Lễ dâng tấm vải ướt khô
Tấm vải ấy dệt tay bằng sợi bông, khổ rộng 2 gang tay, dài khoảng 15- 20 sải, nhuộm màu hồng một nửa tượng trưng là phần ướt, phần còn lại là phần vải khô.
Dâng tấm vải ướt khô một nghi lễ trong đám cưới của người Tày nhằm thể hiện lòng biết ơn vô bờ của con rể đối với cha mẹ vợ đã sinh và nuôi nấng người con gái để gả cho mình. Bất cứ dân tộc nào cũng sâu sắc hình ảnh người mẹ khi con đái dầm dìa thì bao giờ cũng giành phía ướt về mình để con nằm phần khô. Hiện tượng thường gặp ở những ngày kiêng cữ, mà trời u ám, mưa dầm dề không kịp phơi tã, tã phải xoay vần ướt, khô để dùng nhiều lần. Ta biết có những lúc chăn ướt, tã ướt mẹ phải đặt lưng vào chỗ ướt và Ωm con trên bụng mẹ, ép mặt vào ngực mẹ để con ngủ ngon, ý nghĩa của tấm vải ướt khô thật cao quý. Bởi thế mà trong lễ cưới, khoản lễ vật thiếu gì thì có thể châm chước, nhưng nhất thiết không được thiếu dâng tấm vải ướt khô cũng hàm ý nhắc nhở đạo con.
Trong lễ này, trước bàn thờ tổ tiên, trước mặt cha mẹ vợ và họ nhà gái, vị quan lang nhà trai nghiêm trang hát bài "Dâng tấm vải ướt khô" với giọng ca diễn cảm, mọi người yên lặng lắng nghe và rưng rưng... Chú rể trịnh trọng hai tay dâng tấm vải ướt khô lên mẹ vợ, trong bầu không khí trang nghiêm, người mẹ xúc động nhận tấm vải ướt khô từ con rể và suy nghĩ về con gái mình sắp về nhà chồng. Mẹ khóc, giọt nước mắt mừng vui xen lẫn nhớ nhung. Lễ này chỉ làm ở nhà gái.
Đậu Kỷ Luật