Về với lễ hội đền Nguyễn Xí

24/02/2009 18:59

(Baonghean) - Hàng năm cứ đến ngày cuối cùng của tháng Giêng lễ hộI đền Nguyễn Xí lạI được tổ chức tưng bừng ở xã Nghi Hợp - huyện Nghi Lộc - Nghệ An. Nhớ đến ngày lễ này, con cháu khắp nơi của dòng họ Nguyễn Đình và du khách thập phương lại tìm về để dâng hương tế tổ.


Đông đảo ngườI dân và du khách thập phương đến tham gia lễ hội.


Tìm đường để đến với đến Nguyễn Xý khá khó khăn, vì đền nằm hơi tách riêng với khu dân cư lại phải lòng vòng qua nhiều chặng đường của xã Nghi Long, Nghi Xá(nếu đi từ Vinh vào) hoặc phải đi theo đường của cảng Cửa Lò.

Khó đi như vậy nhưng nếu đã đặt chân đến người mới tới lần đầu không khỏi ngỡ ngàng trước một ngôi đền có kiến trúc còn gần như nguyên vẹn, được xây dựng kiên cố. Ngôi đền này đã toạ lạc ở đây hơn 500 năm, đền được khởi công theo lệnh của Vua Lê Thánh Tông vào năm (1467) tức là hai năm sau khi Nguyên Xí qua đời (1465), đền gọi theo chữ Hán là Cương Quốc Công Từ (đền thờ Cương Quốc Công), gọi theo tên Nôm là đền Nguyễn Xí. Dân gian còn quen gọi là nhà thờ họ Nguyễn Đình.


Màn trống chào mừng lễ hộI năm 2009.


Sau nhiều lần trùng tu đền hiện được chia thành 3 khu vực chính gồm khu vực “hoa biểu” khu vực “cầu ao”, khu “chính điện”. Đặc biệt ở khu chính điện vẫn còn lưu lạI nhiều hiện vật có giá trị như bia đá, kiệu rồng, bức cuốn thư sơn son thiếp vàng, tượng hổ sư bằng gỗ mít, chuông đồng…

Lễ hội đền Nguyễn Xí được tổ chức vào ngày 30/1 và ½(ÂL) cũng chính là ngày lễ mừng công mà hàng trăm năm nay người dân ở các xã của huyện Nghi Lộc vẫn hằng tổ chức. Là một trong những vị tướng tài ba của nhà Lê, lúc sinh thời Nguyễn Xí đã cùng với Lê Lợi hơn mười năm nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, dũng cảm tài ba lập nhiều chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân Minh cũng như trong quá trình dựng xây đất nước, mở mang bờ cõi.


Lễ rước Cương Quốc Công Nguyễn Xí và Bác Hồ vào đền.


Nhớ đến ông, người đời sau vẫn còn kể mãi câu chuyện Nguyễn Xí đã phải hy sinh tình phu tử đành đập chết người con trai chưa đầy một tuổi trong nỗi đau xé ruột, xé lòng, để giải toả sự nghi ngờ, lập kế tiêu diệt bọn phản loạn Lê Nghi đưa Lê Từ Thành lên ngôi Vua, lập lên vương Triều Lê Thánh Tông, một vương triều thịnh vượng nhất trong lịch sử trung đại.

Nhờ đến công ơn to lớn của “Thái Sư Cương Quốc Công, đặc ân khai quốc, Thuy nghĩa vụ, Thượng thượng đặng tôn thần Nguyễn Xí” nên khác với nhiều lễ hội khác, lễ hội đền Nguyễn Xí được tổ chức hết sức trang nghiêm, kính cẩn. Lễ hội cũng được tổ chức công phu hơn với phần lễ được chú trọng nhiều hơn phần hội.


Đền Nguyễn Xí là một trong những ngôi đền còn nguyên vẹn và đẹp nhất Nghệ An hiện nay.


Trong mùa lễ hội năm 2009 ngoài phần lễ rước Cương Quốc Công Nguyễn Xí, còn có lễ yết cáo, lễ đại tế, lế dâng hương, dâng hoa tại đền thờ và lăng mộ. Ngoài ra phần hội gồm có các phần như cắm trại, hội trống, chọi gà, bóng chuyền , văn nghệ…

Nói về hoạt động văn hoá tâm linh này, ông Nguyễn Đình Hoa - chủ tịch xã Nghi Hợp không dấu được niềm tự hào khi nói với chúng tôi: "Người dân Nghi Hợp và các xã lân cận hàng năm cứ mong đến ngày lễ này, đó thực sự là dịp để con cháu quây quần gặp gỡ và tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên, đến vị tướng tài ba Nguyễn Xí. Chúng tôi cũng rất tự hào vì nhiều năm qua ban tổ chức lễ hộI đã nhận được sự giúp đỡ nhiều về vật chất và tinh thần của con cháu trong dòng họ và của chính quyền tỉnh, địa phương và các sở ban ngành trong việc bảo vệ , giữ gìn, sưu tầm và trùng tu ngôi đền".


Người dân thích thú vớI những hiện vật được trưng bày bằng hình ảnh tạI lễ hội.


Một người con của dòng họ Nguyễn Đình khác là bác Nguyễn Đình Văn - hiện đang công tác tại Viện Năng lượng và Nguyên tử Việt Nam cũng không khỏi xúc động mỗi lần về lại quê hương, nhất là vào những dịp như thế này. Bác tâm sự rằng; Không chỉ nhớ về quê hương vào mỗi dịp cuối tháng Giêng mà hội đồng hương Nghi Lộc và con cháu Nguyễn Đình ở Hà Nội cũng được tổ chức thường xuyên với nhiều hoạt động tích cực như hội khuyến học, thành lập quỹ xây dựng quê hương, thăm hỏi động viên nhau mỗi khi hiếu hỉ…

Lễ hội đền Nguyễn Xí sẽ còn được tiếp tục diễn ra vào ngày mai 1/2 (ÂL). Đầu Xuân về với lễ hội này cũng là dịp để lòng mình toả chiết, hướng tới cái chân - thiện - mỹ trong cuộc đời, khai thông trí tuệ, tích đức, phùng thiện, xây dựng nếp sống nhan văn, làm cho uy nghi của cha ông ngày càng sáng chói…

Bài, ảnh: Mỹ Hà – Thanh Phúc