Vấn đề phục hồi, tôn tạo di tích Văn Miếu Nghệ An
Là con dân xứ Nghệ, được biết Nghệ An có Văn Miếu ở Thành phố Vinh và tỉnh cũng đã có chủ trương phục hồi tôn tạo, ai cũng phấn khởi và tự hào về truyền thống hiếu học và trọng học của quê hương mình.
Di tích Văn Miếu chỉ còn lại bộ khung nhà
Tuy vậy, phục hồi tôn tạo nên như thế nào là câu hỏi cần được nghiên cứu thấu đáo. Không nên và không thể xây dựng một công trình văn hóa mới, tại một vị trí mới và áp đặt cho đó là một di tích lịch sử - văn hoá!
Tại di tích Văn Miếu, theo chúng tôi được biết, di sản còn lại duy nhất là một bộ khung nhà, nay công ty In Nghệ An đang sử dụnglàm nhà kho và khuôn viên Văn Miếuxưa chính là khu vực mà Công ty In Nghệ An đang sử dụng và một bộ phận thuộc khu dân cư xung quanh. Vậy thì việc phục hồi tôn tạo Văn Miếu phải từ di sản và khuôn viên này, không thể khác được.
Để làm được việc này cần có một nhóm các nhà khoa học, chuyên gia về lịch sử, văn hoá và nhân văn. Tiến hành khảo sát, thu thập các tài liệu lịch sử có liên quan (ảnh chụp, bản vẽ, mô tả) thông qua các tác phẩm hiện có như: Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn... vàý kiến các nhà nho, nhà sử học đương đại trong nước để lập luận chứng kinh tế kỹ thuật, thiết kế và dự án đầu tư một cách khoa học khách quan.
Trước hết, phải xác định di tích thuộc thời kỳ lịch sử nào? Nếu là 200 năm tuổi chắc chắn là thời Nguyễn; di sản còn lại (bộ khung nhà) có vị trí như thế nào trong di tích Văn Miếu (Nhà thờ Đức Khổng Tử hay Nhà bình văn thơ...), có bao nhiêu công trình, nội dung hình thức, kiến trúc và vị trí của nó trong khuôn viên...?
Kết quả khảo sát, các nhà khoa học phải thiết kế đầy đủ các công trình trên mặt bằng khuôn viên đúng nguyên mẫu của nó để trùng tu.
Từ kết quả khảo sát, chúng ta có thể có hai phương án lựa chọn:
- Một là thu thập được đầy đủ chứng cứ và luận cứ xác định, đây là một di tích lịch sử văn hóa có tầm cỡphạm vi ảnh hưởng cấp quốc gia, thì phải "hy sinh" các công trình mới xây dựng gần đây để phục hồi và tôn tạo.
- Hai là không thu thập được đầy đủ chứng cứ, tầm ảnh hưởng của nó không lớn lắm thì chỉ nên trùng tu phục hồi lại di sản hiện còn (từ bộ khung nhà) và dựng bia tưởng niệm. Trên đó, ghi chép lại đầy đủ những thông tin lịch sử đã thu thập được.
Có ý kiến cho rằng, phục chế di tích này tại một địa điểm gần Trường Thi hương cũ. Gắn Trường Thi hương với Văn Miếu thành một quần thể di tích văn hóa lịch sử là phi khoa học!
Nếu thấy cần thiết, chúng ta có thể trùng tu lại Trường Thi hương trên khuôn viên của nó cũng theo trình tự khảo sát nói trên.
Nên nhớ rằng, địa điểm các di tích văn hoá cũ do cha ông mình chọn là có lý do lịch sử của nó, không nên căn cứ vào điều kiện hiện tại để thay đổi lịch sử, xây dựng như một công trình văn hoá mới.
Nguyễn Đình Võ - 123- Herman- TP. Vinh