Kí ức Truông Bồn

29/08/2008 17:16

(Baonghean.vn) - Chị Nguyễn Thị Thông, tiểu đội trưởng “Tiểu đội thép Truông Bồn” là người sống sót trong trận mưa bom của giặc Mỹ đêm 30 rạng sáng 31/10/1968. Chị là nhân chứng sống của tiểu đội gái chốt ở điểm thắt cổ chai Truông Bồn, ngày đêm vượt lên bom thù mở đường cho xe ra tiền tuyến. Về lại Truông Bồn, chị lặng lẽ đặt những bông hoa trắng lên phần mộ các em...

Tọa độ lửa

Năm 1964, thất bại thảm hại ở chiến trường miền Nam, giặc Mỹ leo thang ra đánh phá miến Bắc. Chúng huy động toàn bộ sức mạnh của không lực Hoa Kỳ ngày đêm đánh phá các tuyến đường, cầu cống, kho tàng hòng cắt đứt nguồn chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Tọa độ lửa Truông Bồn dài trên 5 km, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A và cũng là điểm thắt cổ chai hiểm yếu nhất của các đường 7, đường 15A, đường 34 huyết mạch giao thông của miền Bắc chi viện cho miền Nam qua miền đất Nghệ. Giặc Mỹ đã không bỏ sót một cung đường nào, bằng hàng loạt các loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất, kể cả B52 đêm ngày dội bom đạn. Gần 30.000 tấn bom, đạn các loại dội xuống huyện Đô Lương, thì phần lớn Truông Bồn phải hứng chịu.


Chân dung chị Nguyễn Thị Thông, tiểu đội trưởng tiểu đội thép Truông Bồn.

Chị Thông nhẹ nhàng đặt tay mình lên từng tấm bia, như ngày nào âu yếm vuốt lên mái tóc thiếu lược, thiếu kẹp tóc của những đứa em yêu quý nhất trong tiểu đội. Hai dòng nước mắt cứ đổ dài trên đôi gò má gầy guộc, tái xanh của chị.

Chị cho tôi biết trong niềm xúc động tự hào:” Tiểu đội tôi thuộc Đại đội 317 thuộc Tổng đội TNXP Nghệ An thời đánh Mỹ”. Chị nắm chặt tay ông Nguyễn Xuân Thỏa: đây là Đại đội trưởng, người anh cả của chúng tôi ! Cả tiểu đội chốt ở trọng điểm Truông Bồn. Ông Thỏa xúc động đỡ lời: ” Đại đội 317 chủ yếu là con em huyện Yên Thành, được thành lập 18/5/1965. Đại đội có nhiệm vụ san lấp hố bom, chặt cây mở đường, bắc cầu qua khe suối, giữ vững tuyến giao thông huyết mạch thông suốt giữa hậu phương và tiền tuyến trên địa bàn Nghệ An. Trước khi về nhận nhiệm vụ ở cao điểm Truông Bồn, tiểu đội chị Thông đã thực hiện nhiệm vụ trên những địa bàn vô cùng ác liệt được coi là tọa độ lửa ở Khe Thần (Tân Kì), Rú Đao (Nam Thanh, Nam Đàn), Cầu Phương Tích, cầu Cấm (Nghi Lộc). Trên những tọa độ lửa ác liệt này, hằng ngày đơn vị phải hứng chịu hàng chục đợt oanh kích với hàng loạt bom phá, bom từ trường, bom bi, bom sát thương và rốc két của không quân Mỹ. Chúng tôi thường gọi là “Tiểu đội thép”, bởi các chị đã xây dựng thành một tập thể có ý chí chiến đấu rất cao”. Đêm 28/5/1968, khi đoàn xe vận tải của bộ đội nối dài 2km từ Truông Bồn đến Cầu Om. Lũ giặc trời lại thi nhau thả pháo sáng, rồi dội bom. Có mấy xe bốc cháy, cả tiểu đội cùng lái xe xông vào dập lửa cứu hàng, cứu xe suốt từ 21 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau.

Suốt đêm 30/10/1968, sau khi đã thông cầu, thông xe, tiểu đội định về nghỉ. 4 giờ sáng 31/10, với tinh thần chuẩn bị cho đợt vận tải hàng hóa lớn vào chiến trường, chị em không nghỉ nữa chỉ ăn vội miếng mì luộc rồi tiếp tục bám mặt đường. 5 giờ sáng, bất ngờ có tiếng coi báo động, máy bay Mĩ xuất hiện. Cả đại đội đã vào hầm trú ẩn, chỉ còn tiểu đội của chị Thông làm nhiệm vụ trực chiến. Chị Thông xen vào:” Quan sát thấy các em Tâm, Vinh, Doãn... là những người cuối cùng nhảy xuống hầm, tôi mới quay lại xốc chắc khẩu AK trên vai nhảy xuống theo. Máy bay Mỹ gầm rú xé cả đất trời. Một loạt bom đổ xuống làm chao đảo cả lòng đất. Tôi thấy ngột ngạt và không biết gì nữa”.

Những con người thép

Đêm. Tôi ở lại Mỹ Sơn, cái làng gắn bó với “Tiểu đội thép” Truông Bồn. Tại vùng quê thương nhớ này các cụ, các mẹ vẫn còn nhớ như in biết bao chuyện về các liệt sĩ Truông Bồn.


Mẹ Thởm (bây giờ).

Ông bà Thởm từng gắn bó với tiểu đội, cũng là niềm hạnh phúc đời chị trong những năm gian khó nhất của cuộc chiến tranh. Ông bà đã đến ngồi bên chị từ lúc nào không biết. Ông Thởm gạt vội những giót nước mắt trên khóe mắt già nua của mình rồi cho tôi biết: ” Trận bom vừa dứt, dân quân Mĩ Sơn tổ chức đi tìm kiếm, thấy một nòng súng trồi trên, họ vội đào thì đó là cô Nguyễn Thị Thông, tiểu đội trưởng “tiểu đội thép” Truông Bồn. Cô Thông được đưa vào nhà ông bà Thởm cấp cứu, sau đó đoàn cứu thương đưa chị lên tuyến trên”.

Chị áp mặt vào ngực bà Thởm: ” Con nhớ các em lắm mẹ ơi!” Đã 40 năm 11 em gái thương yêu trong tiểu đội hãy còn nguyên vẹn trong tim chị:

Em Nguyễn Thị Tâm (quê ở Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An) mà tim chị đau nhói. Tâm yêu Cao Ngọc Hòa (quê ở xã Diễn Lộc, Huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) tiểu đội trưởng tiểu đội 6; yêu nhau suốt mấy năm trên tọa độ lửa, hai người đã chuẩn bị về quê để cưới. Sáng 31/10/1968, Hòa đến sớm hơn ngày thường, cùng tiểu đội gái thông đường xong thì xin phép đón Tâm về quê luôn. Tâm bẻ nửa miếng bánh mì luộc đưa cho Hòa, chị em trong tiểu đội đã reo lên “Nhớ cho chúng mình ăn kẹo cưới với nhé!”. 30 phút sau, giặc Mỹ đã cướp mất hai em rồi.

Các em Đinh Thị Vinh, (quê ở Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu), Hà Thị Đang (quê ở Sơn Thành, Yên Thành), Hoàng Thị Nhung (ở Phú Thành, Yên Thành)... hăng hái mê say với nhiệm vụ là vậy, thế mà thỉnh thoảng vẫn khóc thút thít “em nhớ nhà lắm chị ơi!”.

Còn Phan Thị Dung (Hợp Thành, Yên Thành), Vũ Thị Hiền (Tăng Thành, Yên Thành), Đàm Thị Bốn (Khánh Thành, Yên Thành) vừa mới khoe với chị “chúng em có giấy báo vào đại học rồi chị ơi!” Thế mà...


Vợ chồng chi Nguyễn Thị Thông với anh Lê Hải Diên hiện nay ở tuổi 68 và 72.


Hai em Nguyễn Thị Hoài (Hưng Nguyên), Thái Thị Văn (Thượng Sơn, Đô Lương) nhỏ tuổi nhất lúc nào cũng nhờ chị gội đầu. Chúng bảo:” Không có lược, không có bồ kết, chị gội cho em vẫn thấy thích lắm”...

Chị Thông chậm rãi kể tiếp: Vào một đêm mùa mưa, tiểu đoàn 71, trung đoàn 102, sư đoàn 308 hạnh quân vào chiến trường Trị Thiên. Vượt qua Truông Bồn đoàn xe bị sa lầy. Cả bộ đội, TNXP hò reo chống lầy suốt đêm. Anh ấy vẫn là người hăng hái nhất, vui nhộn đến ấm áp vô cùng. Đêm ấy, anh nắm tay chị rất lâu và chị chỉ vội trao cho anh tấm ảnh mà không nói nên lời. Nhưng chị cảm nhận như có một sợi dây vô hình buộc chặt chị với anh ấy. Năm 1968, sau khi bình phục chị được chuyển ngành đi học may mặc ở Vinh. Sau nhiều năm ở chiến trường, sức khỏe suy giảm, anh ấy phục viên về với chị...

Thấm thoắt đã 40 năm. Nơi các chị, các anh ngã xuống giờ là khu di tích Truông Bồn . Vết chém chiến tranh giờ đã được thay bằng màu xanh của ấm no hạnh phúc.

Tượng đài Truông Bồn Chiến thắng là địa chỉ Đỏ của muôn đời sau.

Bài, ảnh: Thuận Thắng