Thăm Vạn Lý Trường Thành

11/03/2011 16:59

Người ta bảo trên hành trình theo dọc miền duyên hải của nước Trung Hoa mà ngược lên thì tới Bắc Kinh là đi đến "nơi hành xác". Bởi mới là cuối mùa thu mà nơi này hàn thử biểu về ban đêm đã có lúc chỉ đến 0 độ C; còn nếu là giữa mùa hạ thì người từ phía nam lên sẽ khó mà chịu nổi cái nóng, cái gió đây. Từ trung tâm của thành phố đứng đầu đất nước, là thủ đô cổ kính và hiện đại ấy, phải ngót 100 cây số đường xe hơi đi sâu vào lục địa ta mới bước tới chân Vạn Lý Trường Thành. May mà lúc chúng tôi đến thì trời đã đông buổi và quang mây nên có hửng nắng.

Cổ nhân nói "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán" (Chưa đến nơi Vạn Lý Trường Thành thì chẳng phải là bậc đàn ông dũng cảm). Và tôi đã bước lên trước tấm bia lớn, dựng rất nghiêm trang rồi đọc được câu nói ấy, nét chữ do Chủ tịch Mao Trạch Đông đề, dưới có chữ ký của ông. Phải chăng, tôi đã có dịp may để một lúc được trở thành người hảo hán?


Nhưng rồi bỗng nhớ ra, nơi mình đã được đặt chân tới này không phải là phần Vạn lý Trường Thành mà người xưa nói đến trong sách vở. Chốn ấy ở xa lắm mà cổ thành tại Long Cung Miếu thuộc ngoại ô Trung Vệ, tỉnh Ninh Hạ là một trong những đoạn thành còn lại của thời ấy. Nó được người Hán xây dựng từ thời Chiến quốc với mục đích là để chống lại sự tấn công của những bộ tộc thuộc người Hung nô và Tây vực ?

Như vậy là Trường Thành được bắt đầu xây từ khoảng 2.500 năm cách ngày nay và xây theo từng đoạn một, chủ yếu được đắp bằng đất nện nhồi với rơm rạ, chỉ các cổng và bốt gác người ta mới ghép thêm đá. Đến năm 221 TCN vua Thủy Hoàng nhà Tần làm công việc tiếp theo với quy mô hoành tráng hơn.

Tác giả taị Vạn Lý -Trường Thành.Ảnh tư liệu của C.T.H


Trước hết, ông ra lệnh cho nối các đoạn thành đã có rồi xây thêm, thành một bức trường lũy liền mạch từ Gia Dụ Quan đến Sơn Hải Quan, dài 2.500 km (5.440 dặm), chạy qua sa mạc Gôbi với các vọng gác cao ngất và nhiều phong hỏa đài chót vót trên những dải cát ngút tầm mắt. Và tôi hiểu, vì sao cổ nhân gọi chiến trường là sa trường để rồi Vương Hàn, một trong những thi bá thời Đường viết ra bài thơ biên tái "Lương châu từ" bất hủ trong đó có câu: Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu / Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Người Việt Nam chúng ta thuở xưa đi sứ, chỉ lên Bắc Kinh thôi mà khứ hồi phải mất hàng quý, thậm chí ngót năm thì những người khác dễ gì mà lên được vùng đất là cương vực của đế quốc Hán thuở xưa.

Nhưng Đặng Trần Côn, một thi nhân nước Việt vẫn tưởng tượng mà viết ra: "Cổ bề thanh động Trường thành nguyệt / Phong hỏa ảnh chiếu Cam Tuyền vân", để Đoàn Thị Điểm dịch là: "Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt/ Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây". Trường Thành và Cam Tuyền ở đây cũng là tên lũy, tên đất của nước Trung Hoa. Thế là tôi biết mình đã đến với một điểm của Vạn Lý Trường thành hiện nay và cũng nhận rõ thêm, Trường Thành còn được các triều đại về sau xây tiếp mà nơi tôi bước tới mới là đoạn từ Cư Dung Quan đi lên Bát Đại Lãnh, mới được đắp thêm dưới thời Minh để có tổng chiều dài của công trình là 6.352 km (3.948 dặm Anh).

Kể ra, chúng ta đến được nơi đây dù là với các phương tiện giao thông hiện đại thì cũng đã là một cố gắng, nhưng chưa có gì đáng gọi là hảo hán, và biết, lời nhắc lại của Mao Trạch Đông là nhằm nói rằng, phải đi xa hơn nữa để nhận ra điểm khởi thủy của bức lũy được dựng xây từ thế kỷ 5 TCN, nơi mà thời xưa, khi chưa có xe hơi, máy bay thì những con người từ vùng Trung nguyên, phải là các bậc "hảo hán" mới dám đi tới. Dẫu sao, Vạn Lý Trường Thành cũng là một kỳ tích đứng đầu trong danh sách 30 công trình được xếp loại là di sản văn hóa thế giới của đất nước Trung Hoa.


Đến với Vạn Lý Trường Thành, tôi càng nhớ nhiều về những công trình kiến trúc xưa kia của nước mình. Đó là kinh Thành Cổ Loa trên đất Phong Khê. Vào những thập kỷ đầu Công nguyên, khi từ Phong Châu chuyển về nơi này là tổ tiên ta đã từ vùng bán sơn địa mà thiên đô xuống đồng bằng. Công trình Cổ Loa được thiết kế theo 9 vòng xoáy trôn ốc và chủ yếu là xây bằng đất vì thuở đó chưa có gạch nung. Tổng cộng công trình tốn khoảng 2,2 triệu mét khối đất đá. Bờ thành có chỗ cao 8,2 mét mà đứng vững được hàng ngàn năm.


Đó là các tòa Tháp Chăm với niên đại sớm nhất là từ thế kỷ 7. Các công trình ấy đều được xây bằng gạch tự nung mà người ngoài khó nhận ra chất kết dính. Và tương truyền có những ngôi tháp đã được xây gọn trong một đêm. Đặc biệt là những bức chạm, những pho trượng sinh động biểu thị nghệ thuật tạo hình tuyệt vời. Như cụm Tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam) đã được tổ chức UNESCO công nhận là một Di sản văn hóa thế giới.


Đó là Thành nhà Hồ, cũng là Thành Tây Giai, Tây Đô, được xây vào năm 1397, theo chủ trương và sự chỉ huy của Hồ Quý Ly khi ông đang làm Tể tướng của nhà Trần. Nơi thành tọa lạc hiện thuộc địa phận xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long của huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thành hình tứ giác, mỗi cạnh dài khoảng 500m, cao từ 5 đến 6m và ghép bằng những viên đá hình vuông màu xanh, nặng từ 15 đến 20 tấn, chẳng biết người ta làm thế nào để kéo chồng được lên nhau mà hiện nay, với mắt thường, chúng ta không nhận ra chất kết dính. Tương truyền, thành chỉ xây 3 tháng là xong. Và trong việc xây thành, nơi đây cũng đã để lại câu chuyện như nàng Mạnh Khương đi tìm chồng trên Vạn Lý Trường Thành thuở nào...


Và với biết bao công trình văn hóa đặc sắc, lỗi lạc khác trên đất nước ta. Tôi bỗng nhớ đến câu văn của Nguyễn Trãi trong "Bình Ngô đại cáo", rằng: "Như nước Đại Việt ta từ trước vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác... dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có..."


Và cho đến hôm nay, chúng ta đã đủ sức, vững vàng để sánh vai cùng bè bạn năm châu trong hội nhập và phát triển nên càng phải phát huy tốt những danh thắng mà tạo vật ban cho cũng như những di tích mà tổ tiên đã tạo tác.


Chu Trọng Huyến