Phát huy nét đẹp truyền thống

06/04/2007 16:31

Lễ hội Văn hoá - Thể thao các dân tộc huyện Con Cuông được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1993. Sau lần mở đầu rất thành công đó, UBND huyện quyết định duy trì thành lễ hội truyền thống để hàng năm bà con các dân tộc khắp nơi trên địa bàn huyện có dịp tập trung đông đủ về thị trấn giao lưu, thi thố tài năng trên các lĩnh vực văn hoá văn nghệ và thể thao. Lễ hội được UBND huyện giao cho Trung tâm VHTT&TT phối hợp với Huyện đoàn đứng ra tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/03).



Thi đấu bóng chuyền.

Năm 2007 UBND huyện Con Cuông quyết định nâng tầm Lễ hội Văn hoá - Thể thao các dân tộc lên qui mô hoành tráng hơn. Có 30 đơn vị với hơn 1.000 diễn viên, VĐV không chuyên tham gia lễ hội, chưa kể hàng ngàn khán giả trong huyện và du khách đến dự. Các nội dung, chương trình lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày (từ 26 đến 28/3), với những hoạt động phong phú như: Hội trại tuổi trẻ Con Cuông, thi các tiết mục văn nghệ quần chúng, thi nét đẹp trang phục các dân tộc và thi đấu 12 môn thể thao: ném còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, cờ thẻ, bóng bàn... Ngoài 13 xã, thị trấn, 17 cơ quan, đơn vị trên địa bàn như Đồn biên phòng 555, Tiểu đoàn 19, Vườn Quốc gia Pù Mát, Trường THTP DTNT, Phòng Giáo dục, Bệnh viện đa khoa huyện, Ngân hàng Nông nghiệp, Lâm trường Con Cuông v.v.. cũng cử đội văn nghệ và VĐV tham gia thi đấu các môn thể thao tạo cho không khí lễ hội thêm sôi động và hấp dẫn.


Tiết mục văn nghệ quần chúng tại lễ hội.
Điều đáng ghi nhận là: mặc dù lễ hội kéo dài liên tục 3 ngày đêm với số lượng khách đến dự đông nhưng an ninh trật tự được đảm bảo rất tốt.. Một thành công nữa là lễ hội đã khơi dậy được phong trào, ý thức giữ gìn, phát huy các nét đẹp văn hoá truyền thống. Bằng chứng là trong hội thi văn nghệ quần chúng, đa số tiết mục được các đơn vị lựa chọn dự thi là những bài dân ca truyền thống. Trong gian trưng bày của các đơn vị tham gia hội trại cũng giới thiệu rất nhiều sản phẩm đặc trưng của bà con các dân tộc

như thổ cẩm, các sản vật đặc sản, các nhạc cụ: cồng chiêng, sáo và các vật dụng hàng ngày của đồng bào...

Theo đánh giá của nhiều người thì Con Cuông là một trong số ít những huyện miền núi còn giữ gìn được nhiều nét văn hoá truyền thống đặc sắc và việc tổ chức, duy trì một lễ hội hàng năm như vậy không những tạo ra những "bữa tiệc" tinh thần cho bà con mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân lên rất nhiều. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Huy Chương - Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện cho biết: Trung tâm đang có ý tưởng tham mưu với UBND huyện soạn thảo đề án xây dựng Con Cuông thành một trong những huyện điểm văn hoá miền núi của cả nước giống như Quì Hợp đang làm.


Hoàng Hảo