Ngàn năm hào khí Thăng Long

24/09/2010 18:07

Lý Công Uẩn lên ngôi, khởi lập triều đại nhà Lý vào cuối năm 1009, mùa Xuân năm sau, nhân dịp về thăm quê hương Cổ Pháp (nay là Đình Bảng - Bắc Ninh), nhà Vua đi qua thành Đại La thấy nơi đây "Có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa nam bắc đông tây, tiện hình thế núi sau sông trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp đất Việt, chỗ ấy là nơi hơn cả, thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời, (Chiếu dời đô).

Thế là đầu Thu năm ấy, Lý Thái Tổ cho dời đô từ thành Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La. Thuyền ngự vừa cập bến sông Hồng, Rồng vàng bỗng hiện ra giữa mũi thuyền, rồi từ từ bay lên. Nhà Vua cả mừng bèn đặt tên kinh đô mới là Thăng Long.

Kinh đô Thăng Long từ đó đến nay vừa chΩn 1000 năm, trải bao biến cố, vật đổi sao dời, cung điện xây thêm, thành quách mở rộng, dân cư trú ngụ ngày càng đông đúc, các bậc sĩ phu trí giả hội tụ về đây ngày càng nhiều. Nhờ tinh hoa bốn phương cả nước dồn về nên hào khí Thăng Long được hun đúc, được toả sáng đời nọ nối tiếp đời kia, triều đại này truyền sang triều đại khác.

Người Thăng Long đầu tiên làm rạng rỡ hào khí vùng đất Rồng bay chính là người con sinh ra tại vùng đất này, văn võ song toàn, mưu dũng gồm đủ. Đó là Lý Thường Kiệt, ông thống lĩnh quân sĩ chủ động tấn công đập tan 10 vạn quân Tống khi chúng mới ngấp nghé bờ cõi nước ta, rồi lui về lập phòng tuyến sông Như Nguyệt để bảo vệ Kinh thành Thăng Long. Ông cũng nhiều phen đem quân đánh dẹp giặc Chiêm Thành giữ yên bờ cõi phía Nam. Lý Thường Kiệt cũng là người Việt Nam đầu tiên dõng dạc tuyên ngôn về nền độc lập bất khả xâm phạm của nước ta:

Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành đã định tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm lấn,
Thất bại bay đành chuốc lấy thôi!

Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội.
Ảnh: Xuân Nhường

Đế quốc Nguyên Mông một thời làm mưa làm gió khuynh đảo cả thế giới. Vó ngựa cánh cung của chúng đã từng làm khiếp đảm các dân tộc Á - Âu, đến nỗi chỉ trong mấy năm hàng loạt nước của hai đại lục này đã nằm gọn trong tay Thành Cát Tư Hãn! Thế mà cả ba lần giặc Thát hành binh xâm lược nước ta, mỗi lần có tới 50 vạn, hai lần Thái tử Thoát Hoan trực tiếp cầm đầu, vua cha Hốt Tất Liệt thì dẫn đại quân đến sát biên giới phô trương quân thanh làm hậu thuẫn, nhục nhã thay, cả ba lần chúng đều bị đại bại trước hào khí Đông A? Ấy là bởi, ngay giữa Kinh thành Thăng Long tiếng hô "Quyết chiến" của các bô lão trong Hội nghị Diên Hồng đã hoà đồng cộng hưởng với tiếng thét "Sát Thát" của ngàn vạn quân sĩ hưởng ứng lời hịch của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Và, vẻ vang thay, trận thắng quyết định, chấm dứt giấc mộng xâm lăng của giặc Nguyên Mông lần thứ nhất lại diễn ra tại Đông Bộ Đầu, khúc sông ở ngay dốc Hàng Than, Hà Nội bây giờ.

Khi quân Minh xâm lược nước ta, chúng đổi Thăng Long thành Đông Quan. Và cũng chính tại đây, một người con vĩ đại sinh ra tại làng Nhị Khê ngoại thành lại một lần nữa làm toả rạng hào khí Thăng Long. Những ngày bị giam lỏng ở thành Đông Quan, Nguyễn Trãi đã âm thầm thảo Bình Ngô Sách để rồi một đêm đông, ông cùng cậu mình là Trần Nguyên Hãn trốn về tụ nghĩa đất Lam Sơn, dâng kế sách đánh giặc và sát cánh cùng Lê Lợi suốt 10 năm dòng dã kháng Minh, để rồi dẫn đến trận Chi Lăng chém đầu Liễu Thăng, buộc Tổng binh Vương Thông phải quì gối dưới chân thành Thăng Long tuyên thề đầu hàng. Và cũng chính Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi thảo áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô Đại cáo, mà người đời sau coi như bản "Tuyên ngôn độc lập" thứ hai của Đại Việt!

Cuối thế kỷ 18, gần ba chục vạn quân Thanh ồ ạt kéo sang thôn tính nước ta. Chúng chiếm Thành Thăng Long không mất một mũi tên ngọn giáo, nhưng nào biết đâu " nước cờ Tam Điệp" do Ngô Thì Nhậm, cũng là một người con của đất Thăng Long đã bày sΩn để đón chúng vào coi như cho ngủ trọ một đêm. Để rồi Đại binh Quang Trung năm đạo đổ về Thăng Long, chỉ trong 5 ngày đêm Tết Nguyên đán Kỷ Dậu (1789), làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, chấn động cả triều đình Mãn Thanh, thực hiện trọn vẹn và xuất sắc lời hịch xuất binh của vua Quang Trung:

Đánh cho chúng một mảnh giáp không còn
Đánh cho chúng một cỗ xe không được quay về nước
Đánh cho chúng mở mắt ra: Nước Nam anh hùng là có chủ!

Thiết nghĩ, đây cũng đáng xếp vào một "Tuyên ngôn độc lập" đanh thép của nước Đại Việt ta. Thời kỳ đầu giặc Pháp xâm lược, cả hai lần chúng động đến vùng đất Thăng Long là cả hai lần kẻ cầm đầu phải đền mạng. Lần đầu vào năm 1873, Đại uý Gác-nhi-ê bị giết chết tại đường Thủ Lệ. Lần thứ hai vào năm 1883, Đại tá Hăng- ri Ri-vi-ê bị chém đầu tại Cầu Giấy. Hồi ấy, cả kinh thành Thăng Long người người truyền tai nhau bài "Văn tế Hăng- ri Ri-vi-ê" chắc là của một nhà nho yêu nước nào đó với những câu:

Vâng lệnh Triều đình
Tôi phải tế ông:
Chuối một buồng
Trứng một ổ
Ông ăn cho no
Ông ngủ cho say
Khốn nạn thân ông
Đ...mẹ cha nó!

Nhục nhã thay cho nước Pháp thực dân! Tự hào thay cho Thăng Long hào khí! Rồi hào khí Thăng Long lại sục sôi trong Cách mạng Tháng Tám. Hàng chục vạn người dân Hà Nội xuống đường cướp chính quyền khiến cho thực dân và bè lũ tay sai kinh hồn bạt vía. Chỉ trong một ngày, chính quyền đã về tay nhân dân. Cuộc Tổng khởi nghĩa mở đầu thắng lợi ở Hà Nội như một phản ứng dây chuyền lan toả khắp từ Bắc chí Nam, để rồi chỉ trong vòng nửa tháng, toàn bộ chính quyền đã về tay nhân dân.

Ngày mồng 2 tháng 9, trong chan hoà ánh nắng mùa Thu và trong giữa sao vàng cờ đỏ, hàng vạn người dân Thủ đô trên Quảng trường Ba Đình lắng nghe như nuốt từng lời của vị Cha già dân tộc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Quảng trường Ba Đình nhiều lần bị rung lên bởi hàng vạn tiếng hô như muốn vỡ lồng ngực khi tuyên lời thề độc lập. Và ngay sau ngày ấy, nhân dân Hà Nội lại anh dũng đứng lên chống giặc Pháp khi chúng lật lọng, cướp nước ta một lần nữa. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, kể cả giáo mác, cuốc thuổng, gậy gộc. Cả Hà Nội quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Hà Nội lọt vào tầm ngắm huỷ diệt của không lực Hoa Kỳ. Những kẻ cầm đầu Nhà Trắng đều muốn Hà Nội là nơi đầu tiên của miền Bắc " quay lại thời kỳ đồ đá". Nhưng Hà Nội đã trả lời chúng bằng Đại thắng Điện Biên Phủ trên không: 34 pháo đài bay B52 bị bắn cháy, 50 "Thần sấm", " Con ma" bị ra tro...

Ai đã từng thả bộ quanh Hồ Gươm thưởng ngoạn hẳn từng ngắm tượng Vua Lê cầm kiếm ném trả Thần Rùa để rảnh tay kiến thiết giang sơn, hẳn từng dừng chân ngước mắt lên Tháp Bút mà Phương Đình Nguyễn Văn Siêu dựng để "viết lên trời xanh" (Tả thanh thiên). Ông định viết gì, nếu không phải là khát vọng tự do của dân tộc, là tôn vinh hào khí Thăng Long?!


Trịnh Trọng Quý