Đầu năm trở lại với... chum sành

11/02/2011 17:52

Đối với người dân ở vùng thôn quê, những chiếc chum, vại, lu sành là những vật dụng cần thiết gắn bó từ bao đời.

Chum không chỉ dùng để đựng thóc, lúa, lương thực, tránh chuột bọ, ẩm mốc mà còn dùng để đựng nước mưa om chè xanh, chè sen và làm tương. Ngày hè, các cô thôn nữ cũng thường soi gương và lấy nước hứng trong chum, lu sành để gội đầu với bồ kết cho tóc đen mượt. Mùa nắng nóng, đi làm đồng về người dân quê thường lấy chiếc gáo dừa múc nước trong chum để uống. Uống đến đâu, mát ngọt đến đó.

Ngày nay, đời sống phát triển những chiếc chum, lu, sành ngày càng thưa thớt và vắng bóng. Nhưng ở nhiều nơi, người dân vẫn gìn giữ và sử dụng những chiếc chum như những vật dụng sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống thường ngày.

Quê chồng tôi ở một xã thuộc vùng rốn lũ của huyện Nam Đàn, trong nhà vẫn còn giữ được vài chiếc chum bằng đất nung đã ánh lên màu nâu bóng của thời gian, bà cố nội năm nay đã hơn 80 tuổi thường chỉ vào những chiếc chum tự hào đó là đồ vật của cha ông để lại, nhờ nó mà cả nhà giữ được hạt giống gieo trồng qua bao mùa lũ lụt.

Người Nam Đàn vẫn dùng chum, sành để làm tương. Từ bao đời nay những người bà, người mẹ sau buổi ra đồng, vẫn cần mẫn bên những chum tương thơm nồng để nuôi các con ăn học. Tương đựng trong chum thường cân bằng nhiệt, để được lâu hơn và có hương vị nồng đượm rất riêng nên ngày nay nhiều người vẫn sử dụng phương pháp truyền thống là dùng chum, sành để ủ tương.

Làng nghề nước mắm Phú Lợi, xã Quỳnh Dị (huyện Quỳnh Lưu) bao đời nay người dân cũng chỉ nhất định muối cá trong chum sành theo phương pháp cài nén, ông Trần Văn Đang - Hội phó hội làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi cho biết: " Đó cũng là một trong những bí kíp làm nên thương hiệu nước mắm Quỳnh Dị nức tiếng xa gần".

Tôi cũng may mắn có quen một người rất yêu những chiếc chum cổ, đó là anh Trần Thái Bình, ở khối Tân Phượng (phường Vinh Tân- Thành phố Vinh). Từ niềm say mê giữ gìn vốn cổ, hồn quê, anh đã biến thành một thú chơi văn hoá độc đáo là sưu tầm đồ cổ trong đó có những chiếc chum đã trải qua bao biến cố thời gian. Hiện tại bộ sưu tập của anh có khoảng hơn 15 chiếc chum lớn nhỏ với nhiều độ tuổi khác nhau, chủ yếu là ở thời Mạc, thời Nguyễn trong đó có một đôi chum đực, chum cái rất độc đáo và quí hiếm.

Hàng ngày anh Bình vẫn lau chùi, chăm sóc những chiếc chum dựng góc nhà, góc vườn râm mát như chăm sóc đồ gia bảo. Anh coi đó là cách lưu hồn quê, hồn dân tộc. Cái thú được uống, được tắm nước trong chum sành, rửa mặt trong chậu đất...có lẽ giờ đây nhiều người đã quên, nhưng với những người như anh Bình thì vẫn còn nhớ lắm!


Khánh Ly