Lung linh núi Quyết

07/10/2008 16:47

Đêm cuối Thu, gió vi vút ngàn thông huyền ảo. Dường như đất trời đã hội tụ, giao hoà trong thời khắc này. Từ đỉnh Dũng Quyết, thành Vinh toả sáng lung linh. Sông Lam thao thiết chảy giữa những quầng sáng dọc hai bờ. Đêm lễ hội thành kính, thiêng liêng.

Lễ hội Đền thờ Vua Quang Trung là mở đầu cho chuỗi các hoạt động chào mừng sự kiện 220 năm Phượng Hoàng Trung Đô và thành phố Vinh đón nhận vị thế mới là thành phố đô thị loại 1. Lễ hội diễn ra trong hai ngày 6 và 7/ 10, với hai phần lễ và hội được chuẩn bị công phu, chu đáo.



Từ sáng hôm qua, tại Hạ điện và khu vực Đền, lễ Khai quang đã diễn ra trong sự chờ mong, háo hức của đồng đảo bà con du khách thập phương. Ngay từ sáng sớm, bà Lê Thị Xuân, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá đã khăn đóng áo dài, cùng với các con cháu lên đền, dâng nén hương thơn tưởng nhớ công đức vị Anh hùng áo vải cờ đào. Năm nay 71 tuổi, bà là người đã từng đi thăm rất nhiều đền chùa, miếu mạo và là một phật tử chùa Sùng Nghiêm (Duyên Khánh- Hậu Lộc). Khi đến đây, bà có cảm nhận: "Đền được toạ lạc ở một nơi có phong cảnh đẹp. Nếu là một người con của xứ Nghệ thì tôi sẽ một tháng đôi tuần được sớm chuông chiều mõ, thành tâm hương khói". Bà đã cẩn thận ghi lại ngày kỵ của Vua Quang Trung để cố gắng vào Vinh mỗi năm một lần vào dịp 29/7 âm lịch. Cũng một cảm xúc như bà, mấy ngày nay, rất nhiều người dân thành phố đã đến đây dâng hương thành kính đóng góp công đức, cung tiến các kỷ vật.


Trong nghi ngút trầm hương, hoà vào dòng người đổ về Đền mỗi lúc một đông có TS Nguyễn Quang Hồng, giảng viên Khoa Lịch sử, ĐH Vinh. Thầy đang dẫn sinh viên khoa sử tham quan các công trình, đồng thời tìm hiểu về nội dung khắc trên các bức bình phong, phù điêu được treo trong các nhà Hạ điện, Thượng điện... TS Nguyễn Quang Hồng là một trong những người nghiên cứu về Hoàng đế Quang Trung, đồng thời là thành viên của Ban cố vấn xây dựng đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết. TS tâm sự với chúng tôi: "Càng nghiên cứu, tham khảo, sưu tầm, càng thấy công lao to lớn của Người đối với non sông đất nước, với xứ Nghệ mình thật to lớn. Một Lễ hội xứng tầm với công lao đó, thiết nghĩ đã thực hiện được tâm nguyện, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Mong rằng, Lễ hội được tổ chức hàng năm và có quy mô ngày càng lớn".


Để chuẩn bị cho Lễ hội, từ hơn 1 tháng nay, Trung tâm VHTT thành phố đã triển khai các nội dung của phần Lễ và Hội. Đội rước của Trung tâm đã luyện tập hàng tháng nay để đúng ngày 7/10, từ sân Đền thờ Quang trung, đoàn sẽ rước bài vị thờ xuống núi, qua các tuyến đường trong thành phố và kết thúc bằng lễ yên vị để hành lễ đại tế. Ngoài ra, các hoạt động VHTT như tham dự giải việt dã leo núi, đua thuyền giữa các đơn vị Nam- Hưng- Nghi- Vinh- Cửa Lò đã diễn ra trong hào khí thượng võ vui tươi, sôi động.


Thành phố bừng sáng, dòng người hướng về Dũng Quyết mỗi lúc một đông.

Một Lễ khai mạc được tổ chức trang trọng, với sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố Vinh và đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Diễn văn đọc tại buổi lễ nêu bật vai trò của Người Anh hùng áo vải: "Cách đây 220 năm, sau khi đập tan tập đoàn phong kiến Trịnh- Nguyễn, và tiến ra Bắc đánh đuổi quân Thanh xâm lược, khi dừng chân tại quê cha đất tổ Nghệ An, Quang Trung- Nguyễn Huệ đã nhận định: vùng đất Yên Trường có vị trí chiến lược quan trọng và thuận lợi cho việc xây dựng kinh đô. Vì vậy, ngày 3/9 năm Thái Đức thứ 11 (tức ngày 01/10/1788), Vua Quang Trung gửi chiếu cho la Sơn Phu Tử- nguyễn Thiếp quyết định lựa chọn vùng đất này để xây dựng kinh đô lấy tên là Phượng Hoàng Trung Đô. Thành Phượng Hoàng ra đời tuy còn dang dở nhưng đã trở thành một mốc son lịch sử trong cuộc đời và sự nghiệp Vua Quang-Trung Nguyễn Huệ và cũng là dấu ấn cho sự hình thành và phát triển đô thị thành phố Vinh sau này".


Với mong muốn tái dựng lại không khí hào hùng của 220 năm trở về trước, một chương trình sử thi mang tên "Quang Trung với xứ Nghệ" đã được dàn dựng công phu, hoành tráng. 120 diễn viên đến từ Đoàn Ca - Múa- Kịch, Đoàn Dân ca Nghệ An, Trung tâm VHTT tỉnh, sinh viên trường ĐH Vinh, trường Dạy nghề Sara và các đoàn viên của 20 phường, xã trên địa bàn thành phố tham gia diễn xuất. Đạo diễn kiêm tác giả kịch bản Chu Hoàng Yến cho biết: "Kịch bản chương trình có 4 màn. Màn 1: Nhân dân Nghệ An hưởng ứng phong trào khởi nghĩa Tây Sơn; Màn 2: Hoàng đế Quang trung mời La Sơn Phu Tử làm quân sư tuyển binh lính ra Bắc Hà tiêu diệt quân Thanh; Màn 3: Xây thành Phượng Hoàng Trung Đô; Màn 4: Vinh 220 năm- hôm nay và mãi mãi".


Giữa đêm thu thành phố, trên đỉnh Dũng Quyết lịch sử, các màn sử thi hoành tráng đã đưa khán giả trở về với huyền sử của một thuở giữ nước hào hùng. Âm nhạc, ánh sáng cứ trải rộng, bay cao mãi. Khép lại đêm khai mạc đầy ấn tượng, dòng người vẫn hướng về phía đền thơ vua Quang Trung với tấm lòng thành kính. Chúng tôi gặp cụ bà Hoàng Thị Phẩm, 73 tuổi. Cụ Phẩm nói : "Tui ở xóm 3- Trung Đô từ năm 1958 đến chừ, hàng ngày tui vẫn lên thắp hương cho Vua ở chỗ tường thành sót lại, bữa nay được xem chương trình nghệ thuật, mừng quá, hay quá. Tui thấy như Ngài đang hiển hiện đâu đây cùng con cháu bảo vệ dựng xây Đất nước mạnh giàu".


Bài, ảnh: Trần Hải- Nguyệt Anh