Luật ra đời, chờ Nghị định hướng dẫn?
Cửa hàng thuốc của dược sỹ Mai hoạt động nhiều năm nay, nhưng nay gia đình chị chuyển nhượng cửa hàng cho một dược sỹ khác đứng tên. Biển nhà thuốc dược sỹ Mai đã được hạ xuống, nhưng nhà thuốc chưa gắn biển mới lên được, mặc dù thủ tục đăng ký đổi tên nhà thuốc, dược sỹ đã làm mấy tháng nay nhưng chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép.
Nguyên nhân là do chưa có Nghị định hướng dẫn việc thực hiện đổi tên từ nhà thuốc, dược sỹ này sang dược sỹ khác. Khách hàng đã quen hàng ngày vẫn đến cửa hàng mua thuốc nhưng cửa hàng thuốc buộc phải đóng cửa vì bán thuốc sẽ bị thanh tra xử phạt với lý do chưa có cấp phép hoạt động tên nhà thuốc của dược sỹ mới.
Luật quy định về việc đổi tên nhà thuốc, dược sỹ đã được ban hành từ ngày 1/11/2010, đến nay đã hơn 3 tháng, tuy nhiên Luật ra đời nhưng còn phải chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn nên vẫn còn luật "treo".
Một thực tế tồn tại nhiều năm qua là việc các văn bản cùng một nội dung nhưng có những hai văn bản hay nhiều văn bản hướng dẫn liên quan gây chồng chéo trong việc thực hiện cũng như các cơ sở lúng túng trong việc chỉ đạo thực hiện theo văn bản nào?, hay Luật vẫn còn "bỏ sót trận địa", chỉ hướng dẫn "dự án lớn", bỏ qua "dự án nhỏ" mà quy trình phải đi theo việc làm nhỏ đến lớn.
Đơn cử việc chồng chéo giữa nội dung quy định và văn bản hướng dẫn thực hiện pháp lệnh Dân số năm 2003 vừa qua đã có những cách hiểu khác nhau. Theo điều 10- Pháp lệnh dân số năm 2003 quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh.
Tuy nhiên, vấn đề này khiến nhiều người dân hiểu sai là Nhà nước khuyến khích đẻ nhiều con. Vì thế, mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ ba tăng mạnh trở lại trong mấy năm gần đây, nhất là trong cán bộ, đảng viên. Vì vậy, ngay sau khi ra đời pháp lệnh phải có sửa đổi.
Từ thực tế đó cho thấy, giải quyết bất cập, vướng mắc trên là vấn đề cần được các cấp, ngành có thẩm quyền nghiên cứu lộ trình trước khi ban hành Luật.
T.L