Phong tục rượu cần của đồng bào Thái Con Cuông
Với người Thái, trong các dịp lễ hội, tết, mừng nhà mới, cưới hỏi, đón khách, uống rượu cần là sinh hoạt văn hoá không thể thiếu. Hoà trong rượu là tình người, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương bản mường. Từ lâu, việc chế biến và sử dụng rượu cần đã trở thành nét đẹp truyền thống, mang đậm bản chất văn hoá phong tục tập quán của người Thái ở huyện miền núi Con Cuông nói riêng và đồng bào dân tộc Thái ở tỉnh Nghệ An nói chung.
Nằm bên kia tả ngạn Sông Lam, cách trung tâm thị trấn Con Cuông hơn 10 km là xã Mậu Đức- địa phương có truyền thống làm rượu cần nổi tiếng của huyện. Những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nghề làm rượu cần được đẩy mạnh. Đến nay toàn xã đã xây dựng 8 chi hội làm rượu cần có hàng trăm hội viên phụ nữ tham gia. Trong mấy năm trở lại đây, rượu được khách hàng ưa chuộng nên đã trở thành hàng hoá. Nhờ làm rượu cần mà đời sống của người dân nơi đây đã đổi thay nhiều.
Ảnh: Trần Ngọc Lan |
Để có hũ rượu ngon thì người làm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Men rượu làm bằng những thứ lá có sẵn ở rừng (gọi là men lá). Những thứ lá này được giã đều cho thật nhuyễn với gạo tấm, hoặc bột sắn củ sau đó nắm tượng trưng thành hình trai, gái, đem ủ với rơm, xếp từng lớp đều nhau. Khi đã ủ kỹ từ 15 đến 20 ngày, mùi men bốc lên, các bánh men được phơi lên gác bếp cho khô. Khi cần dùng đem giã nhỏ rắc vào cái rượu, mỗi mẻ rượu cần từ 7 đến 9 bánh. Cái rượu được làm bằng trấu được rửa thật sạch, trộn với gạo nếp hoặc sắn hông chín, tiếp tục ủ bằng lá chuối hoặc lá rừng để rượu bốc men rồi đem bỏ vào từng chum, lấy lá chuối, lá bục bục, hoặc mảnh ni lông bịt kín
Khi đã ủ vào chum từ 25-30 ngày, rượu có thể uống được. Để càng lâu rượu càng đặc, càng ngọt. Người ta còn làm cái rượu bằng loại ngũ cốc khác như ngô, sắn gạo,củ dong riềng., nhưng dùng gạo thì rượu có chất lượng hơn, nhất là gạo nếp cẩm thì rất bổ và ngon.
Khi uống rượu cần cũng phải có sự sắp xếp theo thứ tự cấp bậc. Thường người cao tuổi và khách quý mới được ngồi phía trên. Còn phía cửa ra vào là nơi dành riêng cho phụ nữ và thanh niên. Cả hai phía cùng ngồi vây lại thành vòng quanh chum rượu nhưng luôn tạo thành một ranh giới, không lẫn lộn. Cần rượu được đưa cho người nào thì người đó mới được uống, khách không được tự ý uống khi chưa có lời mời của người làm chàm. Chủ chàm mời mọi người uống rượu phải trịnh trọng, ý nhị với những lời mời tình cảm, trân trọng nhất.
Khi đã vào cuộc vui rượu cần con người xích lại gần nhau, xua tan mọi nỗi u buồn, thậm chí sΩn sàng tha thứ cho nhau những điều chưa vừa ý, vừa lòng. Rượu cần là thú vui không thể thiếu được bởi nó đã đi vào cuộc sống cộng đồng, trở thành một nét bản sắc văn hoá đáng trân trọng. Nó còn là cầu nối giao lưu văn hoá giữa các dân tộc. Bên cạnh đó rượu cần cũng giúp tăng thu nhập cải thiện đời sống cho đồng bào người dân tộc thiểu số nơi đây.
Bảo Ngọc - Bá Hậu