Về Thái Sơn thăm đình Long Thái

21/02/2011 17:42

(Baonghean) - Một ngày đầu năm, chúng tôi có chuyến du xuân về xã Thái Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) và may mắn được chứng kiến lễ tế đầu xuân tại đình Long Thái, một di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh.

Ngay từ sáng sớm, sân đình Long Thái vang lên những hồi trống mời gọi, thúc giục mọi người nhanh chân đến dự lễ tế. Khi sân đình đã đông đủ người già, trung niên, thanh niên và trẻ nhỏ, mâm lễ được các làng dâng đủ đủ, đội tế áo mũ chỉnh tề bước vào gian giữa ngôi đình. Đây là những cụ ông có uy tín, đức độ trong xã được bà con tiến cử để thay mặt làng xã đứng ra làm lễ tế. Buổi lễ diễn ra hàng giờ đồng hồ, tiếng trống, tiếng chiêng vọng ra từ mái đình cổ càng tôn thêm vẻ linh liêng.

Đình Long Thái ngày tế lễ


Cụ Hoàng Văn Long (một bậc cao niên của làng) kể về lịch sử ngôi đình.

Vào khoảng năm 1512, Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Lê, bà Bùi Thị Ngọc Thụy (vợ vua Lê Chiêu Tông) đang mang thai phải chạy trốn, đến làng Vĩnh Long, tổng Bạch Hà (nay là xã Thái Sơn, Đô Lương) trú ẩn. Sau đó, bà sinh hạ một người con trai và đặt tên là Lê Ninh. Lê Ninh lớn lên trong sự cưu mang của người dân địa phương. Một thời gian sau, Lê Ninh được một cựu thần nhà Lê là Hưng Quốc Công đưa sang nước Ai Lao với ý định chiêu mộ binh sỹ để khôi phục triều Lê, được các cận thần tôn vinh là Trang Tông.

Quân của Lê Trang Tông được nhân dân nhiều nơi ủng hộ, uy thế ngày càng lớn mạnh. Khi nhà Mạc suy yếu, một cựu thần nhà Lê là Nguyễn Kim tìm cách đưa Lê Trang Tông về triều, lập ngôi báu và lấy niên hiệu là Nguyên Hòa. Lê Trang Tông tại vị được 16 năm (1533 - 1548), sau khi ông mất, người dân làng Vĩnh Long (tức làng Long Thái ngày nay) xây dựng ngôi đình và lập miếu thờ tại vị trí phía Nam của làng để mong được anh linh vua Lê Trang Tông chở che, phù hộ.

Chuẩn bị làm lễ tế


Xưa kia, đình Long Thái được xây dựng 3 gian, làm toàn gỗ lim. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngôi đình ngày nay gồm 5 gian, hoàn toàn bằng gỗ mít. Về điêu khắc, hoa văn chạm trổ của ngôi đình vẫn giữ được những nét cổ, các linh vật và đồ tế khí vẫn được người dân Long Thái giữ gìn. Năm 2006 đình Long Thái được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa.

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, bởi chiến tranh nên việc tế lễ không được thường xuyên, có khi bị gián đoạn hàng chục năm trời. Từ năm 2006, chính quyền địa phương quyết định tổ chức tế lễ đầu xuân vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm. Trước ngày diễn ra tế lễ, tại sân đình, đoàn thanh niên tổ chức giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại, làm tăng thêm niềm vui, phấn khởi trong dịp vui tết, đón xuân.

Công Kiên