Phong tục thả diều của đồng bào Chăm

14/08/2009 09:55

Hàng năm, vào thứ bảy của tháng 11 (lịch Chăm), tức là trong một dòng tộc "Yang In" ở Ninh Thuận mặc bộ đồ truyền thống dân tộc tập trung đến một bãi đất rộng đầu làng - nơi vừa dựng sẵn một cái rạp vuông nhỏ để thực hiện nghi lễ thả diều. Lễ tục này đồng bào gọi là Papăn kalang Pô Yang In đã phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, hạnh phúc, mùa màng bội thu.

Cánh diều đựợc thiết kế theo giới tính diều đực và diều cái. Diều đực hình thoi, có hai túi tròn tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam. Khung thân dài 1,5 mét; cánh dài 0,6 mét, rộng 1,4 mét được làm bằng tre và buộc dây mây. Mặt trước cánh dán giấy đỏ, mặt sau dán tờ giấy ghi ngày con cháu thực hành nghi lễ và sử lược về Ngài Pô Yang In do ông Kadhar thảo bằng chữ Chăm. Diều đực đựợc gắn sáo hai tầng và ba cái đuôi dài chừng 5 mét bằng lá buông to bản. Dây buộc diều là dây màu (dây rừng) được tết vặn thừng, dài từ 50-100 mét, cuộn trong khung gỗ hình chữ H. Diều cái chỉ lớn bằng 1/3 diều đực, không có túi, không dán giấy viết sự tích Poo Yang, sáo diều một tầng.


Ông Kadhar dâng lễ vật gồm có chuối, trứng, trầu cau, rượu, thịt dê hay chè xôi... và làm phép mời Ngài Pô Yang In về chứng giám cho lòng thành của con cháu. Lễ vật này tượng trưng cho sự thịnh vượng phát đạt của con cháu trong một năm làm ăn.


Trong không khí đượm mùi trầm hương từ chiếc lư đồng tỏa ra, bà Pajâu nâng cánh diều từ trong rạp đi ra rồi thả dây. Chiếc diều đã được gắn ống sáo nên khi lên cao, gặp gió mạnh phát ra âm thanh vi vu. Đồng bào cho rằng diều lượn càng uyển chuyển, tiếng sáo càng thanh chứng tỏ sự hưởng ứng của các bậc thần linh càng nhiều. Ở dưới đất, Kadha vừa kéo đàn kanhi vừa hát bài ca về Pô Patao Yang In và Chay Tathun... Con cháu dòng tộc Yang In thả diều từ sáng đến tối mịt mới thu diều về, bóc giấy, cắt khung để sang năm mang ra dán giấy tiếp tục thả.


Theo quan niệm của đồng bào Chăm, cánh diều sẽ là sợi dây liên lạc hai thế giới âm, dương để báo cáo tình hình làm ăn cũng như sức khỏe của con cháu cho tổ tiên biết, đồng thời cầu xin tổ tiên ban phúc lành năm tới. Cánh diều quê vừa mang giá trị văn hóa dân tộc, vừa gợi nét thanh bình hiện vẫn được đồng bào Chăm bảo lưu.


Thanh Nga (St)