Cơm nắm đường xa

02/07/2010 11:33

Nhớ hồi tôi còn ở nhà, thỉnh thoảng vào lúc cuối bữa, nhìn trong nồi có mấy vầng cháy non, nhiều khi chỉ là những vầng cơm còn trắng nguyên, mẹ tôi thường lấy ra, nắm nắm mấy cái thành một nắm con con gọn trong lòng bàn tay. Nếu có sẵn muối vừng thế nào bà cũng chấm, nếu không có thì bà ăn không. Bà bảo: "Ăn cho nó thơm mồm." Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in vẻ mặt sung sướng bình thản của bà mỗi khi ăn món tráng miệng giản dị đó.

Đến khi tôi có con, đứa con gái tôi còn nhỏ, đôi khi nó tỏ ra biếng ăn, vợ tôi liền lấy cơm nắm lại thành từng nắm chim chim. Thế là con bé cứ thế nhẩn nha ăn hết mọi nắm cơm mà mẹ nó xếp dàn ra trên mặt mâm.

Kể cũng lạ, cũng những hạt cơm ấy thôi, khi nắm lại tự dưng chúng biến đổi thành một thứ quà có một sự hấp dẫn nào đó.

Nhớ mùa xuân năm nào, cách đây sáu bảy năm, mấy gia đình bạn thân rủ nhau đi chơi. Tất cả đều đi bằng xe máy, rong ruổi theo triền đê sông Đuống, thăm chùa Bút Tháp rồi sang đò đến cùa chùa Phật Tích. Đến chùa Phật Tích cũng vừa đúng giữa trưa.

Vào chùa lễ Phật xong mọi người cùng trèo lên lưng chừng núi, chọn một phiến đá phẳng nằm giữa những gốc thông, bạch đàn, dở cơm nắm muối vừng ra ăn. Tất cả đều nhất trí rằng đi chơi thế này không gì hay hơn là đem cơm nắm muối vừng đi theo.

Từ đấy mỗi năm, cứ vào mùa xuân, nhóm gia đình thân của chúng tôi lại tổ chức đi chơi, và mỗi năm một gia đình lần lượt chịu lo phần cơm nắm. Năm thì ngả cơm ra ăn ở dưới gác chuông chùa Trăm Gian, năm thì trước cửa hang ở Chùa Thầy, lại có năm thì ở bên một dòng suối của tỉnh Hòa Bình...Các gia đình dường như ngầm có sự ganh nhau trong việc trổ tài nắm cơm. Năm trước nhà này nắm cơm bằng gạo Bắc hương, năm sau nhà khác dùng gạo tám xoan, năm sau nữa nhà khác lại dùng gạo nếp...Lại có nhà đi xin, để dành sΩn một ít mo cau để nắm cơm và gói vào đấy mang đi. Khi ăn người ta cố tìm ra cái hương vị của mo cau hãy còn lẩn quất đâu đây.

Thời đại bây giờ làm lụng nhiều, hoạt động nhiều, cái mồm cái bụng cũng hư đi nhiều; đi chơi đường xa mà chỉ có cơm với muối vừng thì không chịu nổi. Ăn cơm nắm tiện nhất mà cũng rất thú là ăn với giò lụa. Tìm hàng giò thật ngon mà mua, nhớ mang theo một lọ con nước mắm thật ngon. Giò cắt ra thành khoanh rồi lại cắt đều theo hình con chì. Cơm cắt lát thành từng miếng đều nhau. Chấm miếng giò vào nước mắm, cắn miếng giò rồi lại cắn một miếng cơm nắm. Hai thứ ấy quyện vào nhau thành một thứ ngon vô kể. Để cho khác kiểu đi người ta có thể thay vào đó bằng thịt kho, cá kho hay thịt gà rang. Thịt gà luộc ăn với cơm nắm không được hợp cho lắm, mà thịt lợn xông khói, sa la mi hay xúc xích thì lại càng chẳng ra làm sao. Ăn cơm nắm thú nhất hạng là cá bống mũm kho khô, nhưng cũng như muối vừng, người ta không "ăn vã" được nhiều thức ăn.

Nhưng ăn gì thì ăn, cơm nắm mà không có muối vừng thì như thịt chó mà thiếu mắm tôm, gà mà không có lá chanh, bản công xéc tô tấu lên ở chốn rừng xanh dường như thiếu mất âm hưởng chủ đạo. Muối vừng có thể là muối trộn vừng, có thể là lạc giã nhỏ, cũng có thể trộn cả lạc với vừng. Người lớn thường thích ăn nhiều vừng hơn vì nó thơm hơn, bọn trẻ thì lại thích nhiều lạc hơn vì bùi, ngậy. Các cô cậu thường có trò xóc xóc gói vừng để cho những mảnh lạc nhảy lên trên rồi chấm ngay miếng cơm của mình vào đó. Không biết làm sao mà cơm nắm với muối vừng lại hợp nhau đến thế. Miếng cơm nắm chấm vừng như đưa ta từ trên những triền núi cao xuống một vùng đồng bằng, mở ra trước mắt ta những cánh đồng bao la, dòng sông êm đềm chảy.

Những nắm cơm to tướng nhoáng một cái đã biến đâu hết. Người ta chia nhau những mảnh cơm cuối cùng, chấm vào những hạt vừng, lạc bé li ti còn lại trong mặt túi ni lông.

Ăn cơm nắm có hai kiểu. Đám đàn ông thích lối ăn của những người thuyền chài hay những người đi rừng xưa, ấy là vớ lấy nắm cơm cứ thế bẻ ra mà ăn.Đám các bà vợ thì không như thế, họ khẽ khàng dùng dao gọt đi một lớp vỏ cứng bên ngoài, y hệt như là gọt bưởi, chỉ lấy phần lõi mềm mịn ở bên trong, rồi cắt ra thành từng lát đều nhau. Cơm nắm càng kĩ, càng khéo thì miếng cơm cắt ra trông càng mịn màng.

Nhớ hồi còn học sinh, có một lần cả lớp tổ chức đi cắm trại ở bãi biển Cửa Lò. Lần ấy tôi được người bạn gái mà mình đã thầm yêu từ lâu cắt cho ăn những miếng cơm ngon lành. Làm sao mà quên được hình dáng của những ngón tay ngà. Nhưng ân huệ của nàng ban cho tôi chỉ có vậy. Đi chơi với vợ con mà vẫn còn nghĩ đến những chuyện như thế có lẽ không được phải cho lắm. Nhưng tình đời là như thế, biết làm sao được.


Đặng Hồng Nam