Đám cưới của người Thái ở Nghệ An

25/06/2008 17:23

(Baonghean.vn) - Với những nghi lễ truyền thống tiêu biểu của dân tộc mình, đám cưới của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây bắc Nghệ An cho đến hôm nay vẫn được xem như là một lễ hội trong sinh hoạt của mỗi bản làng.

Một đôi nam nữ để tiến tới hôn nhân phải qua những thủ tục bắt buộc theo tập quán,tương tự ở miền xuôi như vấn danh, chạm ngõ v.v. Tất cả những thủ tục đó đều được tiến hành rất nghiêm túc qua vai trò của ông mối hay bà mối . Tuy những thủ tục đến nay vẫn được duy trì, nhưng đều đã đơn giản gọn hơn, chủ yếu vẫn được tập trung thể hiện trong lễ cưới . Nghi thức đón dâu về và làm lễ cáo với tổ tiên nhà trai (lễ nhập họ) được đồng bào hết sức coi trọng, dù chỉ là một tình tiết nhỏ.

Đám rước dâu của người Thái

Khi có lễ cưới, cả bản làng đều sôi động hẳn lên. Vài ba ngày trước đó, mọi người cùng đến với gia đình có cưới. Họ phân công nhau những công việc cần thiết, xem như là nghĩa vụ và trách nhiệm của gia đình mình. Chủ nhà đã có nhữngchuẩn bị vật chấttừ trướcnhư lợn, gà, gạo nếp ...và không thể thiếu những chum rượu cần được làm sẵn từ 6 tháng trở lên cho ngày vui.

Ngay từ lúc được hai gia đình đồng ý, người con gái đã cặm cụi miệt mài bên khung dệt vải và tranh thủ vào rừng tìm lấy những bông lau bao tử về để làm những tấm dệm (Xựa boọc lau) như của hồi môn, thể hiện nết đảm đang, chịu thương chịu khó, như một quà tặng đầy ý nghĩa của mình đối với gia đình nhà chồng.

Ngày cưới được hai gia đình ấn định sau khi đã cân nhắc tuổi của cặp vợ chồng tương lai. Thầy mo cùng ông bà mối rất thận trọng làm những nghi thức với thần linh để chọn giờ cho việc đưa đón dâu.

Một tập tục rất đẹp thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của chàng rể với người mẹ vợ, đó là trong những vật dẫn cưới không thể thiếu đôi vòng bạc trắng được chính tay chàng rể trân trọng trao cho mẹ vợ trước sự chứng kiến của mọi người, kèm theo câu nói đại ý: Cảm ơn mẹ đã sinh ra cho con một người vợ hiền, công lao của mẹ trong suốt thời gian nuôi dạy ấy, con xin gửi mẹ một chút quà nhỏ gọi là tấm lòng của con...Người mẹ cô dâu nhận lấy và đeo vào tay mình với một vẻ tự hào hãnh diện.

Trong thời gian chuẩn bị cho ngày đưa dâu về nhà chồng, cả bản tập trung tại nhà cô dâu để chung vui bên vò rượu cần. Cuộc vui kéo dài thâu đêm...những điệu dân ca dân vũ đặc sắc Thái được mọi người thể hiện hết mình...

Đám rước dâu khởi hành, dẫn đầu là ông mối, tiếp đến là cô dâu chú rể cùng những phù dâu, phù rể mặc những bộ xống áo đẹp của dân tộc mình. Đoàn dẫn dâu đi trong buổi sáng sớm, rất sớm khi còn chưa rõ mặt người. Quan viên hai họ mời cho được những nghệ nhân thuộc và hát hay nhất những bài hát giao duyên của dân tộc mình...họ vừa đi vừa cất lên những câu Nhuôn, câu Xuối với nội dung chủ đề về tình yêu, về hạnh phúc lứa đôi....Suốt cả quãng đường dù xa hay gần, cả đoàn rước dâu cũng thong thả vừa đi vừa trò chuyện chen lẫn những câu hát giao duyên.

Một điểm rất dễ nhận thấy trong một đám rước dâu Thái đó là những tấm đệm bông lau (Xựa boọc lau) được những người trong đám rước dâu khiêng gánh theo sau cùng với những vật dụng kèm theo của nhà gái làm của hồi môn. Theo tập quán, nhà trai có bao nhiêu đàn ông, tính từ ông bố đến các anh em trai..thì nàng dâu phải có đủ chừng ấy tấm đệm (xựa boọc lau) cùng những chiếc gối (món) và những tấm đệm ngồi (phá tặng) cho nhà chồng. Qua số tấm đệm đó, người ta dễ dàng nhận biết chàng rể có bao nhiêu anh em trai....

Đám rước dâu về đến nhà trai, trước khi bước lên cầu thang, cô dâu chú rể được ông mối rót một chén rượu uống chung và thực hiện “lễ rửa chân”.Ở chân cầu thang đã chuẩn bị sẵn một ống nước trong có những đồng bạc trắng với ý nghĩa đây là nước vàng nước bạc để cô dâu chú rể làm thủ tục rửa chân. Sau thủ tục này, cô dâu chú rể cùng nhau bước lên sàn. Ở nghi thức này, cô dâu bao giờ cũng nhường chú rể bước lên trước một nhịp cầu thang với ý nghĩa từ nay trong cuộc sống vợ chồng, người chồng là người có quyền uy và cũng là chỗ dựa của gia đình.

Lúc này nhà trai đã chuẩn bị sẵn một vò rượu cần, cùng một mâm lễ hết sức đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng đối với một đám cưới, đó là lễ " Ki khầu cò huồm" - gồm hai quả trứng gà luộc bóc vỏ bẻ đôi, một típ xôi, hai chiếc cần rượu, mỗi chiếc được buộc một túm sợi đay cắm sẵn vào vò rượu. Cô dâu chú rể ngồi ngay ngắn trước mâm lễ và được thầy mo làm thủ tục. Sau những lời khấn mang nội dung cáo yết tổ tiên, thầy mo nhón một ít xôi dém chặt vào hai miếng trứng luộc đưa cho cô dâu chú rể với nghi thức chéo tay, tay phải đè lên tay trái đưa cho chàng rể, tay trái đưa cho cô dâu...Sau khi thành kính nhận hai miếng trứng luộc có dém xôi, đôi vợ chồng trẻ cùng ăn. Ăn xong mỗi người vít một cần rượu có buộc sợi đay để uống ...

Chính từ lúc này tổ tiên mới chính thức công nhận họ là vợ chồng, bởi đã “ Ki xày huồm món - Nón choóng huồm hong”, nghĩa là đã “ ăn chung lòng đỏ trứng - nằm chung một giường”. Hai chiếc cần rượu sau đó được đưa cấtnơi đầu giường của đôi vợ chồng và từ đó mãi mãi về sau không dùng đến nữa.

Cũng trong lễ “Ki khầu cò huồm”, mẹ chàng trai sẽ tự tay búi tóc cho con dâu với cách búi tóc lệch về bên trái theo tập quán, nhằm phân biệt giữa người phụ nữ đã có chồng với người con gái chưa chồng. Sau lễ “Ki khầu cò huồm” là lễ “Ế vẳn po mờ”- mừng dâu mới - hai bên nội ngoại buộc chỉ cổ tay cầm vía chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Từ lúc này, cả bản thực sự vào cuộc vui, mừng cho cặp vợ chồng trẻ. Rượu cần chảy không ngớt, câu nhuôn câu xuối điệu lăm điệu khắp vang lên sôi động cả núi rừng...sẽ là môt may mắn nếu tình cờ bắt gặp và được dự một đám cưới trên miền tây bắc Nghệ An. Lòng hiếu khách, tình cảm chân thành mộc mạc và hào phóng của những người dân nơi đây sẽ làm cho bất cứ ai cũng phải ngất ngây trong men rượu cần và ánh mắt long lanh của các phù dâu Thái .


Bài và ảnh : Lê Bá Liễu