Khi "trong xe có một trái tim..."

24/04/2009 11:20

Câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật cứ vang lên trong tâm trí khi chúng tôi được tiếp chuyện người có 12 năm gắn bó với " tiểu đội xe không kính" - một trong những chỉ huy của các tay lái quả cảm trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa:

"Xe vẫn chạy vì miềnNam phía trước

Chỉ cần trong xe cómột trái tim"

Ông Đặng Xuân Thủ (bên phải)
bên người đồng đội.

Sinh năm 1933 ở Xuân Sơn ( Đô Lương), năm 1958, ông Đặng Xuân Thủ xung phong đi bộ đội thuộc Sư đoàn 312, Thái Nguyên. Sau khi kết thúc khóa học sĩ quan hậu cần chuyên về lái xe vận tải quân sự, năm 1963, ông được điều về Bộ Tư lệnh Đoàn 559 làm trợ lý kĩ thuật và quản lý xe. Hai năm sau, Đặng Xuân Thủ được tăng cường xuống tiểu đoàn 61, binh trạm 33 phụ trách một đại đội trên 80 xe (mỗi xe có một lái chính, một lái phụ) và một tiểu đội sửa chữa gồm 10 người.


Nhiệm vụ hàng ngày của đại đội xe là vận chuyển hàng, chủ yếu là vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, lương thực thực phẩm theo sự điều động của trên. Mới đầu đội xe của ông toàn zin ba cầu loại Z157 của Liên Xô và CA30 ( Xe Hồng Hà- Trung Quốc), những năm 70 có thêm loại 1 cầu Z130 của Liên Xô. Ngày nghỉ, đêm đi, nối đuôi nhau... Đường Trường Sơn " nắng bụi, mưa bùn", nhiều khi lái xe phải đi theophán đoán và kinh nghiệm của mình. Cung đường hành quân phải đi qua nhiều trọng điểm ác liệt trong mưa bom bão đạn và pháo sáng của kẻ thù nhưng anh em lái xe vẫn giữ vững trận địa là buồng lái. Những chiếc xe không kính, không đèn, không mui vẫn tiến thẳng ra về phía trước. Khẩu hiệu đặt ra lúc đó là "yêu xe như con, quí xăng như máu", " tất cả vì miền Nam ruột thịt".


Năm 1969, tiểu đoàn xe 61 có nhiệm vụ vận chuyển hàng từ Nam sông Sê - băng- hiêng trên đường quân sự 128 vào trả hàng tại binh trạm 34 ở ngã ba Mường Noòng, nhưng có lần do yêu cầu, đoàn xe 36 chiếc phải đi tiếp đến đèo Long sông Bạc trả hàng tại binh trạm 35, sân bay Sà Vằn. Khi 8 xe vừa lên được đỉnh đèo thì máy bay 0V10 của địch thả pháo sáng phát hiện mục tiêu bắn pháo hiệu, 3 phút sau F4, F5 quần đến thả bom, 5 xe hỏng, 1 đồng chí lái xe quê Hà Bắc hi sinh, tay vẫn nắm chặt vô lăng. Trong quãng thời gian 12 năm phục vụ trên đường Trường Sơn, đại đội xe của ông hi sinh gần 20 người.


Năm 1975 rời đoàn 559, Đặng Xuân Thủ về Trung đoàn xe giao liên thuộc Cục vận tải - Tổng cục hậu cần đóng tại Đền Cuông, tiếp tục làm nhiệm vụ vận tải quân sự chống chiến tranh biên giới năm 79 và viện trợ cho Lào trên đường 7, đường 8. Năm 1983, ông về nghỉ hưu tại xóm 9 xã Nghi Phú (Thành phố Vinh). Mặc dù là thương binh 3/4, sức khỏe yếu do sức ép của bom trong lần đội xe của ông bị máy bay địch phát hiện rải bom khi đang làm nhiệm vụ tại ngã ba Đông Dương năm 1967, nhưng người lính già vẫn giữ vững phẩm chất kiên cường, ý chí vượt khó, lạc quan của người lính lái xe trên đường Trường Sơn năm nào. Ông hăng hái tham gia công tác xã hội tại địa phương, là Bí thư chi bộ gương mẫu, được người dân xóm 9 tin yêu, kính trọng, hội viên hội Cựu chiến binh, Ban liên lạc bộ đội Trường Sơn Thành phố Vinh và xã Nghi Phú. Nỗi nhớ đồng chí, đồng đội và những năm tháng lái xe trên đường Trường Sơn lúc nào cũng đầy ăm ắp trong ông.


Ông bảo kỉ niệm về Trường Sơn thì có nhiều nhưng ông nhớ nhất một lần vào năm 1968. Lần ấy, đội xe của ông dừng chân ở binh trạm 33 đóng ở phía nam sông ThaMé đèo Sê băng hiêng. Như thường lệ, tiểu đội trưởng sửa chữa xe của đại đội 8 Nguyễn Văn Thưởng ( quê ở Vinh) cẩn thận xách đồ nghề đi kiểm tra xe. Trời đang im ắng bỗng nhiên nghe tiếng B52 ì ì, 5 phút sau chúng thả bom làm nổ tung cả bãi xe nơi đại đội 8 tập kết. Hết đợt B52, nhổm người lên, thấy Nguyễn Văn Thưởng đang ôm cánh tay phải đã bị gãy chỉ còn dính một đoạn gân đầy máu, ông vội chạy đến lấy băng quấn chặt cánh tay đồng đội nhưng máu vẫn tuôn xối xả. Thưởng nói "Anh chặt tay em đi". Biết rằng không còn cách nào khác để cứu đồng đội, ông nói với Thưởng : " Nếu trời cho chúng ta còn sống, chúng ta kết nghĩa làm anh em" rồi nghiến răng làm theo lời bạn.


12 năm cống hiến tuổi thanh xuân trên đường Trường Sơn- được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Hạng 3, Huy hiệu chiến sỹ thi đua, Huân chương chiến sỹ Giải phóng Hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương chiến sỹ vẻ vang Hạng Nhất, Huân chương Kháng Chiến Hạng Nhất...cả một quá khứ đáng tự hào nhưng Đặng Xuân Thủ vẫn rất khiêm tốn. Ông bảo: " Đừng viết về tôi, hãy viết về những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do trên đường Trường Sơn khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Họ mới là những người xứng đáng được tôn vinh ".


Khánh Ly