầu thế kỷ, cái mà tôi gọi là con người của Nghệ - Tĩnh đã được ra đời qua một sự trộn lẫn, sự nhào nặn và nung nấu vô cùng liên tục, từng giờ phút bởi sự nuôi dưỡng, sự giáo dục, nói chung là sự sống vô hồi vô hạn theo một công thức như đã định sẵn là sự kết hợp... Và khi ấy, những người mẹ và người vợ Việt Nam đã kẻ trước người sau đứng lên đánh bại quân man di kia (bọn xâm lược-TS.) ở những trận chiến Thermophyles mãi mãi anh hùng" (3).
Quê hương đã ban cho Hoài Thanh "một số vốn riêng, rất đặc biệt như giàu mọi hiểu biết về vườn ruộng xóm làng, thành thạo cái nghề đánh chim, thả diều sáo, tách từng chân rạ để bắt cá rô, trèo cây lấy tổ chim, đương trưa hè vào các bờ ao sục sạo tìm hoa dẻ và cuối cùng xin cho phép gọi là hạt vốn của thơ để sau này nếu gặp đất tốt đem gieo thì cũng có thể mong vun xới thành thơ được: Chị An ơi! Chị có thấy gì không? Chị chỉ thấy mặt trời lầm lụi, bãi cỏ xanh rì mà thôi!".
Như thế hai đứa tôi
Như thế Hoài Thanh
Như thế những đứa trẻ ra đời trong những năm quốc phá gia vong" (4).
Hoài Thanh gắn bó với làng quê cho đến năm bước vào tuổi mười chín. Thời tuổi thơ, Hoài Thanh ít nhiều có tham gia công việc ruộng vườn khi còn học trường làng. Đến khi học lên bậc cao đẳng tiểu học ở Vinh, ông phải vừa làm gia sư, vừa mở lớp học hè dạy thêm để tự nuôi mình và giúp đỡ gia đình. Năm 1928, ông ra Hà Nội học Trường Bưởi (bây giờ là Trường Chu Văn An-TS.). Trước đó, năm 1927, khi đang học ở Vinh ông đã tham gia phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu và lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Và, theo Nguyễn Đức Bính - người anh con chú bác ruột học cùng lớp cùng trường với Hoài Thanh lúc đó - kể lại trong bài viết tôi có trích một số đoạn ở trên rằng cậu học trò Nguyễn Đức Nguyên (tên thật của Hoài Thanh) luôn đứng đầu lớp và năm học nào cũng được nhận bằng danh dự của nhà trường. "Và một sáng người ta thấy một anh chàng học sinh hiền lành và sợ sệt trước thầy giám thị biến thành một kiểu lãnh tụ con con phát động lên một phong trào sôi nổi lôi cuốn từng học sinh trong trường cùng với mình thực hiện sống theo tinh thần dân tộc là: ăn, mặc, nói bằng đồ Việt Nam, kiểu Việt Nam, tiếng Việt Nam thay cho tiếng Pháp" (5). Chính vì những hoạt động yêu nước như vậy nên thời đi học ở Vinh, Hoài Thanh đã bị ghi trong học bạ: "Có đầu óc xấu, phải giám sát chặt chẽ" (6). Cùng năm 1927, khi còn học ở Vinh, Hoài Thanh tham gia Đảng cách mạng Tân Việt.
Học ở Trường Bưởi, Hoài Thanh tiếp tục sinh hoạt Đảng Tân Việt. Đầu năm 1930, Tân Việt bị vỡ. Hoài Thanh bị mật thám Pháp bắt giam ở Sở mật thám Hà Nội rồi bị giải về Vinh, giam ở Nhà lao Vinh. Hoài Thanh bị kết án 6 tháng tù treo nên được trở lại Trường Bưởi học tiếp. Một hôm mật thám Pháp khám ngăn tủ của Hoài Thanh thấy có sách chính trị chống đối nên chúng đuổi không cho học ở trường nữa. Hoài Thanh lại phải đi dạy học tư để tự nuôi mình và tự học cho đến khi thi đỗ tú tài Tây (lúc bấy giờ đã bị đuổi học thì không được thi tú tài bản xứ-TS). Giữa năm 1930, Hoài Thanh đi làm báo Phổ thông ở Hà Nội. Cùng ở toà soạn báo có nhà văn Ngô Tất Tố và người anh họ Nguyễn Đức Bính.
Những bài viết của Hoài Thanh có giọng chống đối chính quyền thực dân Pháp nên thường bị kiểm duyệt cắt bỏ. Lúc bấy giờ chủ trương của chính quyền thực dân là không kiểm duyệt các báo ra bằng tiếng Pháp. Vậy là Hoài Thanh bàn với chủ báo ra tờ Le Peuple (Nhân Dân) để tha hồ đả kích thực dân Pháp và tay sai. Đây là tờ báo tiếng Pháp đầu tiên ở miền Bắc. Báo bán rất chạy. Báo ra được 3 số, số 4 đang in thì có lệnh của Pháp trục xuất ông Nguyễn Đức Bính và Hoài Thanh. Cả hai bị giam ở Sở mật thám Hà Nội rồi bị giải về Vinh giao cho huyện và lý trưởng quản thúc tại quê nhà. Lúc ấy là cuối năm 1930, phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đang vào lúc cao trào. Hoài Thanh viết trong "Tự thuật": "Tôi ngơ ngác không hiểu gì hết (ý nói không hiểu phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh - TS). Tôi chỉ biết một điều: với cái án tù treo và cái án trục xuất, tôi có thể bị bắt và rất có thể bị giết. Lúc bấy giờ các đồn lính lê dương đóng dày đặc ở quê tôi, hàng ngày chúng vẫn giết người không cần lý lẽ gì hết. Lại thêm nạn đói đang hoành hành. Tôi lên Vinh kiếm việc làm. Tên Billet, chánh mật thám Vinh gọi tôi đến, gạ tôi làm tay sai cho nó. Tôi một hai không nhận. Ít lâu sau, tôi kiếm được một chỗ dạy học trong nhà một người Hoa kiều, chủ khách sạn Cọng hoà ở Vinh. Bùi Huy Tín, chủ Nhà in Đắc Lập ở Huế đi qua biết tôi có bằng tú tài mới thương lượng đưa tôi vào Huế làm nghề chữa mo- rát trong nhà in (1931)" (7).
Hoài Thanh làm thợ sửa mo-rát rồi dạy học tư, viết báo, viết cuốn Văn chương và hành động, viết Thi nhân Việt Nam suốt hơn 15 năm ở Huế. Cuối năm 1945, theo một sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ký ngày 10-10-1945) về việc thành lập Trường Đại học Văn khoa, Hoài Thanh được điều ra Hà Nội dạy đại học. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hoài Thanh từ Việt Bắc về quê đưa vợ con đi Việt Bắc cho đến 1955 mới trở về Hà Nội nhận các nhiệm vụ mới: Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật, Giáo sư Trường Đại học Sư phạm và Tổng hợp, Viện phó Viện Văn học, Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật, Chủ nhiệm Tuần báo Văn Nghệ,... Năm tháng trôi qua, nhiều lần Hoài Thanh chỉ được ghé qua làng quê chốc lát, dài là một đôi ngày, có khi chỉ là một vài giờ rồi phải đi ngay vì công việc. Nỗi nhớ làng quê vẫn đau đáu trong ông. Mãi đến năm 1961, ngót ba mươi năm, Hoài Thanh mới có dịp thật sự về làng một thời gian. Cảm xúc và ấn tượng chuyến về làng năm ấy đã được Hoài Thanh ghi lại đậm nét trong bài ký "Về làng" đăng lần đầu trên Báo Thống Nhất số 224 - ra ngày 15-9-1961. Hoài Thanh xúc động viết: "Chân tôi bước trên con đường làng cát mịn mà như đang đi ngược về quá khứ, một quá khứ xa thăm thẳm không những vì năm tháng mà còn vì những thay đổi lớn đã xảy ra.
Xa xa đã trông thấy những ngọn tre lơ thơ đàng sau khoảnh vườn cũ. Những ngọn tre ấy thân yêu biết mấy đối với tôi. Ngày xưa, những lán đầu tôi phải xa nhà lên tỉnh học, khi ngoảnh lại nhìn mấy ngọn tre đu đưa, nước mắt tôi cứ trào ra, không sao cầm lại được Trong đầu óc non trẻ của tôi hồi bấy giờ, giữa cuộc sống tràn đầy lạnh nhạt, gian dối và ác độc, chỉ nơi đây là có tình thương. Giờ đây, cuộc sống đã thay đổi và cách tôi nhìn cuộc sống cũng đã thay đổi, nhưng mấy ngọn tre kia trong lòng tôi vẫn có một vị trí riêng.
Tôi thuộc từng bờ tre, từng góc ruộng, từng chỗ ngoặt trên đường đi. Tôi bước vào mảnh vườn cũ. Ngôi nhà cũ không còn.Những cây cối thầy tôi trồng ngày trước lác đác cũng chỉ sót lại một vài cây.Nhưng lồng vào khung cảnh mới, tôi vẫn nhớ rõ như in tất cả những gì cũ. Tưởng như nhớ mà lại rõ hơn nhìn, hình ảnh ngày xưa mà đậm nét hơn cái cảnh đang bày ra trước mắt.Nhớ cây ổi bên bờ ao, nhớ cái giếng ở góc vườn mùa gió Nam tắm mát rượi, nhớ hàng dâm bụt ở ngoài ngõ, nơi đứa em vội chạy ra đón anh về để đưa anh cái kẹo bột, nhớ mấy cây thầu đâu (xoan) mỗi năm xuân về chúng tôi vẫn xâu hoa lại thành những chiếc cườm màu tím, nhớ mấy bụi hoàng tinh ở sau nhà thường có chim chắt làm tổ, nhớ cái giường tre nơi mẹ tôi mất, cái bàn đọc sách của thầy tôi, nhớ bao nhiêu nét mặt hiền lành, tội nghiệp".
Về lại giữa làng quê năm ấy, Hoài Thanh: "Tự nhiên tôi lại nói giọng của quê tôi, một giọng nói rất khó hiểu với địa phương khác vì chẳng những không phân biệt nặng ngã, hỏi sắc mà mới nghe tựa hồ như không có dấu nào phân biệt với dấu nào. Nhưng tôi thì nghe lại thấy nhẹ nhẹ thanh thanh".
Trong bài ký, Hoài Thanh ghi lại khá đậm nét những con người, cảnh đời cơ cực cũ ở làng quê thuở xa xưa với những cảnh người nghèo chết đói, cảnh bọn côn đồ đi đòi nợ, cảnh Tây đoan, Tây mật thám, lính lê dương hành hạ dân "dữ hơn cả đàn chó nhà giàu". Cùng với những cảnh thảm thương đó là cả một thế giới vô hình đầy những thánh thần ma quái đè nặng lên cuộc sống của những con người hiền lành, bất lực trước thời thế. Hoài Thanh viết: "Những bóng đen kia đã nặng đè lên cả một đoạn đời tôi, nhất là đã nặng đè lên sự suy nghĩ của tôi trong thời niên thiếu. Cho nên mặc dầu nhớ tiếc tuổi xuân, trăm nghìn lần tôi cũng không muốn trở về cuộc đời cũ... Nói rằng trên đường về quê, tôi tưởng như đang đi ngược về quá khứ, nhưng thật ra cũng bởi tôi vẫn còn mang cả quá khứ trong mình. Nhận thức của tôi đã đổi thay trên nhiều mặt. Nhưng đối với làng tôi, nhận thức của tôi cơ hồ vẫn y nguyên là nhận thức cũ. Có thể hình dung như tôi đã ngủ luôn một giấc ngủ ba mươi năm, nay bỗng tỉnh dậy thì cả một cuộc sống quanh mình đã hoàn toàn đổi khác".
Hoài Thanh đã trân trọng ghi lại trong bài bút ký những thay đổi tốt đẹp trong đời sống của làng quê mình dẫu thời ấy còn nhiều gian khó. Kết thúc bài ký, Hoài Thanh sung sướng ghi lại xúc cảm dạt dào khi về làng quê thân yêu của mình: "Cả cuộc sống tối tăm dày đặc trong hàng trăm năm, hơn nữa trong hàng ngàn năm, nay bỗng trở nên chan hoà ánh sáng. Chắc chắn là ở nhiều địa phương khác, những thành tích chúng ta giành được còn lớn hơn nhiều. Nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy sự nghiệp cách mạng kỳ diệu như khi tôi nhìn lại làng tôi"...
Giá như cha tôi được Trời cho trăm tuổi (sang năm 2009, Hoài Thanh tròn 100 năm sinh) tôi nhất định sẽ nắm tay ông để hai cha con cùng dắt nhau về thăm làng quê. Tôi tin rằng khi xuống ga Quán Hành, hai cha con tôi đi bộ một đoạn là tới nền Đền Hội cũ (bây giờ trên nền ấy là một trạm bán xăng) ông sẽ hỏi: "Cây đa và Đền Hội đâu rồi?". Chắc không chờ tôi trả lời, ông sẽ dục tôi: "Hai cha con ta đi vào nghĩa trang để thắp hương cho ông nội, tổ tiên, bà con trong họ Nguyễn Đức, ông bác Nguyễn Đức Công (nhà ái quốc, tham gia sáng lập Việt Nam quang phục hội, bị chính quyền thực dân Pháp xử tử cùng với chí sĩ Trần Hữu Lực ở trường bắn Bạch Mai, Hà Nội năm 1916. Hai cụ được chôn chung trong một mộ tại nghĩa trang họ Nguyễn Đức, chi cụ Hành tẩu. Cụ Nguyễn Đức Công là thân sinh ông Nguyễn Đức Bính -TS.) và em trai của con là Nguyễn Đức Kiên nhé". Tôi tin rằng sau khi thắp hương ở nghĩa trang dòng họ, cha tôi sẽ ghé vào nhà thờ họ, thắp hương và chắc chắn cha tôi sẽ đòi đi luôn vào trong xóm để thăm nền nhà và mảnh vườn xưa, trò chuyện cùng bà con cô bác và không ngớt lời bày tỏ sự vui mừng, sung sướng và ngạc nhiên về sự đổi mới mà ông không thể hình dung được dịp ông về làng hồi năm 1961!
Láng Hạ, Hà Nội, giữa tháng Tư - 2008
T.S
----------------------------
Tất cả các đoạn trích dẫn của các tác giả: Nguyễn Đức Bính (từ chú thích 2 đến chú thích 5 ), Hoài Chân (chú thích 6) và Hoài Thanh (chú thích 1 và 7) trong bài viết này tôi đều rút ra từ Hoài Thanh toàn tập (tập 3 và tập 4). Sách do Từ Sơn sưu tầm và biên soạn. Nhà xuất bản Vãn Học- Hà Nội-1999.
(1) Sđd. Tập 3, tr.928.
(2) Sđd. Tập 4, tr. 1035
(3) Sđd. Tập 4, tr.1036-l037
(4) Sđd. Tập 4, tr. 1038
(5) Sđd. Tập 4, tr. 1042
(6) Sđd. Tập 4, tr. 1025
(7) Sđd. Tập 4, tr.913.
Nhà văn Từ Sơn (Hà Nội)