Đặc sắc Lễ hội Đền Quả

02/03/2010 10:37

Đền Quả Sơn (hay còn được gọi là Đền Quả, Đền Mượu) toạ lạc dưới chân núi Quả, nay thuộc xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương.

Toà đền có tuổi thọ ngót gần một ngàn năm, được trùng tu nhiều lần, đã trở thành một di tích lịch sử văn hoá uy nghi, tôn nghiêm, có quy mô khá đồ sộ trong một khuôn viên rộng lớn và rất đẹp mắt. Đền Quả Sơn không chỉ nổi tiếng bởi giá trị nghệ thuật, quy mô to lớn và linh thiêng, mà còn bởi đây là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - Tri châu Nghệ An, người có công lao to lớn xây dựng quê hương xứ Nghệ và mở mang, bảo vệ bờ cõi cho quốc gia Đại Việt dưới triều đại nhà Lý.

Về thăm và dâng hoa dâng hương tại đền Quả Sơn


Theo thần phả Đền Quả Sơn và nhiều tư liệu lịch sử khác, Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Năm 1039, ông được triều đình cử vào Nghệ An lo việc thu thuế. Đến tháng 11/1041, triều đình xuống chiếu cho Uy Minh Vương làm Tri châu Nghệ An. Trong quá trình thay vua trị vì xứ Nghệ, ông đã có nhiều chủ trương, chính sách cải cách phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, giữ vững trật tự an ninh, thu phục nhân tâm... biến vùng biên viễn rộng lớn phía nam của đất nước thành một căn cứ địa vững chắc, phồn vinh, hậu thuẫn cho nhiều triều đại về sau.

Để tưởng nhớ vị Tri châu đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, ngoài đền thờ chính đặt tại núi Quả (xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương) người dân xứ Nghệ đã lập nhiều đền đài, miếu mạo để thờ tự và đời đời ghi nhớ công ơn của ông. Tác giả cuốn "Việt điện u linh tập" đã khẳng định Ngài "là phúc thần của cả châu". Hiện nay, trên đất Nghệ Tĩnh có trên 30 điểm lập đền thờ Lý Nhật Quang làm Thành hoàng. Trải qua các triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã được gia phong nhiều tước hiệu cao quý.

Bên cạnh việc xây dựng, tôn tạo Đền và tổ chức tế tự chu đáo, từ lâu nhân dân trong vùng được sự chỉ đạo và giúp đỡ của Nhà nước đã tổ chức Lễ hội Đền Quả Sơn rất linh đình và trọng thể. Theo truyền thuyết dân gian, tướng quân Lý Nhật Quang đi đánh giặc, trên đường lui quân được Bà Bụt (hiện hình cô hàng nước ven sông) chỉ cho đất huyết thực ngàn năm, sau khi hiển thánh, Uy Minh Vương nhớ ơn nên có Lễ tạ ơn này. Lúc đầu lễ hội được tổ chức hàng năm, về sau dân xã thấy cần phải chuẩn bị thật chu đáo để tăng thêm phần trọng thể nên đã tổ chức đều kỳ: 3 năm 2 lần. Cũng có thể gọi đây là Lễ hội mừng Xuân, nhân dân trong vùng thay mặt cho nhân dân xứ Nghệ bày tỏ tấm lòng tri ân đối với vị anh hùng thời dựng nước, Thành hoàng của xứ, đồng thời cũng là dịp đón Xuân bằng tinh thần thượng võ và những trò chơi dân gian truyền thống.

Từ năm 1996, được sự giúp đỡ của ngành VHTT tỉnh Nghệ An, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đô Lương đã khởi công phục hồi lại Đền Quả Sơn trên chính vị trí ngày xưa. Ngày 12/02/1998, Bộ VHTT đã ra quyết định công nhận Đền Quả Sơn là Di tích Lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Từ năm 1998, Lễ hội Đền Quả Sơn được phục hồi, tổ chức với quy mô ngày càng lớn. Mỗi kỳ lễ hội đã thu hút hàng vạn người dân trong vùng và khách thập phương tham dự. Việc phục hồi, tổ chức lễ hội Đền Quả Sơn là thể hiện một cách sâu sắc đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", khơi dậy tinh thần thượng võ và các hoạt động văn hoá, văn nghệ truyền thống, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và con em quê hương đang sống ở mọi miền của Tổ quốc. Đây cũng là dịp để nhân dân vui chơi, giải trí, mở rộng giao lưu và thoả mãn nhu cầu tâm linh.

Được sự nhất trí của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tại Thông báo số 2851/TB-SVHTTDL ngày 14/12/2009 và sự đồng ý của Ban Thường vụ huyện uỷ Đô Lương, Lễ hội Đền Quả Sơn sẽ do UBND huyện Đô Lương chỉ đạo, tổ chức với sự tham dự trực tiếp của các xã Bồi Sơn, Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bắc Sơn, Tràng Sơn và nhiều lực lượng khác trong toàn huyện.

Bắt đầu từ ngày 17 tháng Giêng âm lịch, các hoạt động thể thao, văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức tại khuôn viên của đền. Tối 19, Hội diễn văn nghệ chào mừng Lễ hội và sau đó vào lúc 22 giờ, Lễ cáo yết được tổ chức tại Đền Quả Sơn và Chùa Bà Bụt. Lễ rước thần chính thức được bắt đầu từ 6 giờ ngày 20. Đầu tiên là Lễ xuất thần; tân lễ; lộn quân thuỷ bộ; sau đó là lễ rước với 2 cánh quân thuỷ, bộ. Trên đường rước bộ, tổ chức lễ bái hạ ở các làng Nhân Bồi, Tập Phúc, Phúc Hậu, Nhân Trung, Trạc Thanh và Phúc Yên. Việc bái hạ là việc làm thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ, tri ân của nhân dân đối với Đức Thánh, cũng là một nét đặc sắc của Lễ hội Đền Quả Sơn. Lễ tạ ơn ở chùa Bà Bụt với phần cổ lễ mang ý nghĩa tạ ơn. Cuối cùng là lễ rước kiệu Đức Thánh hồi cung trở về và lễ yên vị, kết thúc Lễ hội.


Nguyễn Hữu Đồng