Nhà báo - Liệt sỹ Đặng Loan: Quên mình vì nghĩa lớn

18/06/2010 17:54

Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng ký ức về trận bom tàn phá khu vực cơ quan chỉ đạo Miền Tây Nghệ An vào trưa chủ nhật đầu tháng 5 năm 1965 chưa phai mờ trong ký ức thế hệ làm báo Miền Tây Nghệ An và Báo Nghệ An hôm nay.


Nhà báo lão thành Văn Minh nhớ lại, rành rẽ kể cho tôi từng chi tiết về khoảnh khắc hy sinh của Tổng biên tập Đặng Loan. Lúc bấy giờ cơ quan báo Miền Tây Nghệ An chỉ có 6 cán bộ, làm đủ mọi quy trình từ tổ chức bản thảo, lên makét, đưa về thị xã Vinh in rồi chuyển ngược lên miền Tây phát hành tới tận bản người Mông, người Thái, người Khơ Mú, suốt rẻo vùng núi cao thuộc 10 huyện phía Tây Nghệ An.

Chiến tranh phá hoại nổ ra, cơ quan có lệnh sơ tán nhưng Tỉnh uỷ viên Tổng biên tập Đặng Loan, vẫn bám trụ tại toà soạn. Ông và người liên lạc ăn ngủ tiếp nhận chủ trương của tỉnh về tuyên truyền sản xuất chiến đấu và phục vụ chiến đấu ngay bên căn hầm đắp nổi. Suốt 4 tháng máy bay Mỹ đánh phá ác liệt vào Nhà máy 250B Phủ Quỳ, phà Sông Hiếu, sân bay Cát Mộng, ông và người liên lạc vẫn không rời toà soạn.

Để có thời gian theo dõi chiến sự và chỉ đạo nội dung tuyên truyền trên tờ báo Miền Tây Nghệ An, mỗi ngày ông thổi cơm một bận nắm thành mấy vắt bỏ vào xà cột, đi cơ sở, tiện đâu ông ăn đấy. Ngày ông đi cơ sở tìm hiểu điển hình, chuẩn bị tài liệu, tối chong đèn dầu "phòng không" trong hầm viết xã luận, viết gương người tốt cổ vũ phong trào "sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi" của đồng bào các dân tộc vùng cao huyện Quế Phong, huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và tự vệ các nông trường, lâm trường vùng kinh tế Phủ Quỳ. Nhiều lần trên đường công tác, ông bị bom vùi tại bến phà Sen (Tân Kỳ) và sân bay Dừa (Anh Sơn). Nhưng không vì nguy hiểm mà ông không bám cơ sở.


Những bài xã luận ca ngợi gương chiến đấu dũng cảm bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh của dân quân xã Thông Thụ (Quế Phong) và hợp tác xã Làng Đong (Nghĩa Tiến, Nghĩa Đàn), tự vệ Nông trường Tây Hiếu, Nông trường Đông Hiếu đã là cơ sở để Đảng, Nhà nước xét phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho đơn vị, địa phương vào năm 1967.

Công lao ấy còn có phần đóng góp không nhỏ của các nhà báo Tô Quốc Bảo, Lăng Phước, Văn Minh, Kim Tuấn, Hùng Sơn, nhưng chính Tổng biên tập Đặng Loan là người quyết định hiệu quả tuyên truyền điển hình trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.

Năm 1965 không quân Mỹ mở rộng địa bàn đánh phá dọc tuyến đường 7 và đường 48 hòng ngăn chặn sức chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam, chiến trường Lào. Mức độ đánh phá ngày càng trở nên ác liệt khi từ tháng 4 năm 1965, không quân Mỹ sử dụng B52 đánh liên tục nhiều đợt vào tuyến đường 15.

Bám trọng điểm, vừa chỉ đạo Toà soạn ra báo đều đặn mỗi tuần 2 kỳ, phát hành ổn định 5000 số báo Miền Tây Nghệ An tới 10 huyện miền núi, ông vừa giao nhiệm vụ cho cán bộ, phóng viên tình nguyện dạy học xoá mù chữ cho đồng bào Thái, Thổ, Mông và Khơ Mú. Đêm đến từ Toà soạn ông cũng đi bộ gần 10 km vượt qua trọng điểm đánh phá tới tận bản dạy học cho bà con vùng sâu, vùng xa.


Với phong cách làm báo thời chiến, ông căn dặn phóng viên sẵn sàng phục vụ chiến đấu, bám trận địa phòng không, nhà máy, hợp tác xã nông nghiệp để sáng tạo tác phẩm báo chí nóng hổi tính chỉ đạo, sinh động và kịp thời.


Và cho đến tận lúc hy sinh, ông đã làm như những gì ông nói với phóng viên. Trưa ấy, 15 tháng 5 năm 1965 (nhằm ngày 22 tháng 4 âm lịch) bầu trời Nghĩa Đàn như vỡ vụn trong tiếng rít của bom và tiếng gầm rú lộng óc của hàng chục chiếc F4 "con ma" bổ nhào đánh phá khu công nghiệp Phủ Quỳ, cơ quan chỉ đạo miền Tây, Bệnh viện Đa khoa Tây Hiếu, Xưởng 250B Phủ Quỳ.

Từ trụ sở Toà soạn, Tổng biên tập Đặng Loan giao nhiệm vụ cho người liên lạc thu dọn tài liệu rồi ông chạy bộ tới Bệnh viện Tây Hiếu. Trong ngập ngụa khói bom khu điều trị đổ vỡ sập xuống, ông lao vào buồng bệnh nhân cõng hết người này đến người khác ra hầm trú ẩn. Xưởng cơ khí 250B Phủ Quỳ bốc cháy ngùn ngụt. Từ bệnh viện ông băng tới trụ sở xã Nghĩa Quang kêu gọi lực lượng dân quân cứu xưởng máy.

Từng đến xưởng máy lấy tài liệu viết báo, ông thông thạo địa hình nên chỉ huy dân quân dồn sức bảo vệ máy phát điện, trạm biến áp và khu vực cất giấu xăng dầu dự trữ. Nhờ phán đoán và có giải pháp xử lý tỉnh táo của ông, điểm phát hoả đã được ngăn chặn. Trở về toà soạn, trước ngổn ngang đổ nát, ông và người liên lạc Trần Thông đang gấp gáp thu dọn tài liệu và chiếc máy chữ xách tay độc nhất thì đợt bom thứ 2 dội xuống. Một quả bom phá tung căn nhà tranh và cướp đi người Tổng biên tập dũng cảm, cùng người liên lạc tận tuỵ luôn theo sát ông trong 2 năm đầu giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc.


Nhà báo Đặng Loan quê ở Cát Văn (Thanh Chương), nơi từng dấy lên phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh từ năm 1931, đã được Hội nhà báo Việt Nam truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam. Hôm tôi tìm đến địa chỉ người con gái của Nhà báo Đặng Loan trao Huy chương và một chút quà của Báo Nghệ An, mới biết cô Đặng Thị Yến là Phó ban quản lý Khu di tích Ngã 3 Đồng Lộc. Cô còn là người hướng dẫn, giới thiệu có sức truyền cảm lay động hàng chục vạn lượt khách về tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trên tuyến đường 15, cửa ngõ vào mặt trận phía Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Văn Hiền