Vị già làng và niềm say mê "điệu hồn" Mông

02/10/2009 11:16

Về bản Sơn Hà (xã Tà Cạ, Kỳ Sơn), bản 100% đồng bào Mông sinh sống, hỏi người thổi và múa khèn Mông hay và đẹp nhất, lập tức nhận được câu trả lời: Gìa làng Lầu Chống Dì.

Già làng Lầu Chống Dì và điệu múa
khèn Mông.

Trên đường đến nhà ông, anh bạn dẫn đường còn "khoe" thêm: "Ông Dì sử dụng được tất cả các loại nhạc cụ của người Mông nhưng hay và đẹp nhất vẫn là thổi và múa khèn".

Sinh ra và lớn lên ở xã Tây Sơn (Kỳ Sơn), từ nhỏ, cậu bé Dì được ông nội dạy cách thổi khèn, thổi sáo và những điệu múa khèn. Cũng từ đó, hàng ngày sau những giờ làm việc trên nương rẫy, chiếc khèn trở thành người bạn tâm tình của cậu. Ngay cả lúc người Mông còn sống du canh du cư, nay đỉnh núi này, mai cánh rừng khác thì chiếc khèn, chiếc sáo vẫn theo sát trên lưng cậu trong những cuộc hành trình vượt suối, băng rừng.


Đến năm 1987, sau những chặng đường di cư mệt mỏi, ông Lầu Chống Dì cùng vợ con quyết định định cư tại bản Sơn Hà, xã Tà Cạ cho đến ngày nay. Định cư ở bản mới, ông tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, từng giữ các cương vị Bí thư Đoàn Thanh niên bản và xã, Phó trưởng Công an xã, Bí thư chi bộ và Trưởng ban Mặt trận bản. Giờ ở tuổi 60, ông là một già làng có uy tín đối với bà con dân bản. Việc làm ăn và công tác xã hội rất bận rộn nhưng hễ có lúc ngơi việc ông lại tìm đến chiếc khèn. Có những đêm trời đã chuyển canh khuya, các phương tiện nghe nhìn đã tắt hết người ta vẫn còn nghe tiếng khèn của ông bay bổng, dặt dìu và hoà cùng tiếng suối tạo nên bản nhạc của núi rừng.

Giai điệu khèn Mông và những điệu múa khèn trở thành một sức hút lạ kỳ đối với những bạn trẻ. Trước tiên là con cháu trong họ, sau đó là thanh niên trong bản và các bản khác tìm đến nhà ông Lầu Chống Dì để được ông dạy cho cách thổi và múa khèn. Ông hồ hởi, nhiệt tình truyền dạy cho lớp trẻ bằng tất cả niềm say mê vốn có từ hơn 40 năm qua, bởi ông luôn tâm niệm giai điệu khèn Mông và các động tác múa khèn là "điệu hồn" và "nhịp sống" của người Mông nên phải có trách nhiệm truyền giữ cho con cháu đời đời. Có lúc ông bỏ việc nhà cả tuần để lo dạy lớp trẻ thổi, múa khèn và sử dụng các loại nhạc cụ khác. Vừa qua, Viện Âm nhạc tài trợ mở lớp Truyền dạy âm nhạc, múa dân gian và nhạc cụ dân tộc Mông tại bản Sơn Hà, nam nữ thanh niên trong bản tìm đến học khá đông, ông rất phấn khởi và là một nghệ nhân tích cực tham gia truyền dạy.


Tiễn chúng tôi, ông không thể hiện giai điệu và điệu múa khèn mà độc tấu nhạc cụ trà p'lải (sáo lưỡi gà) với bài hát "Gọi bạn tình" (Lùa gầu). Giai điệu mượt mà, như quyến luyến, như vỗ về, như mời gọi. Tiếng sáo mỗi lúc một vang xa để hoà cùng với gió ngàn, mây núi.


Công Kiên